Tin tức - Sự kiện

Tàu quân sự Trung Quốc thay đổi chiến lược, gài bẫy tàu Việt Nam

Chiều 28/5, thông tin từ Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, các tàu quân sự vây quanh bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc ban đêm tắt đèn, thả trôi, gây nguy hiểm cho tàu của Việt Nam.

Tàu quân sự Trung Quốc chia nhóm "giữ" giàn khoan trái phép

Cục Kiểm ngư cho hay, sau khi giàn khoan Hải Dương 981 di chuyển và neo tại vị trí mới (ở tọa độ 15033’22’’ N; 111034’36’’E) vẫn chưa thấy sự dịch chuyển của giàn khoan 981.

Trong khi đó, tàu quân sự của Trung Quốc đã chia làm 2 nhóm để bảo vệ giàn khoan. Theo đó, một nhóm bảo vệ cách giàn khoan 8-10 hải lý, nhóm còn lại bảo vệ vòng ngoài, cản trở các tàu chấp pháp của Việt Nam trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đáng lưu ý, vào ban đêm, các tàu quân sự này tắt đèn, thả trôi, gây nguy hiểm cho các tàu của Việt Nam.

Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, trong ngày 28/5, lực lượng này đã phát hiện tàu Hải cảnh 31101 của Trung Quốc được trang bị thêm đường ống và vòi màu đen. Tuy nhiên, lực lượng của ta chưa xác định được những “phụ kiện” này dùng để làm gì.

Tàu Trung Quốc tìm mọi thủ đoạn ngăn cản tàu chấp pháp Việt Nam.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 120 tàu, trong đó 36 tàu hải cảnh, 13 tàu kéo, 14 tàu vận tải, 7 tàu quân sự. Ngoài ra, Trung Quốc cũng huy động 4 máy bay chiến đấu, bay ở độ cao 1.000-1.100 m quanh khu vực giàn khoan.

Các tàu hải cảnh, ngư chính, tàu kéo, tàu vận tải của Trung Quốc tập trung bảo vệ giàn khoan 981 khoảng 5-6 hải lý. Các tàu này tổ chức thành nhiều nhóm áp sát các tàu chấp pháp của Việt Nam trong quá trình tiếp cận giàn khoan, liên tục đâm va, đẩy phạm vi hoạt động của tàu Việt Nam từ 5-6 hải lý ra ngoài 10 hải lý.

Trong khi đó, các loại tàu cá vỏ sắt Trung Quốc cũng tổ chức thành nhóm để cản trở, vây ép và đe dọa đẩy tàu cá của ngư dân Việt Nam ra khu vực cách giàn khoan 25-30 hải lý.

Trước những động thái này của Trung Quốc, các tàu chấp pháp Việt Nam đã tìm cách tiếp cận giàn khoan tại vị trí mới. Tuy nhiên, khi các lực lượng Kiểm ngư Việt Nam thực hiện công tác tuyên truyền đã bị các tàu của Trung Quốc ngăn cản, đâm húc gây hư hỏng nhẹ.

Sẽ kiện nếu Trung Quốc không thay đổi

Bên hành lang Quốc hội chiều 28/5, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa và Phó chủ nhiệm Trần Đình Nhã đã chia sẻ với báo chí quanh vấn đề Trung Quốc di chuyển giàn khoa Hải Dương 981.

Ông Khoa nhận định, việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một bước leo thang trong chuỗi hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của chúng ta cũng như vi phạm luật pháp quốc tế. “Tuy vậy, đây là hành động mà chúng ta đã tiên liệu”, ông Khoa nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa:

Về đối sách trước diễn biến mới này, ông Khoa khẳng định trước mắt Việt Nam vẫn kiên trì đấu tranh bằng giải pháp hòa bình trong đó đẩy mạnh tuyên truyền ra quốc tế để công luận thế giới ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam.

“Đặc biệt, chúng ta sẽ xem xét biện pháp đấu tranh pháp lý, điều mà Việt Nam đã chuẩn bị”, ông Khoa nói thêm.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đình Nhã cho biết, rất nhiều tình huống đối phó đã được dự liệu, song áp dụng cấp độ nào thì còn tùy thuộc thái độ và hành động tới đây của phía Trung Quốc.

“Trường hợp họ vẫn khăng khăng lập trường như thời gian qua thì Việt Nam phải kiện ra tòa án quốc tế”, ông Nhã nói.

Nhiều nghị sỹ Italy quan ngại về hành động của Trung Quốc

Thượng nghị sỹ Pierferdinando Casini, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Italy tuyên bố Rome quan ngại sâu sắc về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tuyên bố trên được đưa tại Hội thảo về Luật biển Quốc tế do Bộ Ngoại giao Italy, Thượng viện Italy và Viện nghiên cứu quốc tế Italy (CESI) phối hợp tổ chức ngày 28/5.

Thượng nghị sỹ Casini cho rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết thông qua các biện pháp và đối thoại hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời khẳng định Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Italy ủng hộ và hoan nghênh tuyên bố của văn phòng Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) đưa ra ngày 8/5 về vấn đề này.

Tuyên bố này nhấn mạnh sự quan ngại về những rắc rối giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời bày tỏ lo ngại các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong khu vực.

Các tàu TQ sẵn sàng truy đâm tàu của Việt Nam đến cùng khi lọt vào “trận địa” cách giàn khoan khoảng 8 hải lý

Trước đó, ngày 16/5, Hạ nghị sỹ Enzo Amendola, lãnh đạo phe đa số thuộc đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Matteo Renzi tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Italy, cũng tuyên bố mọi hành động đơn phương trên Biển Đông sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực, một trong những trung tâm phát triển kinh tế thế giới.

Do đó, để giải quyết những căng thẳng ở Biển Đông, cần thúc đẩy các bên liên quan tìm giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, nhằm tiếp tục bảo đảm tự do hàng hải.

Ngày 14/5, Thượng nghị sỹ Antonio Razzi, Thư ký thường trực Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cũng khẳng định Trung Quốc đang tìm cách thăm dò trên vùng thềm lục địa của Việt Nam, sử dụng các tàu hải quân và ngư chính để ngăn cản tàu Việt Nam đến gần, với mức độ gây hấn và đe dọa tăng dần.

Từ những quan điểm đó, ông Razzi đã yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Italy Federica Mogherini phải nhanh chóng đưa ra các định hướng mà Chính phủ Italy dự định tuyên bố liên quan đến những diễn biến trên Biển Đông.

Trung Quốc hành xử bất khả dự đoán ở Biển Đông

Hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng cho thấy nước này áp dụng chính sách không theo nguyên tắc nào, chuyên gia luật thuộc Hải quân Mỹ Ryan Santicola nhận xét.

Chuyên gia Ryan Santicola nhấn mạnh: Mỗi khi nhắc đến giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Trung Quốc thường lặp đi lặp lại nguyên tắc “đàm phán song phương với những nước có liên quan trực tiếp”.

Thực ra đây là cái cớ để Trung Quốc ngăn cản sự can dự của bất cứ bên thứ ba nào và không chấp nhận vụ kiện về chủ quyền biển đảo mà Philippines đưa lên Tòa án trọng tài quốc tế.

Đây cũng là lý lẽ mà Bắc Kinh đưa ra để chần chừ trong tiến trình đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) với ASEAN. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc cũng không đếm xỉa đến việc thực hiện nguyên tắc song phương.

Chính sách ngoại giao của Trung Quốc trên Biển Đông theo kiểu mỗi thứ một tí, đa phương, song phương và gần đây nhất là đơn phương, đạt đến một mức độ không thể hiểu được về tính bất khả dự đoán.

Nói về đa phương, Trung Quốc nói sẽ tuân thủ các cam kết kể cả ràng buộc và không ràng buộc, nhưng thực ra không có ý định tuân thủ. Năm 1996, Trung Quốc ký tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhưng vẫn tiếp tục đưa ra các tuyên bố chủ quyền đi ngược lại cơ chế giải quyết của công ước.

Với cam kết không ràng buộc, Trung Quốc ký Tuyên bố về Ứng xử Biển Đông (DOC) năm 1982, nhưng bằng những hành động quấy nhiễu ngư dân các nước láng giềng, đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarbourough, cải tạo đất đai ở bãi đá Gạc Ma (thuộc chủ quyền Việt Nam) tại Trường Sa, Trung Quốc đang phớt lờ cam kết chính trị về việc tránh làm phức tạp thêm tình hình, gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực.

Nói về song phương, cái mà Bắc Kinh luôn khẳng định là nguyên tắc trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc cũng không tuân thủ. Đầu tháng 5, Trung Quốc đơn phương đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa.

Hành động này diễn ra bất chấp thỏa thuận song phương năm 2011 về Các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà lãnh đạo hai nước Việt - Trung đã đồng ý nhằm giải quyết tranh chấp thông qua "bàn thảo và thương lượng hữu nghị".

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo