Tham nhũng "nóng mặt" quan chức, Chính phủ xử người đứng đầu
Vấn nạn tham nhũng đã khiến quan chức nóng mặt. Bắt đầu từ sự quyết liệt của Trưởng Ban Nội chính Trung ương "phải xáp vô làm ngay, không chờ đợi gì nữa, làm một cách quyết liệt. Cần xử hết, xử từ lớn đến nhỏ". Sự bức xúc của giới lãnh đạo, tới đại biểu quốc hội và quyết tâm xử người đứng đầu của Thủ tướng.
"Ăn của dân không từ một cái gì"
Tham nhũng đã khiến Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phải thốt lên như vậy. Khi đề cập tới chất lượng khám chữa bệnh với người có thẻ bảo hiểm y tế, việc cấp trùng hàng trăm ngàn thẻ BHYT, tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 11/9, bà Doan nói:
“Sáng nay tôi xem truyền hình biết tin một số cán bộ Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại một số xã ở Hà Tĩnh biển thủ tiền của người nghèo, đau lòng quá. Tôi nghĩ bảo hiểm y tế có những mảng tối cần phải chỉ ra.
Ví như chuyện những người có thẻ bảo hiểm y tế không được đối xử công bằng như những người có tiền. Địa phương muốn giữ người có bảo hiểm không muốn chuyển lên tuyến trên dẫn đến bệnh thêm trầm trọng. Rồi chuyện chi trả chậm, bớt xén. Vậy khắc phục tình trạng này thế nào?”.
Bà Doan tiếp lời: “Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vắc xin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội… Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.
“Tham nhũng xử hết, xử từ lớn đến nhỏ”
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính TƯ khi tiếp xúc cử tri tại 11 xã của huyện Hòa Vang, Đà Nẵng ngày 24/9.
Trong buổi tiếp xúc, nội dung được cử tri đưa ra chất vấn Nguyễn Bá Thanh nhiều nhất là xử lý tham nhũng, chạy việc. Cử tri đặt câu hỏi: “Vừa rồi thấy chúng ta đã hô hào rất mạnh trong việc xử lý tham nhũng, nhưng vẫn chưa thấy xử lý được vụ nào”. Ông Nguyễn Bá Thanh đáp: “Án tham nhũng đã xử. Thời gian tới sẽ tiến hành xử lý tất cả các vụ tham nhũng từ nhỏ đến lớn chứ không chỉ có lớn mới đưa ra xử”.
Ông Thanh lấy ví dụ vụ “nhân bản xét nghiệm” tại Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) và cho rằng sự việc không chỉ gây thất thu đến tiền tỉ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân nên vụ án cũng được nhanh chóng khởi tố hàng chục người.
Người dân cho rằng tham nhũng ở khắp nơi. Dân Hòa Vang còn hỏi thẳng “giá để chạy việc vào làm tại bệnh viện”. Ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định: “Nếu biết ai nhận hối lộ để chạy việc thì cứ tố cáo thẳng tới tôi, sẽ được xử lý”.
Ông Nguyễn Bá Thanh từng khẳng định: “Nội chính là lĩnh vực không tiếng súng nhưng đầy hiểm nguy. Cứ đụng đâu “chém” đó thì không nên nhưng tham nhũng hàng chục, hàng trăm tỉ đồng thì phải đụng thôi. Cũng phải đương đầu với thế lực bao che tham nhũng, nhóm lợi ích, dựng chuyện, vu khống, gài bẫy, hãm hại…
Với mong muốn các Ban Nội chính phát huy được chức năng và nhiệm vụ, ông Thanh nhắn gửi đến lãnh đạo Ban Nội chính các tỉnh, thành đừng để bị áp lực bởi chuyện “để chị lo”, “không phải đưa đâu nhận đó” và “đừng nói một đằng làm một nẻo mà khiến dân mất thêm niềm tin”.
Theo ông Thanh, phải làm sao để xây dựng được, áp dụng thành công nguyên tắc là “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không cần tham nhũng và không muốn tham nhũng”.
Để đối phó với nạn tham nhũng, ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị cán bộ và nhân dân cần “phải xáp vô làm ngay, không chờ đợi gì nữa, làm một cách quyết liệt, có hiệu quả”, đó là khẳng định ngày 29/8, tại TP.HCM của ông Nguyễn Bá Thanh với Ban Nội chính khu vực phía nam.
“Ung nhọt đau cũng phải cắt”
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) đặt vấn đề: “Đề nghị Thủ tướng cho biết trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu của mình trước QH về kết quả phòng, chống tham nhũng của các cơ quan hành chính nhà nước?
Tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng, cử tri hoan nghênh khi Thủ tướng nói việc thất thoát, tham nhũng tại các tổng công ty, tập đoàn kinh tế là ung nhọt, dù đau xót cũng phải cắt bỏ. Vậy từ khi được QH giao trọng trách là người đứng đầu, tháng 6/2006 đến nay, Thủ tướng đã đề nghị hoặc trực tiếp cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt, quốc nạn tham nhũng?”.
ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) hỏi: “Trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ ràng, để rồi thành thích thì cá nhân nhận, còn sai sót khuyết điểm thì lỗi của tập thể…”?
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) thì cho rằng tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, chủ yếu phát giác thông qua báo chí, qua thanh tra còn hạn chế. “Vì sao số tài sản thu hồi từ tham nhũng chỉ đạt 10%?”.
Đại biểu Lê Như Tiến còn nêu lên một tình trạng lãnh đạo địa phương “vận động” đại biểu Quốc hội: “Có thể chất vấn, nói về bất cứ vấn đề gì, trừ tham nhũng ra, bởi việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng”.
“Xử người đứng đầu”
Sau hàng loạt những chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng đã ban hành Nghị định số 211/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định rõ, việc xử lý kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý.
Nghị định này được coi là câu trả lời rõ ràng thể hiện sự quyết tâm của Thủ tướng trong công tác phòng chống, xử lý tham nhũng.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo thay lãnh đạo nếu doanh nghiệp nhà nước không chịu cổ phần hóa.
Thủ tướng nếu rõ: “bố trí cán bộ không tốt thì không tái được gì hết, trọng tâm là cổ phần hóa. Nếu ông cán bộ lãnh đạo ở đó mà không chịu cổ phần hóa thì thay thế”, Thủ tướng chỉ đạo.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo