Tin tức - Sự kiện

Tăng nguồn lực cho công tác giáo dục ở vùng khó khăn

Ngày 17/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã chủ trì Hội thảo khởi động Dự án phát triển GD THPT giai đoạn 2 và tăng cường năng lực quản lý tài chính, đầu tư cơ sở vật chất cho địa phương, theo khoản vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

(gdtd) Dự án này được triển khai trong 7 năm, bắt đầu từ tháng 4/2013 và kết thúc vào tháng 6/2020, với tổng nguồn kinh phí 105 triệu USD. Tất cả 63 tỉnh, thành đều được thụ hưởng nhưng trong đó có 33 tỉnh khó khăn nhất cả nước được ưu tiên đầu tư xây dựng cơ bản, cụ thể ở 152 trường học với 1050 phòng học các loại và xây dựng 6 trung tâm phát triển kỹ năng sư phạm.


Ngân hàng ADB là đơn vị tài trợ cho Dự án, với số vốn cho vay 90 triệu USD. Còn vốn đối ứng là 15 triệu USD. Số vốn tập trung cho xây dựng cơ bản chiếm nhiều nhất, khoảng 43%, dành cho 33 tỉnh khó khăn của Việt Nam. Tiếp đó là vốn dành cho thiết bị, phương tiện và phát triển đội ngũ.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Dự án - cho biết: Mục tiêu của Dự án là tăng cường chất lượng GD THPT, tiếp cận chuẩn chất lượng GD THPT của các nước tiên tiến, mở rộng cơ hội tiếp cận GD THPT cho các nhóm thiệt thòi, nâng cao năng lực quản lý…Cụ thể, Dự án hỗ trợ đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015, đổi mới phương pháp dạy học, cung cấp chương trình đào tạo bồi dưỡng GV, tăng cường năng lực của các cán bộ quản lý trường học.

Theo kế hoạch triển khai, từ 2014-2015, sẽ xây dựng 6 Trung tâm phát triển kỹ năng sư phạm; từ 2014 - 2018, xây dựng nhiều phòng học ở 152 trường tại 33 tỉnh có điều kiện khó khăn. Từ nay đến cuối năm 2013, tập trung bồi dưỡng cho GV ở cả trong và ngoài nước, đồng thời tổ chức các hội thảo chuyên môn, mời các chuyên gia tư vấn độc lập để hỗ trợ thực hiện Dự án.

Tại Hội thảo một số đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang Hoàng Bình Dựng cho rằng: Đối với tỉnh miền núi như Hà Giang, đất đai hiếm, chủ yếu là núi đá, nếu xây dựng nhà 1 tầng sẽ thiếu đất, do đó chỉ xây dựng nhà hai tầng trở lên mới có đất để xây phòng học.

Còn theo Hiệu trưởng Trường ĐHSP Thái Nguyên Phạm Ngọc Quang, song song với việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV THPT, cần coi trọng nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên các trường sư phạm nhằm đáp ứng việc đổi mới nội dung, chương trình SGK sau 2015…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: Sự ra đời Dự án Phát triển GD THPT giai đoạn 2 tiếp tục đánh dấu mốc quan trọng của sự hợp tác lâu bền và hiệu quả của Nhà nước ta và ADB trong lĩnh vực GD&ĐT. Đặc biệt nét mới là Dự án đã quan tâm đến TT GDTX, coi trọng cả GD chính qui và không chính qui.

Dự án này sẽ trực tiếp hỗ trợ đổi mới chương trình - SGK cấp THPT sau năm 2015, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020; Hỗ trợ giáo dục THPT vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào DTTS để đảm bảo công bằng trong giáo dục THPT, tạo cơ hội để HS dân tộc thiểu số có thể tham gia vào các bậc học cao hơn và tham gia thị trường lao động; Tăng cường năng lực quản lí và lập kế hoạch phát triển giáo dục THPT, đáp ứng yêu cầu đổi mới….

Giai đoạn 1 của dự án đã thu được những kết qủa đáng chú ý : Dự án đã xây dựng 2.441 phòng các loại. Trong đó, xây dựng được 1.520 phòng học; 169 phòng nội trú cho HS dân tộc thiểu số; 175 phòng thư viện, hơn 400 phòng thí nghiệm, cung cấp gần 5 triệu cuốn sách các loại và 27 loại đĩa hình phục vụ thí điể chương trình và SGK mới; gần 5000 cuốn sách, gần 60 đầu tài liệu, gần 70 đĩa hình phục vụ dạy đại trà chương trình và SGK mới; gần 1 triệu cuốn sách tham khảo cho thư viện các trường học vùng khó; bồi dưỡng cho hơn 1 triệu lượt GV và CB quản lý GD THPT cả ở trong nước và nước ngoài.

Việt Hoa
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo