Thảm kịch 11/9: Ký ức kinh hoàng của những nhân chứng sống sót
Những cuộc điện thoại, tin nhắn cuối cùng của hàng nghìn người để lại nỗi ám ảnh về khoảnh khắc khi con người bất lực nhìn thần chết đang tiến về phía họ. Họ cố gắng nhắn nhủ người thân những lời cuối, tiết lộ nơi cất hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, than khóc về tình cảnh tuyệt vọng khi họ mắc kẹt trong tòa tháp và không thể thoát khỏi đó.
Tuy nhiên, trong thảm kịch kinh hoàng ấy, một số người may mắn sống sót. Họ mang theo vết sẹo tinh thần và thể xác, tiếp tục sống sau khi chứng kiến cái chết của đồng nghiệp và người thân.
Khoảnh khắc máy bay đầu tiên lao vào tháp Bắc
Fred Eichler là một nhân viên bảo hiểm cần mẫn và không bao giờ đi làm muộn. Hôm đó, đúng 8h15', ông tới văn phòng ở tầng 83 toà tháp Bắc. Lúc 8h40', ông vào phòng hội nghị của công ty Axcelera cùng 4 đồng nghiệp để nói chuyện trong chốc lát.
5 người đàn ông đã sững sờ khi thấy một máy bay bên trái tòa nhà Empire State. Một người thốt lên: "Chúa ơi, nó bay thấp khủng khiếp". Fred đoán nó di chuyển từ sân bay Kennedy ở thành phố New York và đang gặp sự cố.
''Máy bay lao về phía chúng tôi với tốc độ hơn 960 km/h. Tôi ước chừng thời gian lúc ấy chỉ khoảng 15 giây. Chúng tôi không ngờ nó lao thẳng vào tòa nhà", Fred nhớ lại. Khi máy bay đến gần, họ có thể thấy biểu tượng của hãng American Airlines trên cánh của nó.
8h46, phi cơ Boeing 767 mang số hiệu 11, đâm vào đâm tầng 93 đến 99 của tháp Bắc WTC, cánh nó bật xuống các văn phòng, cách Fred chưa đến 22 m. Cú va chạm rạch một đường từ tầng 94 đến tầng 98, phá hoàn toàn các cột thép, nghiền nát các ngăn tủ và bàn làm việc. 10.000 lít nhiên liệu từ máy bay thiêu rụi các vật thể trên đường nó lướt qua, tạo thành quả cầu lửa khổng lồ.
Một tiếng nổ lớn vang lên, hất Fred Eichler cùng các đồng nghiệp xuống sàn. Khói bao trùm hành lang bên ngoài, nơi ông nằm. Phải một lúc lâu Fred mới thật sự hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Giới phân tích tin rằng không người nào từ tầng 91 trở lên có thể thoát chết mặc dù sau vụ tấn công đầu tiên, khoảng 1.100 người vẫn còn cơ hội sống sót. Họ chết theo những cách đau đớn nhất như cháy, ngạt khói hoặc nhảy khỏi cửa sổ do không chịu nổi nhiệt hay mất mạng khi tòa tháp sụp đổ.
Như những người khác, Fred gọi điện về nhà để nói chuyện với vợ, con và bố, mẹ. Ông nói những lời an ủi, đảm bảo với gia đình rằng ông sẽ bình an trở về. "Tôi giấu họ về tình hình thực tế và nghĩ đây sẽ là lần cuối cùng tôi được nói chuyện với những người thân yêu", ông thừa nhận.
Ở các tầng khác, hàng nghìn cuộc gọi như thế cũng đồng loạt diễn ra. Rivas, đầu bếp tại nhà hàng Windows On The World ở tầng 106, nỗ lực gọi về nhà trong cơn tuyệt vọng. Không may, vợ ông đang giặt quần áo. "Nói với mẹ con rằng ta ổn. Dù chuyện gì xảy ra, ta luôn yêu cô ấy rất nhiều", anh nói với cô con gái riêng của vợ. Đây là cuộc điện thoại cuối cùng của người đầu bếp 29 tuổi.
Stephen Cherry, một nhân viên làm việc trong sàn giao dịch chứng khoán, vội vàng nhấn nút trên bàn làm việc để kích hoạt thiết bị liên lạc trên phạm vi cả nước với các văn phòng khác của hãng Cantor. Lời cầu cứu của anh tới vị trí một nữ nhân viên thuộc chi nhánh ở Chicago. Cô gọi đến một trạm cứu hỏa gần tháp đôi. Cuối cùng, 657 trong số 700 nhân viên Cantor Fitzgerald tại WTC chết.
Trong khi đó, tại tầng 83, 3 người xông vào phòng hội nghị của Fred Eichler. Họ thảo luận điên cuồng về cách làm thế nào để thoát ra khỏi đó. Một trong 3 người là luật sư Jonathan Judd. Anh vừa chạy vừa hét: "Vợ tôi vừa sinh con. Tôi sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa sao?". Fred choàng vai anh, cố gắng an ủi ông bố trẻ bình tĩnh trở lại. Ông nói: "Chúng ta sẽ thoát khỏi đây".
Lời nói ấy như một câu thần chú giúp Jonathan bớt kích động. Tuy nhiên khi đó ở các hành lang trở thành địa ngục, khói đã bốc lên dày đặc. Nước tràn ra từ các đường ống vỡ nhưng không thể xua tan đám khói.
"Chúng tôi nhét khăn ướt vào các khe cửa để ngăn khói tràn vào. Chúng tôi cũng nghĩ đến việc phá cửa sổ để có thêm không khí trong lành nhưng từ bỏ ý định vì sợ đám cháy lan đến. Khoảng 39 phút sau, một tiếng nổ lớn vang lên vào lúc 9h02", Fred kể.
Máy bay thứ hai đâm vào tháp Nam
Janice Brooks, một trợ lý đến từ thị trấn Brentwood, hạt Essex, Anh đang làm việc ở tầng 84 của tháp Nam khi máy bay đầu tiên đâm vào tháp Bắc. Chỉ vài giây sau, cô nghe tiếng ai đó la hét: "Mọi người hãy rời khỏi đây mau".
Janice vội nhấc máy gọi cho sếp, Gil Scharf, ở London để báo cáo việc họ tạm nghỉ. Cô không biết đây là một vụ khủng bố. Gil không ngồi ở văn phòng. Robin Clark, sếp cũ của cô, nghe máy. "Tôi nói: 'Rob, chuyện gì đó đang xảy ra ở tòa tháp bên cạnh nhưng chúng tôi vẫn ổn'. Ông ấy hét lên: 'Chuyện gì đó đang xảy ra ở tòa tháp bên cạnh ư? Janice, máy bay đâm vào tòa nhà rồi. Ra khỏi đó ngay!'', cô nhớ lại.
Lời cảnh báo của Robert đã cứu sống Janice. Hôm đó, những người ở cách toà tháp đôi hơn 5.600 km thậm chí còn nắm rõ tình hình hơn nhưng người chỉ cách hiện trường vụ tấn công đầu tiên chưa đến 500 m. Hai đồng nghiệp Steve Chucknick và Jose Marrero dẫn Janice chạy xuống cầu thang chật kín người. Các nhân viên ở tháp Nam có thể cảm nhận sức nóng truyền sang từ tháp Bắc. Tuy nhiên, Janice đã đi theo một lối khác.
Vài giây sau, tòa nhà rung chuyển khi máy bay mang số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines đâm vào tháp Nam theo góc nghiêng, sượt từ tầng 78 đến tầng 84. Máy bay nổ tung, mảnh nhôm cùng các đồ nội thất bằng thép văng khắp nơi.
Đến nay, mỗi lần kể lại ký ức về thảm kịch 11/9, Janice đều không thể kìm nổi nước mắt. Khuôn mặt hoảng loạn, thi thể không nguyên vẹn của các nạn nhân luôn ám ảnh người phụ nữ đã may mắn sống sót trong vụ khủng bố 14 năm trước. Tại thời điểm đó, cô chỉ biết chạy để giành lấy sự sống. Cầu thang mà cô vừa đi lên vài phút trước hư hại hoàn toàn vì vụ nổ. Cả nhóm lần mò trong đám khói dày đặc. Họ may mắn tìm thấy cầu thang duy nhất còn nguyên vẹn sau vụ va chạm.
Khi đến quảng trường, nhìn đống hỗn độn xung quanh, Janice mới thực sự nhận ra chuyện gì đang xảy ra. Hàng trăm lính cứu hỏa, cảnh sát và bác sĩ xuất hiện. Một cảnh sát hét to khi hướng dẫn đoàn người đường đến khu phố an toàn: "Đừng nhìn lên, hãy ôm chặt đầu và chạy đi''.
Nhưng sau đó, họ đã dừng lại, bỏ qua lời khuyên của cảnh sát, Janice ngước nhìn lên. Cảnh tượng trước mắt khiến cô khó thở và buồn nôn. "Khói lửa che kín từ tầng 70 đến tầng 80. Nơi tôi đứng vài phút trước đó đã trở thành địa ngục. Tôi gục ngã và khóc nức nở'', Janice nói. Lúc đó là 9h39'
Chạy để giành lấy sự sống
Trong khi đó, Fred Eichler và đồng nghiệp đang xoay xở để thoát khỏi tháp Bắc. Vòi phun nước giúp dập tắt các đám cháy nhưng họ không thấy lối đi xuống. Họ chấp nhận phó mặc số phận, đặt toàn bộ hy vọng sống vào niềm tin mong manh rằng lực lượng cứu hộ sẽ phát hiện và cứu họ khỏi tòa nhà.
8 người mò mẫm trở về phòng hội nghị. Căn phòng tan hoang sau vụ tấn công. Một số người ngồi bệt trên sàn nhà, những người khác núp dưới gầm bàn, không ai nói lời nào. Tuy nhiên, họ vẫn may mắn hơn các nhân viên ở tầng trên, những người đang dần ngạt thở vì khói và sức nóng, chịu đựng thử thách tâm lý khi nhìn những thi thể treo lơ lửng ở độ cao gần 400 m.
Những người mắc kẹt trong tháp Bắc dùng máy tính đập vỡ cửa sổ nhưng các đám cháy nhanh chóng lan vào. Những người ấy buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn, nhảy xuống hoặc chờ bị thiêu sống. Cảnh tượng những nạn nhân lao xuống từ cửa sổ do không chịu nổi sức nóng trở thành hình ảnh ám ảnh nhất trong thảm kịch 11/9.
Văn phòng giám định y khoa New York thừa nhận họ khổng thể xác định được số người đã rơi hoặc nhảy xuống từ tòa tháp đôi. Bên trong tòa nhà, lúc 9h30, nhóm người Fred nhìn thấy ánh đèn pin. Một người lính cứu hỏa và công nhân xây dựng xuất hiện. Đến nay, ông vẫn không biết họ là ai.
"Bằng cách nào đó, một trong hai người leo lên, chỉ chúng tôi cách thoát khỏi tòa tháp. Tôi không biết đó là ai nhưng tôi biết anh ấy đã chết. Nếu anh ấy đến muộn 5 phút, tất cả chúng tôi sẽ chết", Fred nói.
Khi xuống được khoảng 30 tầng, đoàn người bắt gặp một nhóm lính cứu hỏa. Họ động viên Fred rằng nếu họ có thể đi lên thì ông cũng có thể đi xuống. Sau đó, nhóm Fred xuống đến tầng 20, một tiếng nổ lớn vang lên. Bụi dày đặc khiến họ gần như ngạt thở.
Ngay khi thoát khỏi tháp Bắc, Fred nghĩ tới gia đình đầu tiên. Ông mượn điện thoại của một người lạ để báo với vợ rằng, ông đã an toàn. ''Vợ tôi chỉ lặp đi lặp lại: ''Chạy, chạy, chạy mau!" Cô ấy biết tháp Nam đã sụp đổ hoàn toàn, tôi không biết. Sau đó, lính cứu hỏa và cảnh sát hét lớn: ''Đi ngay!'' và chúng tôi bắt đầu chạy'', Fred kể.
4 phút sau khi ông rời khỏi, tháp Bắc sụp đổ vào lúc 10h28. Fred Eichler và Janice Brooks cũng như những người may mắn thoát chết khác chịu chấn thương nghiêm trọng về tâm lý và thể chất. New York trở thành cơn ác mộng, địa ngục nhưng họ không nỡ rời bỏ thành phố bởi nơi đây ghi lại dấu ấn về thời khắc cuối cùng họ làm việc cùng các đồng nghiệp không may thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao