Tăng lương tránh lặp lại những sai lầm
Cần đơn giản hóa cơ chế tính lương, tránh kiểu “rối như canh hẹ” hiện nay.
Đó là ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo “Định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức” giai đoạn 2013-2020, do Bộ Nội vụ và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức sáng 26/12, tại Hà Nội
Theo Bộ Nội vụ, định hướng lộ trình cải cách tiền lương từ 2013 - 2020 chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 2013-2015 sẽ tập trung nguồn lực ưu tiên điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với cán bộ công chức, viên chức phù hợp với phát triển Kinh tế- Xã hội của đất nước. Đẩy mạnh triển khai thực hiện đổi mới phương thức hoạt động và cơ chế tài chính, tiền lương đối với đơn vị sự nghiệp công lập và khung giá dịch vụ theo cơ chế mới, đồng thời triển khai thực hiện Luật Viên chức.
Giai đoạn 2016-2020 tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp với tình hình mới của đất nước. Cụ thể, từ năm 2016 thực hiện mở rộng quan hệ mức lượng tối thiểu - trung bình (tốt nghiệp đại học hết tập sự) – tối đa (chuyên gia cao cấp bậc 3, tương đương Bộ trưởng) từ 1,0 - 2,34 – 10,0 hiện nay lên 1,0 – 3,2 – 15,0. Trên cơ sở đó ban hành hệ thống bảng lương, ngạch, bậc mới bảo đảm tính hợp lý, phù hợp với thứ bậc trong hệ thống chính trị. Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp lương trên cơ sở xem xét đưa một số chế độ phụ cấp lương hiện hành vào mức lương theo quan hệ tiền lương mới.
Nhìn nhận về vấn đề này Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, trên thực tế tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị lao động của họ. Do đó, các giá trị xã hội của công chức giảm sút, hiệu lực thực thi công vụ dễ bị tổn thương, càng khiến nạn quan liêu, tham nhũng trở thành vấn nạn trong quá trình phát triển đất nước. Vì vậy, cải cách cơ bản chính sách tiền lương hiện nay là điều hết sức cấp bách.
Lương cán bộ, công chức thấp khiến nạn tham nhũng càng phát triển. (Ảnh minh họa)
Đánh giá về dự thảo, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - một chuyên gia về lao động, tiền lương- cho rằng, Đề án cải cách chính sách tiền lương và chính sách có liên quan nhằm định hướng, nhưng trong dự thảo vẫn có khoảng trống về phạm vi, đối tượng, như: Ai là cán bộ, công chức, viên chức theo luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức trong dự thảo định hướng.
Những chức danh này có áp dụng đối với người làm việc: lái xe, nhân viên phục vụ, điện, nước, bảo vệ…Vì sao không xem xét định hướng tiền lương của Bộ trưởng và tương đương trong khi vẫn xem xét tiền lương của Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
“Cần xác định rõ, lương của người lao động trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác với lương của cán bộ, công chức, viên chức. Lý luận không rõ ràng, sẽ đưa đến quan điểm, định hướng và tổ chức tiền lương cho từng khu vực không phù hợp. Lỗi này, Việt Nam đã mắc trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, tiền lương được cân đối, thống nhất giữa các khu vực từ quy định chung của Nhà nước, đến năm1993 đã tách ra một phần, đến năm 1997 cơ bản tách hẳn, chỉ còn phần đóng hưởng BHXH và trợ cấp theo chế độ. Vì vậy, trong định hướng của Bộ Nội vụ cần xem xét lại một số quan điểm nêu trong dự thảo”- ông Lợi nhấn mạnh.
Nhận xét về chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức GS Bùi Thế Vĩnh (Học viện Hành chính) thì cho rằng, cần coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, với tầm nhìn ít nhất 5 năm và phải đạt đến một ngưỡng nhất định. Đặc biệt, tạo nguồn cho chính sách tiền lương, không chỉ là từ nguồn ngân sách mà cả vốn vay ODA với hiệu quả trả lương cơ chế kiểm soát tiền lương chặt chẽ. Do đó, cần đơn giản hóa chế độ thang lương, bảng lương để cán bộ, công chức có thể nhớ và thuộc được.
Đề cập đến việc cải cách tiền lương trước đây, TS. Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội lại cho rằng, tiền lương không đủ sống, nhưng trên thực tế thu nhập ngoài lương của nhiều cán bộ công chức lại rất cao. Rồi sau mỗi lần tăng lương vẫn lặp lại những sai lầm trước đó, khiến cho vấn đề về lương càng trở thành gánh nặng đối với ngân sách Nhà nước.
Do đó, ông Dũng cho rằng, cần thể chế hóa đầy đủ quan điểm, coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực để phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Đồng thời, xác định tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức phải đủ sống và đây là nguồn thu nhập chính.
Theo Dân trí
End of content
Không có tin nào tiếp theo