Tin tức - Sự kiện

Tham nhũng tràn lan: Vì sao doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận?

Hơn 60% doanh nghiệp (DN) cho biết công việc được giải quyết sau khi trả các chi phí không chính thức. Tình trạng hối lộ và nhận hối lộ của DN và các cơ quan công quyền đang ở mức độ nghiêm trọng. Đó là một phần kết quả được VCCI thu thập và công bố mới đây thông qua việc tập hợp ý kiến các DN tại 63 tỉnh, thành phố.

Những con số đáng giật mình

Khảo sát hơn 8.053 DN dân doanh và 1.540 DN FDI cho thấy: có 43,75% DN bị nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục tại cơ quan công quyền là phổ biến, 40,38% DN đã phải chi phần trăm hoa hồng để có được hợp đồng từ cơ quan nhà nước, 53,7% DN cho rằng các DN cùng ngành kinh doanh với mình đã trả chi phí không chính thức để được việc.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng một nửa số DN trả lời về những loại khó khăn do các cơ quan nhà nước hay gây ra cho DN, nửa còn lại thì... không muốn trả lời. Trong số những DN “chịu” trả lời vấn đề được đánh giá là nhạy cảm ấy, có 63% cho rằng công chức cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, 58% nói công chức không hướng dẫn cụ thể thủ tục nhưng cố tình soi xét, bắt lỗi để từ chối giải quyết, và 28% “tố” công chức bám vào các quy định không chặt chẽ, không rõ ràng để bắt bí DN.

DN có trả tiền ngoài quy định cho các cơ quan quản lý nhà nước hay không, và nếu có thì vì sao? Trả lời câu hỏi này, khoảng 32% DN thừa nhận có chi trả chi phí ngoài quy định, và giải thích rằng đây là cách nhanh nhất, dễ thực hiện nhất để được việc. Khoảng 26% tin rằng chi phí ngoài quy định rất nhỏ so với lợi ích mang lại khi công việc được giải quyết, và các DN khác cũng làm như vậy. Khoảng 18% DN tin rằng nếu không có những khoản chi trả ngoài quy định như thế thì không giải quyết được công việc.

Theo kết quả khảo sát của VCCI, có 33% số DN cho biết phải trả tiền không chính thức thường xuyên nhất khi giao dịch với cơ quan thuế, 17% số DN chi trả chi phí không chính thức khi giao dịch với ngân hàng, 16% với cảnh sát giao thông và 16% với cơ quan hải quan.

Về tác động của chi phí không chính thức, khoảng 60% số DN cho rằng chi phí không chính thức khá tốn kém. Tuy nhiên, hơn 50% nhìn nhận lợi ích từ chi phí không chính thức lớn hơn so với chi phí bỏ ra. Gần 63% số DN tin chi phí không chính thức sẽ giúp giải quyết được công việc một cách nhanh chóng, hơn 53% cho rằng nó khiến cán bộ tích cực thực hiện công việc. Trong tầm nhìn ngắn hạn của DN, trả chi phí không chính thức mang lại nhiều lợi ích hơn cho DN so với không trả chi phí.

Thực hiện luật chưa nghiêm túc

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Đây là một thực tế đầy nhức nhối của xã hội. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nói nhiều nhưng tham nhũng vẫn tràn lan. DN cũng chỉ là nạn nhân và chịu đựng hậu quả của tham nhũng trong toàn xã hội. Càng về sau chi phí mở rộng về diện, tăng lên về mức độ phải bôi trơn, làm cho chi phí của DN cao lên, giết chết nhiều DN, đó cũng là điều có thể thấy được. Các DN cũng đang phải chịu quá nhiều sức ép từ sự “vòi vĩnh” của các cơ quan công quyền.

“Môi trường kinh doanh còn khấp khểnh lắm, cơ chế xin-cho vẫn còn đấy. Hay người ta gọi là cơ chế xin chia, một cơ quan Nhà nước khi cho lại đòi hỏi DN phải bôi trơn, chia chác lại nhiều. Chừng nào cơ chế của Nhà nước chưa thay đổi được tốt, môi trường kinh doanh chưa cải thiện thì DN còn bị ảnh hưởng”, bà Lan nói.

Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, chỉ số nhận thức tham nhũng 2012 của Việt Nam đứng thứ 123 trong số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thực tế, sự thiếu hiệu quả trong phòng chống tham nhũng của Việt Nam là điều không lạ với các cơ quan trong nước, và tổ chức của thế giới.

Tại Việt Nam, có 52% số DN cho biết đã thực hiện một số biện pháp hạn chế tác hại của tham nhũng. Nhưng có tới 43% DN chưa làm gì. Trong số các DN đã thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng, 74% nói DN có ban hành quy tắc ứng xử, 50% nói DN có phát động chiến dịch “Nói không với tham nhũng”, và 37% doanh nghiệp có tổ chức các sự kiện nhằm nâng cao kiến thức về phòng chống tham nhũng.

Theo VCCI, đến nay Việt Nam đã có hơn 30 luật, quy chế, quy định yêu cầu về công khai thông tin. Nhưng thực tế việc thực hiện không nghiêm túc. Thậm chí, ngay điều khoản khá tiến bộ về công khai, minh bạch trong Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 cũng chỉ cho phép người dân được yêu cầu cung cấp thông tin về hoạt động và điều hành của các tổ chức nơi người dân làm việc hoặc tại ủy ban nhân dân phường, xã nơi họ đang sinh sống mà thôi. Còn việc dân được yêu cầu cung cấp thông tin về hoạt động và điều hành của ủy ban nhân dân từ cấp quận, huyện trở lên vẫn chưa được đảm bảo trong quy định của pháp luật. Chính vì thế mà tình trạng này vẫn diễn ra với mức độ ngày càng tăng lên. Làm sao để giải quyết tận gốc vấn đề vẫn là câu hỏi lớn mà người dân, DN ngóng chờ từ các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước.
 

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo