Thị trường

Tài sản công phải sử dụng đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn

(DNVN) - Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, tài sản công tại cơ quan nhà nước chủ yếu là các tài sản phục vụ công tác quản lý của nhà nước. Vì vậy, cần phải bảo đảm việc quản lý, sử dụng tiết kiệm đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức...

Ngày 29/5, Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về việc sử dụng, khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích cho thuê, khai thác, góp vốn liên doanh, liên kết tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan dự trữ nhà nước quy định tại các điều Điều 35, 53, 54, 55, 56, 57 của Dự thảo Luật, Dự thảo luật đã đưa ra những quy định nhằm ngăn chặn tình trạng đầu tư quá mức, dẫn tới dư thừa công suất, đồng thời yêu cầu trong việc xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tránh lãng phí trong đầu tư (khoản 4 Điều 7, khoản 2 Điều 11 và khoản 2 Điều 29). Trong thực tế quản lý, sử dụng tài sản công, có những tài sản được đầu tư trang bị phù hợp với tiêu chuẩn, định mức mà không sử dụng hết công suất nhưng vẫn bắt buộc phải đầu tư như: Trung tâm Hội nghị quốc gia; Trung tâm tập luyện, thi đấu thể thao, tàu chuyên dụng vận chuyển hàng hóa, cán bộ, công chức ra các đảo....

Trong trường hợp này, dự thảo Luật quy định việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công suất vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết đúng với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp và công năng sử dụng của tài sản để tránh lãng phí. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng tiếp tục đầu tư, mua sắm mới các tài sản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước dẫn đến lại dư thừa công năng, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung và sửa lại các quy định tại điểm a khoản 1 của các Điều 55, 56 và 57 theo đó đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết trong trường hợp: “Tài sản được đầu tư từ ngân sách nhà nước trang bị để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao trước thời điểm luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa sử dụng hết công suất theo thiết kế. Tài sản được đầu tư từ ngân sách nhà nước trang bị để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao sau thời điểm luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa sử dụng hết công suất theo thiết kế được Thủ tướng Chính phủ quyết định”; bổ sung vào khoản 3 Điều 50 về đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp nội dung: “Không đầu tư, xây dựng mới tài sản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết”.

Đồng tình với các quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập và mục đích cho thuê và liên doanh liên kết, tuy nhiên đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị Dự thảo Luật cần bổ sung việc cho thuê, liên doanh, liên kết phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, không làm lộ bí mật nhà nước, thông tin của các tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, đối với tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cần quy định rõ khi sử dụng các loại tài sản này vào mục đích cho thuê liên doanh liên kết cần khống chế thời gian cho thuê và hợp tác. Tùy vào từng vị trí của tài sản mà quy định phải lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, đặc biệt đối với các tài sản nằm gần các khu hành chính thì việc cho thuê liên doanh liên kết không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các khu hành chính xung quanh.

Đại biểu Quốc hội Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho rằng, tài sản công tại cơ quan nhà nước chủ yếu là các tài sản phục vụ công tác quản lý của nhà nước. Vì vậy, cần phải bảo đảm việc quản lý, sử dụng tiết kiệm đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức không được cho thuê kinh doanh dịch vụ, liên doanh liên kết nhất là trụ sở làm việc, phương tiện đi lại, trang thiết bị. Việc quy định theo hướng cho phép cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan nhà nước khác, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội sử dụng chung theo đúng mục đích và được thu một khoản kinh phí để bù đắp kinh phí theo Quy định tại Khoản 4, Điều 35 là mâu thuẫn với các nguyên tắc quản lý sử dụng tài sản công được quy định tại Khoản 4, Điều 7 của Dự thảo Luật. Việc cho thuê khai thác vận hành tại cơ quan Nhà nước hoặc thuê đơn vị có chức năng thực hiện quản lý vận hành theo quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 36 của Dự thảo Luật không phù hợp với mọi cơ quan Nhà nước trước yêu cầu bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật công tác hiện nay.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, theo đại biểu Lê Anh Tuấn, mục tiêu thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập là để thực hiện các hoạt động sự nghiệp với ngân sách do Nhà nước đài thọ, việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản chưa sử dụng hết công năng để cho thuê khai thác góp vốn kinh doanh do cơ chế thị trường như là “để hợp pháp hóa thực tiễn đang diễn ra hiện nay”. Mặc dù có những ưu điểm nhưng trên thực tế sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu chính khi thành lập các đơn vị này, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học.

Hơn nữa, việc sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập vào các mục địch này chịu sự ảnh hưởng bởi các quy luật thị trường và có khả năng bị mất vốn do kinh doanh thua lỗ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, còn có khả năng ảnh hưởng đến uy tín nếu tài sản góp vốn là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập, trừ trường hợp góp vốn liên doanh liên kết thì việc hạch toán từ hoạt động cho thuê khai thác của các đơn vị sự nghiệp công lập là rất khó theo dõi và quản lý theo phương diện quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Tiếp thu, giải trình ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, Luật quản lý tài sản nhà nước năm 2008 đã phân định chế độ quản lý sử dụng giữa cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công. Tài sản tại cơ quan nhà nước nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước. Tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tạo ra dịch vụ công cung cấp cho xã hội và dự thảo luật lần này, kế thừa quan điểm này. Vì vậy cần phải làm rõ chế độ quản lý sử dụng khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, đối với cơ quan quản lý nhà nước, tài sản công tại cơ quan nhà nước chủ yếu là tài sản phục vụ công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, cần phải đảm bảo việc quản lý sử dụng, tiết kiệm đúng mục địch tiêu chuẩn, định mức và tuyệt đối không được sử dụng để cho thuê kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết để đảm bảo tính nghiêm minh và tách bạch chức năng quản lý, nhất là trụ sở làm việc, phương tiện đi lại và trang thiết bị.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, chỉ một số loại tài sản công, mà việc khai thác không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước cũng như không làm thất thoát tài sản và được pháp luật chuyên ngành cho phép thì mới được khai thác như quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu, nhà công vụ... Dự thảo luật quy định cho phép cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan nhà nước khác, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội sử dụng chung tài sản để tránh việc đầu tư lãng phí trong khi nhu cầu sử dụng không thường xuyên, đồng thời giảm bớt chi phí từ ngân sách nhà nước trong hoạt động bảo trì, bảo dưỡng tài sản tránh xuống cấp tài sản.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, mục tiêu cao nhất của việc sự dụng quản lý tài sản công tại đơn vị sử dụng công lập là phải tạo ra nhiều dịch vụ công với chất lượng tốt chi phí thấp, theo đó việc sử dụng tài sản phải tối đa hóa công suất, giảm chi phí. Vì vậy chủ trương cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh vào dịch vụ cho thuê, liên doanh liên kết đã được quy định tại Luật quản lý sử dụng tài sản nhà nước năm 2008.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, hiện nay tổng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ta khoảng 2 triệu người, chi phí cho việc vận hành bộ máy là rất lớn, do đó, việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ cho thuê liên doanh liên kết giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, tạo ra nguồn thu phục vụ hoạt động đầu tư nâng cao chất lượng, số lượng dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội và nền kinh tế, tăng cường xã hội hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. “Tinh thần là cho thuê nhưng sử dụng vào dịch vụ công, tinh thần cũng sẽ tiến tới tính đúng, tính đủ”- Bộ trưởng khẳng định.

Tuy nhiên, để việc khai thác tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập được chặt chẽ, Bộ trưởng khẳng định Dự thảo Luật đã rà soát, bổ sung các yêu cầu khi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh gồm: không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao, không làm mất quyền sở hữu tài sản nhà nước, bảo toàn, phát triển vốn tài sản nhà nước, sử dụng tài sản đúng mục đích, đầu tư xây dựng, mua sắm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản, tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí, các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, việc khai thác tài sản phải được lập thành đề án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo