Tin tức - Sự kiện

Tàu thuyền chở khách không bảo hiểm bị phạt 100 triệu đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định ban hành Nghị định số 93/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.

Nghị định này được ban hành sau gần 1 tháng xảy ra vụ tai nạn thương tâm làm 9 người thiệt mạng trên tổng số 30 người cùng đi trên chiếc tàu từ TP. Hồ Chí Minh về Vũng Tàu và bị nạn trên biển Cần Giờ.

Theo đó, Nghị định áp dụng hình thức phạt nặng từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi cho thuê lại kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng khi chưa có văn bản chấp thuận của bên cho thuê.

Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với tàu thuyền chở khách từ 300 người trở lên mà không có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với tàu thuyền chở khách.


Quy định mới siết chặt an toàn vận tải đường thủy

Với hành vi đưa phương tiện không có động cơ, trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở 5 người vào hoạt động mà không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ dụng cụ an toàn theo quy định sẽ bị phạt cảnh cảo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.

Ngoài ra, đối với một số hành vi như kẻ, gắn số đăng ký phương tiện không đúng quy định; số đăng ký được kẻ, gắn trên phương tiện bị mờ hoặc bị che khuất; biển ghi số người được phép chở trên phương tiện bị mờ hoặc bị che khuất; đưa phương tiện không có động cơ, trọng tải dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè vẫn đưa vào hoạt động cũng sẽ bị phạt từ 50.000 – 100.000 đồng.

Đáng chú ý, đối với hành vi tự ý đặt tên, đổi tên cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước hoặc sử dụng, giao dịch bằng tên cảng biển cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước không đúng với tên do cơ quan có thẩm quyền công bố sẽ bị phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng.

Như vậy nếu chiểu theo quy định này thì vụ tai nạn Cần Giờ khiến 9 người thiệt mạng cũng có hàng loạt sai phạm.

Như Đoàn công tác của Bộ Giao thông kết luận, vụ tai nạn xảy ra do những nguyên nhân như phương tiện sử dụng sai mục đích do ca nô bị nạn là phương tiện của Bộ đội biên phòng sử dụng tuần tra, không được dùng để chở khách. Và ca nô này đã chở số người gấp 2,5 lần cho phép, chưa kể các hành lý cá nhân kèm theo.

Ngoài ra, ca nô chỉ được phép hoạt động trong vùng sông - vịnh kín. Thực tế ca nô đi từ Tiền Giang sang Vũng Tàu và bị chìm tại khu vực biển Cần Giờ là vùng không được phép hoạt động.

Bên cạnh đó, một số cá nhân đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là "có dấu hiệu che giấu thông tin liên quan đến vụ tai nạn", không thông báo kịp thời cho cơ quan chuyên ngành về tìm kiếm cứu nạn dẫn đến hậu quả vụ tai nạn trở nên nghiêm trọng hơn.

Trước đó trong buổi làm việc với các ban ngành địa phương, ông Huỳnh Thành Lập, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng hiện Luật giao thông đường thủy nội địa còn nhiều bất cập và hạn chế. Đơn cử như quy định luồng tàu, thông tin báo hiệu, quy định về phân cấp đăng kiểm, quy định về xử lý vi phạm trên luồng hàng hải... chưa được đầy đủ, rõ ràng.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo