Tăng lượng nhà ở xã hội là việc làm cấp bách
Rà soát của Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2015 sẽ có khoảng gần 4 triệu người khó khăn về nhà ở, trong đó khu vực đô thị khoảng 1,74 triệu người, nhưng hiện tại toàn quốc chỉ có 157 dự án nhà ở xã hội, với tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.
(ĐĐK) - Chỉ tính riêng Hà Nội, nhu cầu nhà ở xã hội khoảng 111.200 căn, trong đó riêng 25 bộ, ngành đóng tại Hà Nội đã có có nhu cầu nhà ở tại khu vực Hà Nội đã vào khoảng 30.000 căn. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho biết, nhu cầu nhà ở tập trung vào các thành phố lớn. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này việc tăng thêm lượng nhà ở xã hội là việc làm cấp bách. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 4,7 triệu mét vuông sàn, tương đương với khoảng 100.000 căn hộ. TP Hồ Chí Minh xây dựng tối thiểu khoảng 2,7 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội, tương đương với khoảng 67.000 căn hộ. Song song với đó, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội.
Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng, trong đó có 58 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp với trên 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỷ đồng và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với 35.500 căn hộ, tổng mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Số dự án còn lại bán với giá thương mại có ưu đãi.
Nhưng, thực tế vẫn tồn tại một nghịch lý, trong khi nhu cầu nhà ở xã hội cấp thiết, thì lượng BĐS tồn kho lại rất lớn. Tại cuộc họp bàn mới đây về hướng giải quyết nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ, lượng tồn kho tại thời điểm nay đã tăng hơn 20% so với cuối năm 2012. Cụ thể, toàn quốc tăng thêm gần 34.000 căn hộ, đất nền tăng thêm 3%, tương đương 1 triệu m2. Ước tổng giá trị hàng tồn kho khoảng hơn 111.900 tỷ đồng, trong đó Hà Nội là hơn 14.000 tỉ đồng, tương đương 5.875 căn nhà, 5.459m2 mặt bằng thương mại. TP Hồ Chí Minh là hơn 30.000 tỷ đồng, tương đương 14.816 căn nhà, 58.748m2 mặt bằng thương mại, 300.071m2 đất nền. Đó là chưa kể số liệu trên chỉ là bề nổi của "tảng băng chìm”, vì thống kê chỉ dựa trên BĐS đã hình thành, hoàn thành chưa bán được. Nếu đưa cả số lượng các dự án người dân đóng góp vốn nhưng chưa triển khai và một số dự án đã giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, thì con số còn lớn hơn nữa.
"Nhu cầu cao, tồn kho lớn, người thu nhập thấp không thể tiếp cận nhà ở xã hội, nghịch lý ấy tồn tại do mất cân đối cung cầu về thị trường BĐS, đồng thời cho thấy chiến lược về nhà ở xã hội có vấn đề từ điểm xuất phát” - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS.TS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh. Theo GS Võ, giải pháp tối ưu là chuyển đổi gấp các dự án hiện nay, có sự trợ giúp của Chính phủ. Có như vậy, người dân có nhu cầu thực sự mới có được nhà xã hội đúng nghĩa.
Hiện tại, toàn quốc có 50 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô 31.000 căn hộ, chủ yếu ở tại các đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Diễn biến này cho thấy chủ trương cho phép các chủ đầu tư thực hiện chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là phù hợp với mong muốn của các chủ đầu tư và tình hình thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu thiết thực về nhà ở của người dân.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý nhà Nguyễn Mạnh Hà quan ngại, việc chuyển đổi cần phải được tính toán cụ thể cho từng dự án chứ không thể đại trà, vì còn liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và môi trường. "Giải pháp này chỉ là giải quyết phần "ngọn” trong tình hình khó khăn hiện nay chứ không thể giải quyết triệt để phần "gốc”. Do vậy, trong thời gian tới cần có cách nhìn toàn diện và triệt để hơn, là sự vào cuộc của tất cả ban, ngành”, ông Hà lưu ý.
Tuấn Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo