Thách thức về mức lương đủ sống
Mức lương đủ sống cần được tính và áp dụng thế nào để không dẫn tới thâm hụt ngân sách, lạm phát, giảm công ăn việc làm và giảm năng lực canh tranh của doanh nghiệp và quốc gia.
Mới đây, Tổ chức quốc tế Oxfam tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo chia sẻ và thảo luận kết quả nghiên cứu về quyền lao động trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam, được thực hiện trong năm 2011 với sự hợp tác của Công ty Unilever.
Trong nhiều năm qua, Oxfam đã nỗ lực vận động các công ty hành động cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Với mong muốn cải thiện và hoàn thiện hơn nữa các tiêu chuẩn lao động cho nhân viên và công nhân của mình, Unilever đã đồng ý đề nghị của Oxfam cùng thực hiện nghiên cứu này.
Ở Việt Nam, Unilever có khoảng 1.500 lao động trực tiếp, sản xuất các mặt hàng thuộc ngành hàng chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình, thực phẩm và còn có các chuỗi cung ứng lớn. Công ty đã cung cấp cho Oxfam quyền tiếp cận không hạn chế với toàn bộ nhân viên, bộ máy hoạt động, cơ sở dữ liệu và các nhà cung cấp của Unilever ở Việt Nam. Điều này đã giúp Oxfam đánh giá được các tiêu chuẩn lao động dựa trên tiêu chuẩn toàn cầu và địa phương.
Nghiên cứu đã tập trung vào các vấn đề quan trọng đối với người lao động mà các doanh nghiệp vốn rất khó đánh giá và quản lý, đó là quyền thương lượng tập thể, lương đủ sống, giờ làm việc và lao động thời vụ. Trong đó, vấn đề nhận được sự quan tâm lớn và gây ra nhiều tranh luận là lương đủ sống (Living Wage). Cụ thể, mức lương đủ sống mà Oxfam đưa ra đối với người lao động tại Việt Nam là 5,42 triệu đồng/tháng.
Về góc độ “lương đủ sống” ở Việt Nam đang còn nhiều vấn đề. Nhiều quan điểm cho rằng, nếu mức lương đủ sống được áp dụng bất hợp lý sẽ dẫn tới thâm hụt ngân sách, lạm phát, giảm công ăn việc làm… vốn là những vấn đề vĩ mô quan trọng với bất kỳ một nền kinh tế nào, trong đó có Việt Nam. Theo Oxfam, Việt Nam đang trải qua thời kỳ lạm phát cao, mức lạm phát trung bình giai đoạn 2007-2012 là 13,05%. Đây cũng là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần nghiên cứu cho những chính sách lao động - tiền lương về sau.
Hơn nữa, mức lương đủ sống còn là một yếu tố quan trọng xác định lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực, nhất là trong bối cảnh mức tăng lương tại Việt Nam đã và đang tăng nhanh hơn so với mức tăng năng suất lao động.
“Tiền lương của người lao động phải được trả gắn với năng suất lao động. Chúng ta phải thực hiện cơ chế chia sẻ từ lợi nhuận. Lương sẽ tăng khi năng suất lao động tăng và ngược lại. Phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động”, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nói.
Như vậy, nghiên cứu của Oxfam tại Unliver sẽ thúc đẩy Chính phủ cũng như các đối tác khác ngoài doanh nghiệp phải làm thế nào để giảm khoảng cách “lương đủ sống” giữa các tiêu chuẩn quốc tế. “Việt Nam sẽ lưu ý đến cơ sở xác định mức lương tối thiểu và lương đủ sống để đưa ra một căn cứ nhất quán xác định mức chi trả của người sử dụng lao động có đảm bảo đời sống của người lao động”, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết.
Liên quan vấn đề này, theo bà Lê Kim Dung, Trưởng đại diện Oxfam Anh tại Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam phải có nhiều hành động thực tiễn, sẵn sàng tiếp nhận những gợi ý thay đổi trong Hiệp định Khung của Liên hiệp quốc về Kinh doanh và Quyền con người. Như vậy, sẽ giúp các doanh nghiệp có thể cải thiện tiêu chuẩn lao động cho đội ngũ nhân viên và công nhân của mình.
Công Duy
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo