Tin tức - Sự kiện

Tận dụng cơ hội để tái cơ cấu toàn diện DNNN

Trong nhóm các nhiệm vụ quan trọng triển khai ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH) và tái cơ cấu các TĐ, TCT theo Đề án được duyệt. Trong đó, chú trọng thực hiện tái cơ cấu thực chất, toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường, sản phẩm...

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến ngày 18-3-2013, các DN Trung ương có 52 tập đoàn (TĐ), Tổng công ty (TCT) nhà nước xây dựng Đề án tái cơ cấu trình Bộ chủ quản và Thủ tướng Chính phủ để xem xét phê duyệt. Trong đó, có 34 TĐ, TCT đã được phê duyệt Đề án tái cơ cấu. Các doanh nghiệp địa phương có 86 đơn vị đã xây dựng đề án trình cơ quan chủ quản, trong đó có 20 TCT, công ty được phê duyệt Đề án tái cơ cấu.

Mục tiêu thực hiện Đề án tái cơ cấu trong năm 2013 được Bộ Tài chính xác định đó là: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách cơ cấu và quản trị, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các TĐ kinh tế và TCT nhà nước. Đẩy nhanh công tác CPH doanh nghiệp và chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hoá và không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các TĐ, TCT nhà nước…

Trong nhóm các giải pháp thực hiện, Bộ Tài chính sẽ sớm nghiên cứu mô hình tổ chức thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu; phương thức tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác cán bộ đối với DNNN. Tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu, nhất là kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật và nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng tài chính của các doanh nghiệp, bảo đảm kỷ luật tài chính, lành mạnh hóa hệ thống tài chính doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo phản ảnh từ phía DN trong một hội thảo mới đây về cơ hội thoái vốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thoái vốn thực hiện theo Đề án là hết sức khó khăn do thị trường đi xuống. DN rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan", một mặt phải bảo toàn vốn, một mặt phải nhanh chóng theo lộ trình đã định.

Nhận định về vấn đề này, ngay từ khi các Đề án gửi về Bộ Tài chính, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến đã cho rằng, một trong những cái khó mà các TĐ, TCT gặp phải đó là phương án thoái vốn. Đây cũng là vấn đề bắt buộc  phải làm rõ trong Đề án. Các DN phải rà  soát, đưa ra được phương án và bản thân DN minh bạch được thì các cơ quan quản lý Nhà nước và Bộ Tài chính mới tham mưu trình Chính phủ đưa ra các giải pháp để xử lý, mỗi DN có giải pháp khác nhau.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, hiện nay, Bộ Tài chính căn cứ vào các báo cáo của TĐ, TCT bước đầu đã bóc tách được các con số nợ xấu. Trong nợ xấu đó có khoản nợ có thể thu hồi được với tỷ lệ thấp hơn, nợ xấu nào không thể thu hồi được, sau đó sẽ có giải pháp.

Như vậy, có thể hiểu, thoái vốn là việc khó nhưng không phải vì khó mà không thực hiện hoặc chậm trễ, mà không ai khác, chính các DN phải xắn tay trực tiếp vào việc, gỡ dần và sau đó cần cơ chế, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ cùng vào cuộc.

Có cái nhìn lạc quan về cơ hội tái cơ cấu của DN, TS. Trần Du Lịch cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục nếu thực hiện nhất quán, đồng bộ các biện pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Như vậy sẽ mở ra những cơ hội cho các DN nắm bắt để tái cơ cấu và phát triển bền vững.




Minh Trí
Theo HQO

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo