Tầu ngầm Trường Sa đừng ra biển ngày có bão!
Nhiều người đã lên tiếng khuyên can doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa trước ý định thử nghiệm tàu ngầm vào đúng thời điểm cơn bão Rammasun đổ bộ.
Tàu ngầm Yết Kiêu nói 5 điều tâm huyết
Xung quanh việc doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa dự định thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa 01 vào đúng thời điểm cơn bão Rammasun đổ bộ vào Việt Nam, dự kiến là cuối tuần này, nhiều người đã lập tức lên tiếng ngăn cản, đặc biệt là chủ nhân tàu ngầm mini Yết Kiêu – ông Phan Bội Trân.
Chiều ngày 16/7/2014, ông Phan Bội Trân cho biết: “Tôi từng có dịp tiếp xúc nhiều với doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa, chủ nhân của tàu ngầm Trường Sa, tôi hiểu tính của ông Hòa, ông ấy là một người dám nghĩ dám làm và rất muốn khẳng định mình, đặc biệt lại rất quyết đoán. Ông ấy đã quyết rồi thì khó mà lay chuyển. Nhưng về vấn đề thử nghiệm lần này, tôi xin mạnh dạn can ngăn ông ấy.”
Ông Phan Bội Trân lý giải thêm về những nguyên nhân khiến cuộc thử nghiệm khả năng hoạt động và sức chống chịu của con tàu trong môi trường bão lớn vào thời điểm này là không nên:
“Thứ nhất, ông Nguyễn Quốc Hòa đang làm khoa học, mà thử nghiệm như vậy, bao giờ cũng phải đi từ dễ đến khó. Những lần thử nghiệm trước vì những lý do khách quan mà ông Hòa chưa thể điều khiển con tàu lặn xuống dưới nước, vì thế mong ông hãy thử nghiệm cho chắc chắn, thuần thục việc vận hành con tàu khi lặn ở điều kiện thời tiết bình thường đã, sau đó hãy lặn với bão sau. Một năm Việt Nam có hơn 10 cơn bão, sẽ không thiếu cơ hội để ông thử nghiệm, không cần phải vội vàng như vậy.
Thứ hai, trong điều kiện thời tiết bão đổ bộ, nếu có gì bất trắc, sẽ không ai có thể ra đó để cứu hộ cứu nạn được, mọi công việc sẽ chỉ được thực hiện khi bão tan. Nếu là một nhà khoa học, một người có tâm với đất nước, mong muốn mang sản phẩm của mình là con tàu ngầm đó đóng góp vào nền quân sự quốc phòng, hay dân sự, khoa học, thì phải rõ rằng ông Hòa còn thì tàu ngầm Trường Sa còn, không thể mạo hiểm như thế được. Mạo hiểm như vậy là vô trách nhiệm với chính mình và những người tin tưởng, ủng hộ ông.
Thứ ba, hãy đi từng bước một. Những người ủng hộ ông đang muốn nhìn thấy tầu ngầm Trường Sa lặn và di chuyển được. Vậy hãy làm điều đó trước, rồi hãy làm những thử nghiệm phiêu lưu hơn. Như vậy không phụ lòng mong đợi của công chúng, mà đảo bảo những tuần tự của thử nghiệm sáng chế. Đừng quá tự tin và chủ quan.
Thứ tư, ông Nguyễn Quốc Hòa cần chú ý rằng lực lượng chống ông không hề nhỏ, tôi nhớ ông đã từng bị cấm thử nghiệm, từng bị nhiều giáo sư, tiến sĩ bêu riếu trên nhiều diễn đàn. Nếu ông có mệnh hệ gì, thì người sung sướng nhất là những lực lượng đó.
Và thứ năm, nếu thử nghiệm bị ảnh hưởng bởi cơn bão khiến chuyện không hay xảy ra, ông Nguyễn Quốc Hòa sẽ trở thành một tiền lệ để các vị trong cơ quan nhà nước dựa vào đó mà cấm đoán tất cả những sáng tạo sau này của những người dân khác. Vì thế, mọi hành động cần phải cẩn trọng.”
Ông Phan Bội Trân chia sẻ thêm: “Công nhận là dưới mặt nước sẽ không bị tác động của gió, bão. Nhưng đó là khi con tàu phải ở độ sâu từ 20-30m mới đảm bảo được an toàn. Liệu tàu Trường Sa đã lặn được xuống độ sâu đó chưa? Thêm nữa, độ sâu đó phải ra ngoài phao số 0 mới có được, vậy tàu Trường Sa sẽ ra phao sô 0 bằng phương pháp nào, nếu bơi vượt bão thì càng mạo hiểm.”
“Đó là những điều tâm huyết chân thành của tôi, mong ông Nguyễn Quốc Hòa suy xét và đề phòng bất trắc.” – Chủ nhân tàu ngầm Yết Kiêu bày tỏ.
Chuyên gia đóng tàu lên tiếng
Cũng quanh việc ông Nguyễn Quốc Hòa dự kiến thử nghiệm trong bão, Kỹ sư đóng tàu, chuyên gia hàng hải Đỗ Thái Bình (Hội khoa học Biển Tp Hồ Chí Minh), cũng đã có những lời can ngăn.
Theo ông Bình, việc thử nghiệm các điều kiện vận hành tàu ngầm từ động cơ cho đến dẫn động, bánh lái… trong môi trường trên cạn như lời ông Hòa nói là rất phi lý. Và dù có làm, nó sẽ khác xa thực tế, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết tiêu cực như bão.
Theo quan điểm của ông Đỗ Thái Bình, tốt nhất ông Nguyễn Quốc Hòa hãy thử nghiệm từng bước, lớp lang thứ tự như ông đã từng làm trước đó: bể thử nghiệm, hồ, cửa biển. Và lần tới thì hãy ra biển và lặn đi đã, rồi sau đó chứng tỏ khả năng chống chịu của tàu Trường Sa sau.
Ông Bình chia sẻ, những người làm khoa học, sáng chế thường sẽ có những sự chủ quan hoặc tự tin thái quá vào khả năng các sản phẩm của mình. Nhưng trong những cuộc thử nghiệm đầy tính phiêu lưu như thế này, mạo hiểm, chủ quan là một hình thức tự sát.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dê trên cao nguyên Tây Tạng: Có thể nhảy và chạy trên vách đá dựng đứng, tại sao không bị rơi?
Cứ sau 150 năm, người chết có thể tái sinh? Các nhà khoa học tiết lộ sự thật
Vén màn bí mật lịch sử khiến người Việt Nam gọi người Trung Quốc là ‘người Tàu’
Một con cua có thể đầu độc 40.000 con chuột, tại sao cua lại độc? Chất độc đến từ đâu?
Việt Nam phát hiện nhiều thú quý hiếm, có loài đang nguy cấp, được thế giới truy lùng ráo riết
Trong 'Tây Du Ký', khi Tôn Ngộ Không bị nhốt dưới Ngũ Hành Sơn, vì sao Bồ Đề Tổ Sư biết nhưng không cứu hắn, lý do rất đơn giản
Cột tin quảng cáo