Thanh toán bằng đô la...làm sao độc lập chủ quyền
Nhiều vấn đề của ngành ngân hàng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói thẳng và rõ, cũng như nêu định hướng chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2013 diễn ra sáng 9/1 tại Hà Nội.
Gần một giờ đồng hồ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá những kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong năm 2012, những tồn tại cần xử lý và định hướng nhiệm vụ trong năm 2013.
Nợ xấu: “Nhà nước tiền đâu mà xử lý!”
Như từng đặt ra tại hội nghị ngành trước đây, lần thứ hai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại một bất cập trong hệ thống ngân hàng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu phức tạp như hiện nay. Đó là sự thao túng của các ông chủ, cổ đông lớn - điều mà ông nhấn mạnh là không thể chấp nhận ngay ở khía cạnh đạo lý, chứ chưa nói đến pháp luật.
Thời gian qua, trong hệ thống có tình trạng ngân hàng cổ phần một số cá nhân là cổ đông lớn, lập ra ngân hàng coi như của mình, rồi lập công ty con kê khống tài sản rút tiền ra và giờ là nợ xấu tăng cao.
“Cái đó là vi phạm pháp luật, lừa đảo. Phải lành mạnh. Tôi đề nghị làm ngân hàng là phải nghiêm túc, không được vi phạm pháp luật, không được gian dối rút ruột rút tiền… Làm cổ đông lớn chi phối, lập công ty con rút tiền xã hội, tài sản thế chấp một đồng thì đưa lên vài trăm đồng để lấy tiền ra. Làm như thế ngay đạo lý đã không được rồi, chưa nói là pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, thời gian qua, xử lý tình trạng trên, Chính phủ luôn nhắc nhở các cơ quan pháp luật tạo điều kiện để những trường hợp nói trên tự khắc phục. Những ngân hàng liên quan phải tự cơ cấu lại nghiêm túc, minh bạch. Ngân hàng Nhà nước cũng phải rà soát lại các thể chế, xem những chỗ nào hở để điều chỉnh, để tránh sau khi khắc phục lại có thể xẩy ra.
Liên quan đến nợ xấu, người đứng đầu Chính phủ giao nhiệm vụ trọng tâm mà ngành ngân hàng phải xử lý trong năm 2013. Ông cũng nêu quan điểm rõ rằng, nhà nước không chi tiền để xử lý mà chỉ hỗ trợ qua chính sách.
Thủ tướng nói: “Xử lý nợ xấu của nền kinh tế, tôi cũng suy nghĩ là trăm sự nhờ ngân hàng. Nhờ chỗ nào? Chính là các đồng chí cho vay, doanh nghiệp khó khăn và nợ xấu, các đồng chí là người xử lý trước hết và chủ yếu. Cái nào đưa về công ty quản lý tài sản thì hạn hẹp thôi, cái nào trích lập dự phòng rủi ro để xử lý, bán tài sản thế chấp mà xử lý, gắn với thị trường kinh tế bắt đầu có sự phục hồi. Tôi rất mong ngân hàng thương mại cộng với cơ chế tạo điều kiện từ Ngân hàng Nhà nước xử lý cho được nợ xấu, là chủ yếu, chứ nhà nước tiền đâu mà xử lý nợ xấu. Chúng tôi chỉ hỗ trợ chính sách thôi chứ ngân sách không có. Chính sách là hỗ trợ qua tái cấp vốn, qua thị trường mở”.
Còn về công ty quản lý tài sản (thời gian qua vẫn được gọi là công ty mua bán nợ quốc gia), đề án đã được trình lên, hướng gợi mở bước đầu mà Thủ tướng cho biết là ông đồng ý với Thống đốc Nguyễn Văn Bình, không có tiền ngân sách đưa ra để xử lý nợ xấu.
Vàng và tỷ giá: “Đã tiến bước dài”
Hai kết quả trong 2012 mà Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao là quản lý thị trường vàng và điều hành tỷ giá.
Theo ông, quản lý thị trường vàng vừa qua đã làm được bước đầu tốt, đạt yêu cầu khi xây dựng Nghị định 95 và Nghị định 24. Quản lý thị trường vàng được định hướng mục đích là nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, không để ảnh hưởng gây mất ổn định.
Trước đây, vàng gây mất ổn định khi tác động liên tục tới tỷ giá và lãi suất, tác động liên tục tới cán cân xuất nhập khẩu mất ổn định, rồi vàng trở thành đồng tiền phổ biến, chỗ nào cũng “cây” hết.
“Quản lý cái này đã đạt yêu cầu đầu tiên là góp phần giữ ổn định vĩ mô của đất nước. Các đồng chí đã tiến một bước dài”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá.
Một yêu cầu chính trong quản lý thị trường vàng là phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, người sở hữu vàng và nhu cầu tiêu dùng bình thường của người dân. Cho rằng còn có việc này việc kia phải hoàn thiện, nhưng Thủ tướng nhìn nhận cơ bản việc quản lý vừa qua đã đáp ứng được: “Ai có vàng đâu có mất đồng nào, được lợi thêm; hay muốn mua nữ trang thì đầy, không ai cấm cả. Lợi ích của người dân không bị thiệt hại, nói chung trong xã hội”.
Yêu cầu thứ ba là phải quản lý vàng sao cho nó trở thành nguồn lực của đất nước chứ không phải cứ chôn giữ đó, nó phải thành tiền để đưa vào ngân hàng, thành nguồn vốn để sản xuất kinh doanh. Đây cũng là hướng mà Ngân hàng Nhà nước cần triển khai trong thời gian tới.
Một bước tiến khác được người đứng đầu Chính phủ ghi nhận là chính sách tỷ giá đã điều hành “tốt đẹp” trong thời gian qua. Từ đó để tiến một bước nữa, rút kinh nghiệm từ thị trường vàng, để quản lý tốt hơn nữa thị trường ngoại tệ.
“Không thể đất nước mà bán cái gì cũng vàng rồi đô la, thanh toán bằng đô la hết thì làm sao độc lập chủ quyền! Phải tiến tới quản lý thu hẹp đô la hóa. Tiếp tục tăng dự trữ ngoại tệ”, Thủ tướng chỉ đạo.
Ở một nhóm nhiệm vụ khác, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ làm sao để kiềm chế lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn so với năm 2012. Đó là mục tiêu kép, theo ông không phải là duy ý chí, mà thực tế đã làm được trong năm qua. Với lạm phát, trước hết Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải chịu trách nhiệm với Chính phủ.
Kiềm chế được lạm phát, lãi suất phải tiếp tục giảm để hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó, các ngân hàng phải đưa được tiền cho sản xuất, kinh doanh.
“Trước đây lạm phát cao, giờ giảm rồi, giảm lãi đi để hỗ trợ, chia sẻ với nhau để phát triển. Tôi không khuyến khích cho vay ào ào rồi nợ xấu tăng lên, không phải như thế. Có những doanh nghiệp chỉ cần ngừng cho vay là đổ vỡ rồi, nếu tiếp tục cho vay thì vượt qua được. Chúng ta có trách nhiệm với doanh nghiệp, với nền kinh tế. Trăm sự là nhờ vốn, vốn chủ yếu là nhờ ngân hàng”, Thủ tướng nói.
Về định hướng chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận: “Chính sách tiền tệ điều hành phải linh hoạt hơn, hiệu quả hơn, bám sát cuộc sống để đạt được yêu cầu kiểm soát được lạm phát thấp hơn 2012 - quyết tâm của chúng ta - quyết tâm có cơ sở, phải làm cho được trong năm 2013. Theo đó, điều hành tín dụng, cung tiền, thị trường mở tôi ủy quyền cho Thống đốc”.
Ông cũng lưu ý là Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại phải công khai, minh bạch hơn nữa. Phải tăng cường cung cấp thông tin bằng mọi hình thức để xã hội hiểu đúng, kể cả cái chưa được. Qua công khai minh bạch để tiếp thu về những cái chưa được để hoàn thiện.
Nhật Minh (Theo VnEconomy)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Cột tin quảng cáo