Thị trường

Tết này, cước vận tải tăng mạnh

Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến và chênh lệch giữa chiều đi và chiều về. Để bù lỗ cho chiều không có khách, các loại hình vận tải đã phải tăng giá vé…

Tại Công ty TNHH Một thành viên Bến xe Hà Nội, tính đến thời điểm cuối ngày 7/1, có 16 doanh nghiệp kinh doanh vận tải gửi thông báo xin tăng giá cước xe khách trong dịp Tết Nguyên đán. Bến xe Giáp Bát có 4 doanh nghiệp kinh doanh vận tải đăng ký tăng giá cước. Bến xe Mỹ Đình có 9 doanh nghiệp đăng ký tăng giá cước vận tải. Tại Bến xe Nước Ngầm, có 3 đơn vị vận tải đăng ký tăng giá cước vận tải. Trong đó, Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Hải Vân tăng cước cao nhất là 61% (từ 380.000 lên 610.000 đồng/vé).

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Bến xe Hà Nội cho hay, từ nay đến Tết Nguyên đán vẫn còn nhiều doanh nghiệp đề xuất tăng giá vé. Việc tăng giá phụ thuộc vào các cơ quan chủ quản, nơi các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
 
Do lượng khách đi lại trong dịp Tết chênh giữa chiều đi và về nên ngành đường sắt phải tăng giá cước để bù lỗ.
 
Lý giải về việc tăng giá cước, lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Bến xe Hà Nội phân tích, Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BGTVT-BTC giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính, ban hành năm 2010 nêu rõ: Doanh nghiệp vận tải được tăng giá cước sau khi đã kê khai với Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải. Sau 3 ngày, cơ quan chức năng không có phản hồi thì doanh nghiệp được quyền áp dụng giá cước mới. Doanh nghiệp sẽ niêm yết vé tại bến xe ở 2 đầu và bến xe chỉ có nhiệm vụ bán vé.
 
Nói về việc tăng giá vé xe khách trong dịp Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho hay, Bến xe Mỹ Đình nhiều lần khuyến cáo doanh nghiệp vận tải không nên tăng quá cao, tránh phản ứng không tốt từ phía khách hàng. Còn người đi xe cần vào bến mua vé để được đảm bảo những quyền lợi tối thiểu và các đơn vị quản lý sẽ có những căn cứ xử lý nhà xe vi phạm.
 
Còn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô cho rằng, việc tăng giá vé vào thời điểm Tết Nguyên đán là do lượng khách đi lại chênh lêch giữa chiều đi và về. Nói như các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thì chẳng khác nào khách hàng đi một chiều nhưng vẫn phải trả tiền cả 2 chiều. Việc phụ thu không khác gì nhà xe móc túi khách công khai, vì trên chiều về mà các doanh nghiệp gọi là chạy “rỗng” thì vẫn có một lượng khách nhất định.
 
Không chỉ riêng loại hình kinh doanh vận tải bằng phương tiện ô tô tăng giá trong dịp Tết. Theo thông báo của Đường sắt Việt Nam, giá vé tàu Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 sẽ tăng từ 2-10% so với Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Lý giải về việc tăng giá vé tàu, ngành đường sắt cho rằng, trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lượng khách đi tàu lệch giữa chiều đi và về. Để bù lỗ, ngành đường sắt quyết định tăng giá vé.
 
Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Hà Nội cho biết, kế hoạch chạy tàu dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ được chia làm 3 giai đoạn, trước, trong và sau Tết. Trước Tết, hành khách đi tàu Thống Nhất chiều từ Sài Gòn - Hà Nội tăng mạnh, còn chiều từ Hà Nội - Sài Gòn lại vắng. Do sự chênh lệch này nên phải tăng giá vé tàu để bù lỗ.
 
Điển hình, hành trình nhanh nhất là tàu SE4, 30 tiếng từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, giá vé từ ngày 20 - 29 tháng Chạp, rẻ nhất là 1,5 triệu đồng cho một vé ngồi cứng có máy lạnh. Loại vé cao nhất của tàu này là giường mềm máy lạnh tầng 1 là 2,115 triệu đồng. Cũng là tuyến SE4 này, ngày bình thường giá vé cao nhất cũng chỉ 1,7 triệu đồng và thấp nhất là 778 nghìn đồng/vé.
 
Với những đoàn tàu Thống Nhất hành trình chậm do dừng nhiều ga (mác TN), giá vé từ ngày 20 - 29 tháng Chạp mức thấp nhất là 738.000 đồng/vé (vé ngồi cứng) và cao nhất là 1,646 triệu đồng/vé (nằm tầng 1 khoang 4 giường có máy lạnh). Ngày thường của tàu mác TN thấp nhất là 462 nghìn đồng và cao nhất là 1,3 triệu đồng/vé.
 
Liên quan đến việc giá vé tàu hỏa tăng cao trong dịp Tết, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: "Hiện nay, hệ thống đường sắt đã quá cũ kỹ, tàu chạy chậm, chi phí vận hành cao nên phải đẩy giá vé lên để bù lỗ. Để hạ giá vé, Ngành Đường sắt phải rà soát lại tất cả các khâu từ việc nhập nguyên liệu, vận hành tàu có hợp lý không, nguồn nhân lực bố trí có đông quá không... để từ đó có những giải pháp giảm chi phí".
Theo Petrotimes
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo