Thị trường

Tăng trưởng tín dụng vẫn âm 1%

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tháng 1/2013, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tiếp tục âm khoảng 1% so với cuối năm 2012. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng.

Như vậy, năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp dư nợ tín dụng những ngày đầu năm có bước lùi so với năm trước đó.

Cụ thể, năm 2012, tính đến ngày 17/2, tín dụng cho nền kinh tế giảm 0,79% so với cuối năm 2011. Tình trạng này tiếp tục kéo dài trong cả quý 1 năm ngoái, khi tính đến 20/3, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng giảm 2,13% so với tháng 12/2011 (nhiều năm trở lại đây, dư nợ tín dụng quý 1 của nền kinh tế luôn dương, thậm chí năm 2008 còn lên tới 12%).

Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, vào thời giáp Tết Nguyên đán mà tăng trưởng tín dụng âm, điều đó cho thấy nhu cầu tín dụng và đầu tư của nền kinh tế giảm sút rất mạnh. Sự giảm sút này còn biểu hiện qua mức tăng thấp kỷ lục về chỉ số giá tiêu dùng (CPI): 1,25%. Nếu loại trừ dịch vụ y tế (tăng tới 7%, chiếm 0,44% trong rổ hàng hoá), thì CPI tháng 1.2013 chỉ tăng xấp xỉ 0,8%. “Cầu giảm sút, chỉ số tồn kho tăng lên 21,5% trong tháng giáp tết, nghĩa là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang “ế nặng”, nhu cầu và khả năng đâu mà vay vốn mới”, ông Nghĩa nhận xét.

Tổng giám đốc Eximbank, Trương Văn Phước cho rằng: "Năm nay, các doanh nghiệp đều tồn kho chất đống, lo giải quyết đã đủ mệt, nhu cầu đâu mà vay vốn sản xuất mới, hay tích trữ hàng để kinh doanh dịp tết. Để khơi thông dòng vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp, ngân hàng, cần có chính sách kích cầu mạnh mẽ cho nền kinh tế".

 “Nếu kích cầu mà chúng ta cứ lo ngại bóng ma lạm phát, thì khó đạt hiệu quả”, ông Phước nhấn mạnh.

Chung quan điểm này, ông Lê Xuân Nghĩa nhận định, năm 2013, nhu cầu xuất khẩu lớn hơn năm 2012, vì nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi; nhu cầu nội địa cũng nhúc nhích đi lên. Có nhiều doanh nghiệp có đơn đặt hàng, có đầu ra mà không có tiền để sản xuất, không có tiền để mở rộng hệ thống phân phối hoặc đầu tư về công nghệ để tăng năng lực cạnh tranh. Do vậy, theo ông Nghĩa, cần thúc đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, trong đó thành lập doanh nghiệp vừa xử lý nợ xấu vừa bảo lãnh cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, phát triển nhưng không đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng.

 

 

Đoàn Huế (Theo SGTT)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo