Xã hội

Tết ông Công ông Táo: Náo nhiệt cảnh mua cá chép phóng sinh

Ngày Tết ông Công ông Táo cận kề, nhiều người dân Sài Gòn tất bật mua cá chép chuẩn bị cúng Táo quân vào ngày mai 23 tháng Chạp.

Tại một cửa hàng kinh doanh cá kiểng trên đường Nguyễn Thông (quận 3, TP.HCM), chủ cửa hàng cho biết kể từ sáng ngày 18/1 cửa hàng đã nhập về hơn 200 con cá, loại 50.000 - 100.000 đồng/con, theo tin tức trên báo Zing news.

“Người dân đã bắt đầu mua từ mấy ngày hôm trước. Riêng hôm nay tôi nhập 200 con cá loại để phóng sinh đã có người đặt trước 80 con. Người dân chủ yếu mua trước bỏ hồ trong nhà đợi ngày phóng sinh”, chủ cửa hàng kinh doanh cho hay.

Những loại cá chép đắt tiền cũng được ưu tiên lựa chọn từ giới nhà giàu. Ảnh: Thái Nguyễn/Zing news.

Cũng theo chủ cửa hàng, khách đến mua cá chép phóng sinh thường chọn loại cá giá khoảng 50.000 đồng/con, ngoài ra còn có loại cá chép nhỏ 0,5kg có giá 80.000 đồng (khoảng hơn 100 con).

“Khách thường mua 3 con cá lớn, loại 50.000 - 100.000 đồng/con tượng trưng cho hai ông và một bà để phóng sinh. Đây là giống cá chép được gom từ các tỉnh miền Tây”, chủ cửa hàng nói.

Tại chợ Bà Chiểu vào chiều 18/1, tại khu bán cá của chợ chỉ còn 1, 2 tiệm còn cá chép để bán. Tuy nhiên, cá không lớn và hình thức cũng không được đẹp.

Anh Quý, một tiểu thương tại chợ cho biết cá chép những ngày này để ra chừng nào là hết chừng đó. Cá thường bán hết vào buổi sáng, chiều không còn hàng, hoặc còn không đẹp. Khách sẽ phải quay lại vào hôm sau, đợi hàng nhập mới từ miền Tây.

Theo truyền thuyết dân gian, ba vị Táo quân Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ là những vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, ông là vị thần quyết định sự may, rủi, phúc họa của cả gia chủ, bên cạnh đó ông còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ, báo Gia đình Việt Nam đưa tin.

 

Nhiều người đã bắt đầu mua cá chép phóng sinh từ chiều 21 âm lịch. Ảnh: Thái Nguyễn/Zing news.

Vì vậy tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ "thần Bếp" chuyên cai quản việc bếp núc.

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa, Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.

Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể.

Lễ vật cúng ngày ông Công ông Táo thường được các gia đình chuẩn bị rất chu toàn, từ đồ hương hoa, vàng mã, hoa tươi, mâm cơm mặn đủ món đến một thứ không thể thiếu được là ba chú cá chép đỏ.

Nên đọc
Dã Qùy (Tổng hợp theo báo Zing news, Gia đình Việt Nam)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo