Tin tức - Sự kiện

Thẳng thắn chuyện chủ quyền biển đảo

Trong một tiếng rưỡi đăng đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành khoảng 30 phút báo cáo trước QH về 6 vấn đề lớn mà nhiều ĐBQH cũng như đồng bào cả nước quan tâm và dành trọn một tiếng còn lại để trả lời chất vấn trực tiếp các ĐBQH.

Khẳng định chủ quyền ở biển Đông

Là người nhấn nút đăng ký chất vấn Thủ tướng đầu tiên, ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) đề nghị người đứng đầu Chính phủ cho biết “những giải pháp cụ thể Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới để bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta?”. Cũng đặc biệt quan tâm vấn đề này, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng chất vấn thêm Thủ tướng: “Chính phủ đã có những giải pháp gì để ngư dân Việt Nam yên tâm bám biển, đẩy mạnh đánh bắt cá ở biển Đông, nhất là ngư trường truyền thống của cha ông chúng ta là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa để đẩy lùi những nước dùng sức mạnh thu hồi lưới, thu hồi thuyền và bắt nhốt ngư dân chúng ta”.

 

 

QH sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn

Kết thúc 2 ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết đã có 175 lượt ĐBQH đặt câu hỏi trực tiếp chất vấn các bộ trưởng, trong đó có 22 ý kiến đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng. Không khí chất vấn và trả lời chất vấn rất thẳng thắn, tâm huyết, đầy trách nhiệm và rất nghiêm túc.

Chủ tịch QH đồng thời cho biết đoàn thư ký kỳ họp sẽ trực tiếp gửi tới các ĐBQH bản dự thảo nghị quyết của QH về những vấn đề cần ban hành nghị quyết trong phiên chất vấn này để các ĐB cho ý kiến.

 

 

“Chú ý lắng nghe thì tôi thấy các vấn đề ĐB đặt ra đều quan trọng và có phạm vi khá rộng. Tôi xin cố gắng trình bày từng vấn đề”, Thủ tướng bắt đầu trả lời chất vấn bằng lời nói cầu thị, và quyết định chọn biển Đông là chủ đề giải đáp đầu tiên, mặc dù chỉ có 2 trên tổng số 22 ĐB đặt câu hỏi trực tiếp tại hội trường về vấn đề này.

Thủ tướng, sau khi nhắc lại đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia của Đảng và Nhà nước ta và căn cứ trên cơ sở luật pháp quốc tế, tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như những thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà ta và Trung Quốc vừa ký trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc vừa qua, đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với 4 loại vấn đề trên biển Đông”.

Xúc tiến phận định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ

Vấn đề thứ nhất, theo Thủ tướng, là về đàm phán phân định ranh giới vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Trong vịnh Bắc Bộ sau nhiều năm đàm phán, ta và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận phân định ranh giới năm 2000, còn vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ nếu theo Công ước luật Biển năm 1982 thì thềm lục địa của nước ta có chồng lấn với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Từ năm 2006 hai bên đã tiến hành đàm phán, mãi tới năm 2009 thì hai bên quyết định tạm dừng vì lập trường còn rất khác xa nhau. Đến đầu năm 2010, hai bên thỏa thuận là nên tiến hành đàm phán những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Sau nhiều lần đàm phán, nguyên tắc đó đã được hai bên ký kết nhân dịp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vừa rồi.

Trên nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển này thì vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì vậy 2 nước Việt Nam và Trung Quốc cùng nhau đàm phán để phân định ranh giới vùng biển này trên cơ sở Công ước luật Biển, trên cơ sở DOC, trên cơ sở các nguyên tắc đã thỏa thuận.

Để có một giải pháp hợp lý mà hai bên có thể chấp nhận được, chúng ta đang thúc đẩy cùng với Trung Quốc xúc tiến đàm phán giải quyết việc phân định này. Cũng xin nói thêm, trong khi chưa phân định thì trên thực tế với chừng mực khác nhau, hai bên cũng đã tự hình thành vùng quản lý của mình trên cơ sở đường trung tuyến. Cũng trên cơ sở này chúng ta có đối thoại với Trung Quốc để bảo đảm cho việc an ninh, an toàn trong việc khai thác nghề cá của đồng bào chúng ta.

Đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình

Vấn đề thứ hai Thủ tướng đề cập, là chúng ta giải quyết và khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Chúng ta khẳng định có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thực sự ít nhất là từ thế kỷ 17. Chúng ta làm chủ khi 2 quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào và chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình. Nhưng đối với Hoàng Sa, năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo. Đến năm 1974, cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam của chúng ta lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này.

Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này của chúng ta phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, phù hợp với Công ước về luật Biển, phù hợp với tuyên bố DOC.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo