Tham vọng giải cứu thị trường hàng Việt của đại gia "Đường bia"
Bốn thập niên kể từ khi cuộc chiến chống Mỹ trôi qua, cựu binh Nguyễn Hữu Đường đã làm giàu từ ngành xây dựng và đang nỗ lực trong một cuộc đấu tranh mới - đấu tranh cho nền kinh tế Việt Nam độc lập hơn trước sự thâm nhập của hàng hóa ngoại, đặc biệt là hàng giá rẻ Trung Quốc.
“Các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn, chúng tôi phải hành động ngay từ bây giờ. Chúng tôi là đất nước đã đánh bại hai cường quốc trong cuộc đấu tranh gìn giữ hoà bình, độc lập cho Tổ quốc. Chính vì thế, tôi không muốn Việt Nam trở thành quốc gia đi làm thuê cho những nước khác.”, ông Đường nói với phóng viên hãng thông tấn Reuters.
Doanh nhân ngành xây dựng đã tích lũy được hàng chục triệu USD và đang sử dụng tài sản của mình để giúp hàng Việt Nam chống lại sự xâm lấn của hàng Trung Quốc.
Ông Đường năm nay 61 tuổi, trước đây làm nghề đạp xích lô và trải qua nhiều khó khăn trước khi phát đạt nhờ hãng bia Hòa Bình và làm nên tên tuổi trong ngành xây dựng. Ông có biệt danh “Đường bia” và từng tuyên bố sẽ dành một nửa tài sản của mình để xây dựng nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Theo ông Đường, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng, các doanh nghiệp nhỏ lại đang chịu sức ép rất lớn từ “cơn lũ” hàng tỷ USD của hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Trước tình hình trên ông đã thành lập trung tâm thương mại V+ ở Hà Nội và cho các công ty Việt thuê chỗ kinh doanh miễn phí trong 50 năm, nếu họ cam kết chỉ bán hàng hóa trong nước.
Ông cho hay trung tâm thương mại có tổng kinh phí 27 triệu USD trên không phải là cú đánh liều lĩnh chống lại hàng hóa nước láng giềng mà là một phương án nuôi dưỡng các doanh nghiệp non trẻ nước nhà.
Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 2/2015, trung tâm thương mại V+ đã có 2 tầng được lấp đầy các gian hàng và 3 tầng còn lại thì đã được đặt thuê. Cựu binh kiêm doanh nhân cho rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu. "Hàng hóa chất lượng tốt với giá cả phải chăng. Đây là một trong những nơi bán hàng rẻ nhất tại Đông Nam Á”, ông Đường cho biết.
Ông Đường cũng đang vận động Chính phủ mở rộng mô hình này trên toàn quốc nhằm giúp hàng chục nghìn doanh nghiệp không phải đóng cửa mỗi năm và khuyến khích người Việt dùng hàng Việt.
Ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, mất cân bằng thương mại “gây khó khăn cho các nhà quản lý và các doanh nghiệp Việt Nam”, đồng thời bóp nghẹt sức cạnh tranh của hàng nội địa.
Dominic Mellor, nhà kinh tế học tại Ngân hàng Phát triển châu Á, nhận định mô hình của V+ có mục đích tốt nhưng Chính phủ Việt Nam cần định hướng cho doanh nghiệp vào các ngành có sức cạnh tranh nhất. "Cần có sự thay đổi trong tư duy và đánh giá lại vai trò của Chính phủ trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp”, ông Mellor nói.
Bất chấp sự tẩy chay của nhiều người Việt, hàng Trung Quốc giá rẻ vẫn có đất sống nhờ các doanh nghiệp Việt thiếu vốn và những gia đình thu nhập thấp. Theo Reuters, 75% tổng kim ngạch thương mại trị giá 60 tỷ USD của Việt Nam là hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và nhiều chuyên gia cho rằng con số thực thậm chí còn lớn hơn.
"Trung Quốc xuất khẩu hàng hoá đi khắp nơi trên thế giới với giá rất thấp. Điều này gây áp lực không nhỏ với nền kinh tế và sản xuất Việt Nam. Tôi là một doanh nhân, tôi hiểu vì sao các doanh nghiệp không thể phát triển. Nếu không có những hành động và kế hoạch cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chết dần”, ông Đường chia sẻ.
Gần đây, việc Bắc Kinh phá giá đồng nhân dân tệ làm dấy lên mối lo ngại rằng hàng Trung Quốc sẽ ngày một rẻ hơn, buộc Ngân hàng Nhà nước phải "phòng thủ" bằng cách hạ giá tiền đồng và nới biên độ tỷ giá giao dịch hai lần liên tiếp trong 6 ngày.
Trên bình diện vĩ mô, Việt Nam đang nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách hướng đến kết thân với các nền kinh tế phát triển khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.
Hiện nước ta đang theo đuổi các hiệp định tự do thương mại với 60 nước khác, bao gồm cả Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
End of content
Không có tin nào tiếp theo