Tin tức - Sự kiện

Thanh tra thị trường vàng: Quan trọng là lắng nghe ai

Thanh tra Chính phủ mới đây đã có quyết định chính thức thanh tra thị trường vàng. Cụ thể, trong thời hạn 60 ngày tới đây, cơ quan này sẽ làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước đối với việc quản lý thị trường vàng giai đoạn từ tháng 1-2009 đến hết tháng 3-2013. Việc làm này được giới chuyên gia đánh giá là rất cần thiết để bình ổn lại thị trường đã và đang có quá nhiều biến động.
Ngân hàng Nhà nước bị "sờ gáy”
 
Theo đó, dưới sự chỉ đạo của ông Đặng Khánh Toàn, Vụ trưởng Vụ 2, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, huy động và cho vay vốn bằng vàng. Khoảng thời gian thanh tra sẽ tính từ tháng 1-2009 đến hết tháng 3-2013. Tuy nhiên, khi cần thiết, có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên. Thời hạn thanh tra là 60 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (22-4).
 
Cùng với việc công bố quyết định thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ giám sát thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động đoàn thanh tra tại NHNN do ông Dương Văn Phấn, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, làm Tổ trưởng.
 
Có thể nói, quyết định thanh tra này của Thanh tra Chính phủ được dư luận rất ủng hộ, đồng thời cũng nhen nhóm lên kỳ vọng rằng, thị trường vàng sẽ đi vào nề nếp hơn. Bởi suốt một thời gian dài vừa qua, bằng nhiều chính sách can thiệp của mình, nhưng cho đến nay NHNN vẫn chưa thể ổn định được thị trường theo đúng nghĩa, trái lại còn thêm phần rối ren hơn.
 
Điểm lại từ động thái đầu tiên, khi NHNN quyết định dùng thường hiệu SJC là thương hiệu vàng miếng duy nhất của quốc gia, thời điểm đó, người ta đã chứng kiến sự bấn loạn của thị trường vàng. Người dân đổ xô đi bán vàng phi SJC và tìm mua vàng mang thương hiệu SJC khiến giá vàng phi SJC rớt thảm hại. Với việc cho SJC là thương hiệu duy nhất của vàng quốc gia, NHNN cũng đặt ra kỳ vọng sẽ kéo giá vàng trong nước gần lại với giá vàng thế giới hơn. Thế nhưng, những ngày sau đó, không nhưng giá vàng trong nước và thế giới không được kéo gần lại, trái lại, thị trường vàng còn thêm phần sóng gió, khi bộc lộ những tư tưởng cục bộ của một nhóm lợi ích. Những DN đã sản xuất các thương hiệu phi SJC bỗng chốc trở thành những "người thừa” không hơn không kém. 
 
Sau khi chọn SJC là thương hiệu vàng quốc gia, thấy tình hình chưa khả quan hơn, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu triển khai đấu thầu vàng với mục tiêu tiếp tục hạ nhiệt giá vàng trong nước, từng bước bình ổn thị trường này. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, đã qua 10 phiên đấu thầu, song câu chuyện kéo sát giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn lơ lửng hai chữ: Bất lực. Bởi, tính đến thời điểm trưa ngày 23-4, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở con số trên 5 triệu đồng/lượng.
 
 
 
Thị trường vàng liên tục biến động
 
Bình ổn - bất ổn
 
Còn nhớ, khi bắt đầu công cuộc bình ổn giá vàng hồi tháng 10-2011, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã từng bày tỏ thái độ rất kiên quyết khi tuyên bố: Mục tiêu thời gian tới là đưa chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới về mức 400 nghìn đồng/lượng. Nếu giá vàng có sự vượt quá mốc điểm này tức là bị đầu cơ.
 
Và rồi, đến thời điểm này, khi đã đưa ra mọi biện pháp, con số chênh lệch càng ngày càng bỏ xa mức 400.000 đồng, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới từ mức 2,6 triệu đồng khi NHNN chưa tổ chức đấu thầu, đến nay đã lên mức 5,6 triệu đồng/lượng. Thực trạng này khiến dư luận đặt ra nghi vấn về tính hiệu quả trong giải pháp được NHNN kỳ vọng: đấu thầu.
 
Nhiều chuyên gia trong ngành bày tỏ quan ngại rằng, NHNN đã có cách hành xử hoàn toàn không hợp lý ngay từ khi cơ quan này cho phép một DN độc quyền sản xuất vàng miếng, từ đó gián tiếp loại bỏ một loạt các DN, thương hiệu vàng đã từng trụ vững trên thị trường trước đây bằng chính năng lực cũng như chất lượng của mình. Trên thực tế, khi để SJC trở thành thương hiệu vàng miếng duy nhất của quốc gia, Ngân hàng  Nhà nước đã tạo nên sự độc quyền của một nhóm lợi ích.
 
Trở lại với thị trường vàng thời điểm khi chưa có những quyết định "sáng tạo” của Ngân hàng Nhà nước, theo đánh giá của một vị chuyên gia trong ngành, thị trường lúc đó hoạt động có tính cạnh tranh hơn. Các DN cùng tham gia sản xuất, kinh doanh, DN nào có uy tín, chất lượng, đương nhiên sẽ phát triển hơn. Đó mới thực sự là hoạt động theo đúng nghĩa thị trường. Còn bây giờ thì sao? Một thị trường đang bị lũng đoạn bởi một bàn tay điều khiển giá. Nói như vậy không "oan” bởi, nếu trước kia giá vàng được quyết định bởi thị trường, thì nay NHNN hoàn toàn thâu tóm khâu nhập vàng, dập vàng, và bán vàng. Như vậy chẳng phải cơ quan này  đang thao túng giá vàng hay sao? Bởi, một khi NHNN đã phát giá đi từ các phiên đấu thầu là cao thì giá ở thị trường thứ cấp (DN – người dân) cũng phải cao chứ không thể có chuyện DN bỏ tiền mua giá cao về để rồi phải bán lỗ. Và như vậy, thực tế này tất yếu dẫn đến thực trạng, giá vàng không thể kéo xuống thấp hơn được.
 
Việc can thiệp quá sâu của NHNN vào vấn đề kinh doanh, buôn bán trên thị trường vàng đã gây nên một nghịch lý mang tính chất phi thị trường, đó là loại bỏ dần tính cạnh tranh của DN trên thị trường này, đồng thời gây tâm lý hoang mang, bất ổn. Điều này dường như không phù hợp với thực tiễn khi mà tất cả các lĩnh vực kinh tế đều đang có xu hướng đi theo cơ chế thị trường. Thực tế này đang chứng minh một điều, những chính sách can thiệp của cơ quan này đưa ra dường như đang đi ngược lại với những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong việc bình ổn thị trường vàng.
 
Và sự vào cuộc của cơ quan Thanh tra Chính phủ nhằm làm rõ trách nhiệm của NHNN đối với việc quản lý thị trường vàng là điều rất cần thiết, là mong mỏi của người dân và DN để hướng tới một thị trường thực sự ổn định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề đặt ra ở đây cần phải xác định sẽ thanh tra cái gì? Thanh tra như thế nào và lắng nghe ai nói? Nếu cơ quan thanh tra lại chỉ nghe NHNN "giãi bày” thì sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì (!).
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐĐK
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo