Thị trường

Thấp thỏm với cây "tỉ đô"

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam khẳng định người trồng loại cây này không nên lo lắng về đầu ra sản phẩm

Vài năm trước, khi nghe những thông tin đồn thổi về giá trị kinh tế siêu lợi nhuận của cây mắc ca, người dân Tây Nguyên đã đổ xô trồng loại cây này dù chưa biết có phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, đầu ra của sản phẩm.

Khoảng 40% không cho trái

Năm 2013 và 2014, gia đình anh Phạm Văn Thường (thôn 6, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua giống trồng gần 1.600 cây mắc ca trên diện tích khoảng 6 ha. Anh Thường cho biết hiện nay vẫn chưa đánh giá được năng suất của loại cây này nhưng kết quả bước đầu không được như mong đợi. Vụ trước, gia đình anh thu bói được 3 tạ bán khoảng 75.000 đồng/kg thu về 20 triệu đồng. Năm nay, có gần 40% số cây không đậu trái. "Đến nay, gia đình tôi đã đầu tư gần 600 triệu đồng vào vườn cây và hiện nay vẫn đang hồi hộp chờ kết quả" - anh Thường cho biết thêm.

Tuy Đức là huyện trồng nhiều mắc ca nhất tỉnh Đắk Nông. Theo UBND huyện, giai đoạn 2010-2011, toàn huyện chỉ trồng thí điểm 5 ha mắc ca và đến nay đã được nhân rộng lên 678 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Đắk R’tíh, Quảng Tâm, Quảng Trực, Đắk Búk So… Hiện một số vườn cây mắc ca có tuổi đời từ 5 - 6 năm đã cho thu hoạch với tổng diện tích khoảng 115 ha (chiếm 17%). Tuy nhiên, mức độ ra hoa, kết trái của vườn mắc ca chưa cao và không đều. Năng suất dao động từ 1-8 kg quả/cây và thường không ổn định. Hiện tại, trên địa bàn huyện Tuy Đức đã có 2 điểm thu mua hạt mắc ca. Riêng cơ sở Phú Nông (ở xã Đắk Búk So) nhiều năm nay đã thu mua và chế biến mắc ca, cung cấp các sản phẩm mắc ca sấy khô, đóng hộp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Tại Đắk Lắk, hiện nay người dân cũng đã trồng hàng trăm héc ta cây mắc ca nhưng rất ít vườn mang lại hiệu quả kinh tế. Thậm chí vườn cây của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có 6 ha trồng xen với cây cà phê, 4 ha trồng thuần nhưng tất cả đều rất ít trái. Những cây ước tính đạt 4-5 kg quả khá ít, trong khi trái lớn bằng đầu ngón tay đã rụng nhiều.

Ở Gia Lai, từ khoảng năm 2011, huyện Kbang là một trong những huyện đầu tiên được trồng thí điểm cây mắc ca. Đến nay, đã có khoảng 400 ha mắc ca đã được người dân ở các xã Sơn Lang, Sơ Pai, Đắk Rong, Lơ Ku… gieo trồng. Trong số này, đa phần là những diện tích trồng xen lẫn trong cà phê và các loại cây khác. Theo Phòng NN-PTNT huyện Kbang, qua theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây những năm qua thì thấy cây mắc ca thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại đây. Sâu bệnh trên cây hầu như không có. Tùy từng năm trồng mà cây có sản lượng khác nhau.

Ông Kpa Chung, xã Nghĩa An, huyện Kbang, trồng thuần 1 ha mắc ca, cho biết cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, những năm trước đầu ra sản phẩm khó khăn, thương lái chỉ trả 60.000 đồng/kg. So sánh với giá tại các tỉnh khác như Đắk Lắk ông thấy thấp hơn nhiều nên không bán. Năm nay, chưa thu hoạch nhưng không biết giá cả ra sao.

Nhiều vườn mắc ca ở Tây Nguyên tới thời điểm này vẫn không đậu trái. Ảnh: Cao Nguyên

Lo lắng đầu ra

TS Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng mắc ca là loại cây mới du nhập khoảng 10 năm. Đối với loại cây công nghiệp, khoảng thời gian đó là chưa đủ để đánh giá tính hiệu quả. Hiện nay, nhà nước đã có quy hoạch về sản xuất cây mắc ca nhưng còn chung chung. Để tránh thiệt hại cho người dân, chính quyền địa phương phải có quy hoạch cụ thể khu vực nào, xã, thôn nào phù hợp với cây mắc ca vì loại cây này chỉ phù hợp khu vực có độ cao nhưng không gió, nhiệt độ không quá nóng cũng không quá lạnh, thời điểm ra hoa phải có ánh sáng nhưng không sương mù...

Bên cạnh đó, điều TS Trần Vinh quan tâm nhất là đầu ra sản phẩm. Theo ông Vinh, phải có quy hoạch cụ thể chuỗi sản xuất từ khâu trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ. Quả mắc ca nếu để lâu sẽ giảm lượng dầu, giảm chất lượng. Nhiều nông dân sản xuất mắc ca đã gọi điện thoại cho ông hỏi về thị trường tiêu thụ vì hiện nay không có một doanh nghiệp lớn nào thu mua sản lượng lớn để xuất khẩu.

TS Trần Vinh không phủ nhận nếu làm tốt hiệu quả kinh tế từ cây mắc ca sẽ rất cao nhưng cho rằng hiện nay loại cây này phát triển chưa thực sự bền vững, chưa có nhiều thông tin khoa học để định hướng, hướng dẫn. "Chúng tôi khuyến cáo người dân nên trồng xen canh mắc ca với cây cà phê vì 2 loại cây này bổ trợ rất tốt cho nhau. Nếu cây mắc ca không cho hiệu quả kinh tế thì vẫn còn cây cà phê. Việc ồ ạt chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng mắc ca sẽ gây ra nhiều hệ lụy như từng xảy ra với cây điều, cà phê. Thực tế, chúng tôi đã khảo sát rất nhiều vườn mắc ca của người dân nhưng tỉ lệ vườn thành công rất ít" - TS Trần Vinh khuyến cáo.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho biết hiệu quả trồng cây mắc ca đến nay đã được kiểm chứng và nông dân trồng loại cây này không phải lo lắng về đầu ra.

 

Theo ông Huy, nhu cầu thị trường trong nước và thế giới đối với hạt mắc ca rất lớn nên nông dân không cần lo lắng. "Mới đây, một doanh nghiệp sản xuất sữa hạt mắc ca đã liên hệ với hiệp hội để đặt hàng nguồn nguyên liệu nhưng chúng tôi cũng chưa đáp ứng đủ. Nguồn cung mắc ca trên thị trường trong nước hiện còn thiếu nhiều nên đầu ra nông dân yên tâm" - ông Huy nói.

Theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, từ khoảng 5 năm trước, hiệp hội và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đã nghiên cứu rất kỹ về nhu cầu loại hạt này trên thị trường và thấy rằng tiềm năng rất lớn. Thống kê của Hiệp hội Mắc ca thế giới cho thấy đến năm 2030 lượng cung các loại hạt chỉ bằng 1/2 nhu cầu, trong đó mắc ca mới chiếm 2% tổng nguồn cung các loại hạt. Nhu cầu tiêu thụ hạt mắc ca trên thế giới và trong nước là rất lớn, chưa kể loại hạt này chỉ cần sơ chế, bảo quản dễ dàng nên không sợ để lâu rớt giá.

Ông Đoàn Thanh Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kbang (Gia Lai), cho biết để tìm đầu ra ổn định cho người dân trồng mắc ca, chính quyền địa phương đã liên hệ các doanh nghiệp. Hiện đã có đơn vị cam kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm mắc ca với giá bảo hiểm (thấp nhất) là 80.000 đồng/kg, nếu giá thị trường tăng cao hơn thì doanh nghiệp sẽ mua theo giá thị trường. "Được cam kết bao tiêu đầu ra, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư với diện tích từ 2-3 ha. Cây mắc ca hy vọng là cây trồng giúp bà con nông dân phát triển mạnh mẽ về kinh tế" - ông Hùng nói.

Nên đọc
Theo Người lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo