Thần lửa ông Táo cũng bị 'đút lót'
Cứ mỗi dịp Tết đến, hàng loạt dịch vụ văn hóa “ăn theo” ông Táo: làm đồ mã, vẽ tranh, dựng kịch, sáng tác thơ văn,… Phải nói, vua lửa có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt.
Ông Táo lên trời để làm gì?
Tục cúng Táo quân khởi nguồn từ bếp lửa, tượng trưng cho sự ấm no, sung túc, cung cấp sự sống cho con người bằng việc sưởi ấm, đun chín thức ăn.
Cúng tiễn ông Công ông Táo về trời (23 tháng Chạp) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Đây cũng là ngày đánh dấu thời điểm bắt đầu vào Tết.
Người đời hay nói rằng, vì quanh năm ở trong bếp nên Táo quân biết hết mọi chuyện hay dở, tốt xấu của mọi người. Vì thế, để Vua Bếp “phù hộ” nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta làm lễ tiễn đưa Táo quân về chầu Ngọc Hoàng. Theo truyền thuyết, ông về trời mỗi năm một lần vào đêm 23 tháng Chạp. Khuya đêm đó, theo tục lệ, nhà nhà đều tổ chức Tết Táo quân, với đèn nến, cơm canh, hoa quả, hương hoa để cúng kính, tiễn đưa ông Táo về trời.
Ông Táo đi lên trời để làm việc gì?
Trên Thiên đình, Táo quân sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng về việc bếp núc, làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới trong năm qua. Đấy là cách để giữ được mối gắn bó giữa con người với con người, cuộc sống quanh mình, tính chịu trách nhiệm về cử chỉ, hành động, công việc của mình.
Tuy nhiên, theo GS Lê Văn Lan, phong tục truyền thống về Táo quân ngày nay đã có nhiều biến tướng về tư duy văn hóa. Từ việc cúng tiễn Táo quân với mâm cỗ mặn, trầu cau, rượu trắng, hương hoa, thì nay nhiều người sắm sanh đủ các loại hàng mã, nào quần, áo, nhà lầu, xe hơi, thậm chí cả máy bay,… “đút lót” cho Táo quân để Táo quân “nương tay”, “báo cáo” với Ngọc Hoàng xin cho nhiều lộc, nhiều tiền, được thăng quan, tiến chức,...
Trước đây, người ta cúng con cá chép giấy để Táo quân làm phương tiện lên chầu trời, thì bây giờ người ta cúng cá sống. “Biến tướng” hơn, cá chép được thay bằng cá vàng. Cũng vì cái sự đổi mới đó mà giờ đây, khi cúng xong người ta cẩn thận mang con cá ra sông, ra hồ để thả; tro đốt hàng mã quần áo, mũ của Táo ông, Táo bà cũng phải mang ra sông, hồ để đổ. Nhiều người thản nhiên vứt cả túi nilong đựng cá ném từ cầu xuống sông. Nhiều chú cá chưa kịp sống đã chết cứng đơ vì rơi từ độ cao hàng chục mét.
Từ tết ông Táo chuyển sang chuyện giữ lửa
Chẳng biết có ai nghĩ rằng việc cúng kính đó là một hình thức chủ nhà hối lộ cho ông Táo, vị Thần giám sát công việc của nhà mình, hay không?.
Kể ra thì ngoài việc giám sát, ông Táo còn giúp việc giữ lửa nữa. Tại sao lửa phải được giữ ở trong nhà?
Lửa ban đầu có giá trị thực dụng, cho ta bếp lửa để nấu ăn, ngọn đèn dầu lạc đêm đêm chong sáng trong ngôi nhà, chậu lửa hồng nổ tí tách sưởi ấm ta ngày đông tháng giá,…Nhưng về sau, lửa còn có thêm một ý nghĩa tâm linh: ngọn lửa trong trái tim.
Thế nhưng chẳng mấy ai sợ mình mất ngọn lửa trong trái tim. Vì chẳng ai sợ mất lửa trong trái tim, cho nên trái tim ta lạnh giá, ta sống lạnh lùng, vô cảm với người chung quanh, với cộng đồng xã hội; ta đành lòng làm một công chức chây lười, ngại khó, giỏi gian dối và ưa uốn lưỡi nịnh hót rất đáng trách.
Vì mất lửa nhiệt tình cho nên người có chức có quyền mới sinh ra thói quan liêu, bệnh thành tích, mất dân chủ, gây bao điều mất lòng dân, chọn cho mình cuộc sống vinh thân phì gia bằng tiền của tham nhũng.
Về giới trẻ - mùa xuân, tương lai của đất nước cũng khiến xã hội lo ngại về hiện tượng mê muội thần tượng nhập ngoại, gào khóc gọi tên và hôn ghế thần tượng. Bên cạnh đó còn có trào lưu cởi đồ, khoe thân, tạo scandal để nổi tiếng bằng mọi giá của nhiều bạn trẻ và nghệ sĩ trẻ muốn dấn thân vào showbiz,...Giới trẻ hiện đang mất phương hướng, đang bị cái xấu bao vây mà khả năng miễn nhiễm thì rất yếu.
Mong sao từ mùa xuân này, những “công bộc” của dân, ai cũng có lửa nhiệt tình để lo cho dân, cho nước. Mọi người ai cũng có lửa trong tim để suy ngẫm, ngẫm cho bản thân và cho đất nước để rút kinh nghiệm và phấn đấu làm những việc đem lại cuộc sống tốt hơn cho mình và mọi người.
End of content
Không có tin nào tiếp theo