Vào khoảng 23h đêm qua (ngày 12/11, theo giờ Việt Nam), tàu thăm dò Philae của châu Âu đã hạ cánh thành công xuống sao Chổi 67P/C-G cách Trái Đất 6,4 tỷ km, tương đương hơn 10 năm ánh sáng.
Đây là tàu thăm dò đầu tiên trên Trái Đất đáp thành công xuống bề mặt một sao Chổi để làm nhiệm vụ nghiên cứu về hành tinh được cho là nắm giữ những bí mật về nguồn gốc hệ Mặt trời và có thể cả sự sống trên Trái đất cách đây 4,6 tỷ năm.
Giám đốc điều hành các chuyến bay thuộc Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) Andrea Accomazzo cho biết, 7 giờ sau khi tách khỏi quỹ đạo của tàu mẹ Rosetta vào lúc 8h35' giờ GMT ngày 12/11 (15h35' cùng ngày ở Việt Nam), tàu Philae đã đáp xuống bề mặt sao Chổi theo đúng lịch trình đã định.
Để thực hiện nhiệm vụ lịch sử này, tàu Philae và tàu mẹ Rosetta đã phải thực hiện hành trình bay dài 6,4 tỷ km, tương đương hơn 10 năm ánh sáng và phóng chính xác các đầu móc ngoạm chặt vào bề mặt của thiên thể. Tuy nhiên, một hệ thống móc ngoạm của tàu dường như đã bị trục trặc làm ảnh hưởng một phần đến công tác nghiên cứu của tàu.
Tàu thăm dò Philae nặng 220 pounds (khoảng 100 kg), được cài đặt hệ thống dữ liệu giúp nó thực hiện nhiều thí nghiệm và chụp ảnh để kiểm tra bề mặt của sao chổi 67P. Ngoài ra, nó còn có hệ thống cảm biến để đo lường tỉ trọng và các thông số về nhiệt, hệ thống phân tích khí quyển và từ trường. Đặc biệt, Philae mang trong mình một mũi khoan có độ dài 20cm, giúp nó thu thập các mẫu vật từ trong lòng sao chổi và phân tích chúng. Tổng chi phí cho chuyến bay và nghiên cứu lên tới 1,4 tỷ Euro, tương đương 1,8 tỷ USD.
Tàu vũ trụ Rosetta đã đi vào quỹ đạo sao Chổi 67P Churyumov-Gerasimenko từ tháng 8 tới nay sau chuyến đi dài 10 năm từ trái đất. Dự án được thực hiện bởi ESA với sự hợp tác của NASA mở ra hi vọng cho các nhà khoa học trong việc tìm hiểu cấu tạo của sao chổi, cũng như cách chúng tương tác với các cơn gió mặt trời – những luồng hạt mang năng lượng được mặt trời phóng vào không gian.
Theo DDDN