Tin tức - Sự kiện

Tàu thép phải phù hợp với nghề và ngư trường

Mỗi nghề, ngư trường đánh bắt sẽ được thiết kế các mẫu tàu thép khác nhau. Những mẫu tàu vừa đáp ứng yêu cầu ngư dân, vừa đảm bảo tính năng, kỹ thuật, quy phạm kiểm định, để phát huy tốt nhất hiệu quả khai thác.

Mẫu tàu thép được SBIC ký kết hợp đồng đóng mới với ngư dân. ẢNH: SBIC CUNG CẤP

Kinh nghiệm và khoa học

Chủ 3 con tàu lớn, tổng công suất 2.000 CV nhưng anh Trương Tày (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) khá dè dặt khi nói về tàu thép: Tôi chưa biết hình dạng tàu thép ra sao, đánh bắt thế nào, kiểu mẫu có phù hợp không nên... sợ. 
 
Với tàu gỗ, phương thức đóng tàu đơn giản, giao khoán cho “thợ cả”. Phía chủ tàu chỉ phác thảo sơ kích thước, hình dáng con tàu. Cánh thợ mộc sẽ tự “lên khuôn” gò đóng, chia khoang, cabin phù hợp. Trung bình, mỗi con tàu chừng 600-800CV, đóng khoảng 4-5 tháng là xong.
 
Anh Tày bảo, nếu đóng tàu thép thì phải có sự phối hợp, thỏa thuận cụ thể giữa các bên: Chủ tàu và cơ sở đóng tàu về các thông số, mẫu mã. Ngư dân bằng kinh nghiệm đánh bắt thực tế của mình sẽ đóng góp ý kiến để mẫu tàu phù hợp, hiệu quả hơn.
 
Ông Phạm Tiến Đức (Thanh Khê, Đà Nẵng), thuyền trưởng tàu ĐNa 90244 cho rằng, nếu đơn vị đóng tàu giao tàu theo kiểu “chìa khóa trao tay” sẽ rất khó cho ngư dân. Mỗi nghề, lĩnh vực đánh bắt có kiểu tàu khác nhau, thậm chí mỗi ngư dân có cách đóng tàu khác nhau nên phải có sự trao đổi kỹ. 
 
Theo ông Đức, ngư dân sẽ đóng góp kinh nghiệm của mình, còn các cơ sở đóng tàu sẽ dựa vào các thông số khoa học để đưa ra mẫu tàu phù hợp nhất. Ông Lê Khoan (Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng), người có thâm niên hàng chục năm trong nghề đóng tàu lớn cho ngư dân khắp miền Trung, bảo: Ngư dân đóng tàu như xây nhà mình vậy, trong cái chung có những ý thích, kiểu mẫu riêng.
 
Nếu không giải quyết tốt vấn đề này, sẽ khó có được một hợp đồng đóng tàu. Tàu gỗ đòi hỏi chất lượng gỗ tốt, còn cách thức khá giống nhau, mang tính thủ công. Đóng tàu sắt phức tạp, nhiều khâu đoạn, công nghệ hiện đại hơn.
 
Theo ông Trần Công Vinh, Tổng giám đốc Cty Ứng phó sự cố tràn dầu, dịch vụ hàng hải Bảo Duy (Nại Hiên Đông), với 5 hồ sơ đặt hàng đóng tàu vỏ thép cho ngư dân, đơn vị hoàn thành 5 bản thiết kế mẫu tàu chung. Gồm các mẫu tàu lưới vây, chụp mực và lưới rê. Mỗi mẫu có thiết kế khác nhau, không chỉ do ngành nghề mà còn do yêu cầu của ngư dân. 
 
Tuy nhiên, khác với tàu vỏ gỗ truyền thống, để đi đến thống nhất mẫu tàu, giữa cơ sở đóng tàu và ngư dân phải ngồi lại bàn thảo kỹ. “Kinh nghiệm ngư dân đúng, mình tiếp thu. Nếu không phù hợp phải giải thích để họ hiểu”, ông Vinh nói. 
 
Đơn cử, ngư dân đặt chân vịt tàu vỏ gỗ thường lệch 1 bên, và dùng bánh lái để điều khiển tàu. Cách chạy này, khiến tàu gỗ hay chạy theo dạng xiên, ảnh hưởng đến kết cấu chung, tàu đi bị cản nước gây tốn dầu. Với tàu thép, yêu cầu đóng tàu khắt khe, chi tiết, đảm bảo thông số kỹ thuật khoa học. Tàu vỏ gỗ thường dùng 2 máy, nhưng tàu thép chỉ cần 1 máy công suất lớn là đủ đảm bảo hoạt động ổn định.
 
Ông Ngô Tùng Lâm, Phó tổng giám đốc Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), cho rằng, ngư dân đóng vai trò quan trọng trong việc xác định hình hài lên các bản thiết kế mẫu tàu, nhưng phù hợp với quy phạm kiểm định. 
 
Không chỉ lấy ý kiến của người trực tiếp đầu tư đóng tàu, SBIC còn tham khảo nhiều đóng góp của ngư dân khác trong cùng lĩnh vực đánh bắt. Như tàu thép hành nghề chụp mực đóng cho ngư dân Quảng Bình, bộ phận kỹ thuật SBIC phải mất gần 10 lượt gặp gỡ ngư dân, chuyên gia, cơ quan quản lý để có thể hoàn chỉnh bản thiết kế trong suốt 3 tháng trời, trước khi ký hợp đồng.
 
Khảo sát, điều chỉnh
 
Hiện, SBIC hoàn chỉnh 6 mẫu thiết kế cơ bản, cho các tàu hành nghề: lưới rê, chụp mực, câu cá ngừ đại dương, tàu lưới vây, tàu cá lưới kéo đôi, và tàu dịch vụ hậu cần. Trong đó, 4 mẫu tàu được ngư dân đồng ý ký kết hợp đồng đóng tàu thép. Ba chiếc hiện đã xong, đưa vào sử dụng (ở Nam Định và Quảng Ngãi). 
 
Cuối tháng 6, mẫu tàu chụp mực bàn giao cho ngư dân Quảng Bình và tháng 7 tới, tàu cá lưới kéo đôi cũng được bàn giao cho ngư dân Thái Bình. “Cuối tháng 6 này, SBIC tiến hành đợt khảo sát cụ thể trên những tàu thép đưa vào khai thác để đánh giá, có điều chỉnh phù hợp”, ông Lâm nói.
 
Theo anh Mai Thành Văn (tàu thép Hoàng Anh 01, hành nghề lưới vây), tàu thực hiện thành công chuyến biển đầu tiên gần 40 ngày. Con tàu Hoàng Anh 01 hoạt động ổn định trong điều kiện thời tiết bình thường nhưng nếu gặp bất lợi, sóng to, gió lớn bộc lộ một vài hạn chế cần điều chỉnh.
 
Như độ rung lắc cabin lớn, hệ thống bánh lái, chân vịt, hộp số chưa phù hợp, chân vịt quá nhỏ, khiến sức đẩy hạn chế. Ngư dân Lê Văn Sang (Hải Châu, Đà Nẵng) cho rằng: Thực tế những mẫu tàu vỏ thép bàn giao cho ngư dân thời gian qua cho thấy nhiều điểm cần khắc phục như thiết kế cabin quá cao gây cản gió, tạo độ rung lắc lớn. 
 
Bố trí nắp khoang chứa không phù hợp với việc ngư dân vận chuyển sản phẩm ra vào. Quy phạm be chắn sóng ở tàu thép cao đến 50-70cm, không phù hợp tư thế đứng đánh bắt của ngư dân trên tàu. Tuy nhiên, ngư dân có thể chuyển sang quy phạm đăng kiểm be chắn lưới, yêu cầu độ cao chừng 20-30cm.
 
Phần lớn ngư dân thiếu đồ bảo hộ khi đánh bắt, đi chân không nên nếu mặt boong làm bằng sắt sẽ tạo nhiệt, không thể đi lại. “Mẫu tàu của tôi đề nghị sử dụng mặt boong gỗ và bố trí mũi lê để tạo độ an toàn”, anh Sang nói.
Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo