Tây Nguyên rộng cửa đón các nhà đầu tư
Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên khai mạc sáng nay, 12/4, là sự kiện xúc tiến đầu tư trọng điểm cấp quốc gia nhằm giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên.
(chinhphu.vn) Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ hai - 2013 diễn ra tại Gia Lai do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình; Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng đồng chủ trì Hội nghị.
Giàu tiềm năng
Công cuộc đầu tư phát triển Tây Nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn đối với việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và sự ổn định, phát triển bền vững đất nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Đây là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều năm qua.
Với diện tích tự nhiên trên 5,4 triệu ha, trong đó có 1,36 triệu ha đất đỏ bazan, dân số 4,8 triệu người với nét văn hóa đặc thù, đa dạng và phong phú, Tây Nguyên thực sự là vùng đất giàu tiềm năng lợi thế phát triển, nhất là về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.
Tuy nhiên, đây cũng là vùng khó khăn, lạc hậu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, địa hình hiểm trở, chia cắt phức tạp, dân cư phân tán, tỷ lệ đói nghèo cao, sản xuất chưa phát triển, trình độ dân trí thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh, chính trị.
Nhận rõ ví trí quan trọng, tiềm năng to lớn và cả những khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên; Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết định về quy hoạch và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh Tây Nguyên.
Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của đồng bào các dân tộc và sự góp sức của cả nước, kinh tế - xã hội, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.
Hiện nay, Tây Nguyên là vùng sản xuất nhiều loại nông sản hàng hoá với sản lượng lớn, chất lượng và giá trị kinh tế ngày càng tăng, có lợi thế cạnh tranh cả trong và ngoài nước như cà phê, cao su, chè, tiêu, bông vải, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy...
Công nghiệp phát triển cả về quy mô và công nghệ, đáng chú ý là thủy điện, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản... với thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng. Dịch vụ, nhất là thương mại, vận tải, viễn thông, ngân hàng phát triển khá nhanh. Kinh tế tăng trưởng liên tục ở mức khá cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh từ 2,9 triệu đồng (năm 2001) lên 26,9 triệu đồng năm 2012. Kết cấu hạ tầng phát triển khá nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng, giao lưu thuận lợi hơn với các tỉnh Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, duyên hải miền Trung, với Lào và Campuchia.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên
phát biểu khai mạc Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ hai - 2013, sáng 12/4.
Hầu hết các tuyến đường giao thông chính trên địa bàn đã được cải tạo. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã được hoàn thành về cơ bản, tuyến đường Đông Trường Sơn nối liền 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã được khởi công xây dựng. Các sân bay được nâng cấp và mở thêm đường bay đến một số thành phố lớn trong nước. Giao thông nông thôn tiếp tục phát triển, 100% các trung tâm cụm xã, hầu hết số xã đã có đường ô tô đến trung tâm.
Cơ hội lớn cho nhà đầu tư
Cơ hội đầu tư vào vùng Tây Nguyên là rất lớn, nhu cầu vốn đầu tư phát triển của vùng giai đoạn 2011-2015 khoảng 400.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư tư nhân (kể cả FDI) khoảng 250.000 tỷ đồng (chiếm đến 60%). Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư vào Tây Nguyên đến nay còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.
Số lượng, quy mô dự án còn hạn chế, công nghệ đơn giản, lạc hậu; sử dụng ít lao động và chủ yếu tập trung ở các đô thị. Số lượng dự án đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, du lịch - dịch vụ tạo giá trị gia tăng lớn còn rất ít, chưa thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn. Đến nay, Tây Nguyên mới thu hút được 169 dự án với tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 1 tỷ USD, chỉ bằng 1,2% về số dự án và 0,4% về tổng vốn FDI đăng ký của cả nước.
Phát biểu Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, khẳng định Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần này, sự kiện xúc tiến đầu tư cấp quốc gia trọng điểm nhằm giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên; các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút đầu tư; các dự án trọng điểm cần thu hút vốn đầu tư giai đoạn 2013-2015.
Hội nghị là cơ hội tốt để các nhà đầu tư nắm bắt các tiềm năng, lợi thế của vùng, tiếp cận các dự án trọng điểm đang ưu tiên thu hút đầu tư, những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các lĩnh vực, địa bàn trong vùng.
Hồng Lĩnh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo