Thị trường

Tại sao không sử dụng công nghệ CAS thay thế chiếu xạ vải thiều?

Nguyên lý của công nghệ CAS (bản chất là từ trường) là làm đông lạnh nhanh. Điểm đặc biệt của công nghệ này là làm cho nước trong sản phẩm sẽ liên kết với nhau thành cụm nhỏ vài ba phân tử mà không đóng băng thành khối như lạnh đông thông thường.

 

Nước ta là nước nông nghiệp, có thế mạnh về các sản phẩm nông sản nhưng thường xuyên ở trong tình trạng bị ép giá do chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Điều đó đã tạo ra sức ép cho các nhà khoa học về công nghệ sau thu hoạch.

 

Công nghệ CAS là gì?

 

Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm những phương pháp mới nhằm nâng cao chất lượng và bảo quản được các sản phẩm nông, thủy sản trong điều kiện khí hậu nước ta. Các nhà khoa học đã đưa ra phương án, dùng công nghệ CAS vào ứng dụng trong bảo quản sản phẩm.

 

Công nghệ CAS của Nhật đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công tại Việt Nam. ( Ảnh minh họa)

 

CAS là công nghệ tiên tiến bậc nhất về bảo quản hải sản, nông sản và thực phẩm trên thế giới do Tập đoàn ABI ( Nhật Bản)  làm chủ sở hữu độc quyền sáng chế, đã được công nhận tại 22 quốc gia, Liên minh châu Âu (EU) và bảo hộ trên toàn thế giới.

 

Nguyên lý của công nghệ CAS (bản chất là từ trường) là làm đông lạnh nhanh. Điểm đặc biệt của công nghệ này là làm cho nước trong sản phẩm sẽ liên kết với nhau thành cụm nhỏ vài ba phân tử mà không đóng băng thành khối như lạnh đông thông thường.

 

CAS không phá vỡ cấu trúc mô tế bào, không làm biến tính các hợp chất sinh học. Các sản phẩm sẽ được bảo quản tươi mới đến 99% trong thời gian 10 năm.

 

 

Đây là bước đột phá lớn đối với lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch, góp phần tạo nên bước đột phá trong bảo quản hàng hóa, hải sản và nông sản nhiệt đới của Việt Nam nhằm tiến tới xuất khẩu cũng như phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tháng 5/2014 dưới sự hợp tác của công ty ABI Nhật Bản và sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng hợp tác, công nghệ CAS đã được chuyển giao thành công cho doanh nghiệp Việt Nam.

 

Việc chuyển giao và làm chủ công nghệ CAS có 3 giai đoạn. Đầu tiên là xây dựng phòng thí nghiệm và trung tâm công nghệ CAS. Sau đó chuyển giao cho một vài doanh nghiệp hải sản, nông sản nước ta. Khi mọi việc hoàn thành, bên phía công ty ABI sẽ chuyển giao việc lắp ráp, chế tạo thiết bị CAS cho Việt Nam.

 

Sau gần một năm nghiên cứu ứng dụng, hiện nay Viện đã làm chủ được quy trình và  áp dụng trong các lĩnh vực bảo quản hải sản, nông sản. Những kết quả bước đầu cho kết quả khả quan.

 

Tôm sú được bảo quản tới 9 tháng, cá ngừ được bảo quản tới 2 tháng vẫn tươi ngon. Các loại hoa quả nguyên vỏ như vải, nhãn sau khi được bảo quản bằng CAS vẫn đảm bảo chất lượng sau 11 tháng. Các loại hoa quả tươi bóc vỏ thái lát như dưa hấu, thanh long, xoái, dứa, bơ, bưởi sau 2 tháng vẫn tươi ngon như mới thu hoạch.

 

Trong Y học, CAS bảo quản nha chu răng, máu, nội tạng,… và được đánh giá cao tại Việt Nam.

 

Tại sao không ứng dụng với quả vải?

 

Việc áp dụng thành công công nghệ CAS sẽ mở ra con đường bảo quản sau thu hoạch và xuất khẩu cho nhiều loại nông sản. Tuy nhiên công nghệ này vẫn chưa được phổ biến trên địa bàn cả nước.

 

Vải Hải Dương đã xuất khẩu sang thị trường Nhật năm 2014 nhờ ứng dụng công nghệ CAS. ( Ảnh: Internet) 

 

Các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Bắc Giang đang gặp nhiều khó khăn khi bước vào mùa vải chín. Người dân lại hối hả chuẩn bị nhà kho, bồn chứa đá phục vụ cho nhu cầu ướp lạnh. Với cách ướp lạnh truyền thống vải chỉ tươi ngon trong vài ngày gây khó khăn trong việc vận chuyển và tiêu thụ ở những thị trường xa. Những đơn vị được xuất khẩu phải chuyển hết vải vào Nam để chiếu xạ mới được phía đối tác chấp thuận.

 

Vì vậy để có thể khai thác được những thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật... thì ngoài yếu tố đảm bảo sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế thì cách thức bảo quản để giữ được hương vị tươi ngon của vải thiều Bắc Giang cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác  cũng vô cùng quan trọng.

 

Do đó, CAS chính là công nghệ có thể đem lại giá trị cho các sản phẩm đến với thị trường tiềm năng và khó tính như trên. Năm 2014, Hải Dương đã ững dụng thành công và xuất khẩu 20 tấn vải sang thị trường Nhật Bản, một tín hiệu đáng mừng.

            

 

Nếu như công nghệ CAS được áp dụng thành công thì việc tìm được nhiều thị trường đầu ra cho nông sản sẽ rộng mở hơn về cả số lượng tiêu thụ và giá thành sản phẩm giúp bà con thu về lợi nhuận tốt hơn.

 

 

Thùy Dương ( T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo