Thanh tra Chính phủ phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 11 nghìn tỷ đồng
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, 6 tháng đầu năm 2015, công tác thanh tra tiếp tục chuyển biến tích cực, trong đó việc xử lý chồng chéo với cơ quan Kiểm toán nhà nước trong xây dựng kế hoạch thanh tra được rà soát ngay từ khi xây dựng kế hoạch; việc đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành cuộc thanh tra, công tác giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và đôn đốc thực hiện kết luận, chỉ đạo xử lý sau thanh tra được thực hiện chặt chẽ hơn.
Tiến độ triển khai và kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp được đẩy nhanh; chất lượng kết luận thanh tra được nâng lên, các kiến nghị xử lý khách quan, chính xác, kịp thời, khả thi hơn; việc phối hợp với cơ quan điều tra để xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được chú trọng.
Theo ông Lượng, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 2.842 cuộc thanh tra hành chính và 116.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 268.251 tổ chức, cá nhân.
Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 11.298,6 tỷ đồng, 655,7 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 7.593,5 tỷ đồng (đã thu hồi 6.203,3 tỷ đồng, đạt 81,7%) và 514,7 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 3.705 tỷ đồng, 141 ha đất; ban hành 106.562 quyết định xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 1.830 tỷ đồng; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 405 tập thể, 23 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 28 vụ, 76 đối tượng.
Thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra 1.389 kết luận thanh tra, thu hồi 912,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 68,9%; 63.695 ha đất; xử lý hành chính 351 tập thể, 529 cá nhân, khởi tố 110 đối tượng. Hoạt động thanh tra chuyên ngành được tập trung đẩy mạnh, nhất là các lĩnh vực đang được dư luận xã hội quan tâm.
Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, 6 tháng đầu năm cơ quan hành chính các cấp đã giải quyết 16.362/18.897 (đạt 86,6%) vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân 103,3 tỷ đồng, 11,4 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 1.039 người, kiến nghị xử lý hành chính 195 người (đã xử lý 124 người); chuyển cơ quan điều tra xử lý 6 vụ, 6 đối tượng.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra đã phát hiện 29 vụ, 58 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 27,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 9,3 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 09 cá nhân, kiến nghị xử lý hình sự 09 vụ, 07 đối tượng. Cơ quan điều tra trong ngành Công an đã thụ lý điều tra 225 vụ, 600 bị can phạm tội về tham nhũng. Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 103 vụ, 272 bị can; hiện đang tiếp tục điều tra 114 vụ, 320 bị can. Có 01 người tố cáo, phát hiện tham nhũng được khen thưởng.
Qua thanh tra, đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, trong ban hành chính sách, pháp luật. Kết quả thanh tra đã đáp ứng ngày càng tốt hơn sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc phòng, ngừa vi phạm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những kết quả mà ngành Thanh tra đạt được trong thời gian qua và cho rằng, ngành Thanh tra đã tập trung giải quyết tốt hơn nhiều vụ việc phức tạp góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội. Công tác thanh tra cũng góp phần chống quan liêu, tiêu cực tham nhũng, thất thoát tài sản sản. Công tác thu hồi sau thanh tra về đất đai, tài sản được nâng cao hơn.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, trước tình hình đơn thư, khiếu nại vượt cấp, đông người có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, ngành thanh tra cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về khiếu nại, tố cáo, đôn đốc, giải quyết đến cùng các khiếu nại, tố cáo kéo dài. Song song với đó, ngành cần triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng và các lĩnh vực dư luận quan tâm; chủ động thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm như xây dựng cơ bản, đất đai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo