Thấp thỏm với nỗi lo nước cuốn
Sống trong sợ hãi
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tình trạng sạt lở bờ sông Cầu xảy ra nghiêm trọng nhất ở xóm 4 (hay còn gọi là xóm Đất). Hiện tại, trong xóm có khoảng 30 hộ chịu ảnh hưởng từ quá trình sạt lở bờ sông, trong số đó, có khoảng 10 hộ đang trong tình trạng rất nguy cấp, không thể định cư lâu dài.
Gia đình ông Nguyễn Văn Xì, 76 tuổi, ngụ xóm 4, một trong những hộ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Ngôi nhà cấp 4 mà gia đình ông đang ở hiện bị xuống cấp nghiêm trọng.
Phần tường nhà nhiều đoạn bị nứt, vỡ. Sân trước đã bị nước lũ cuốn đi một nửa. Hàng tre ngăn dòng nước lũ trước nhà cũng trơ gốc, chỉ chực gãy.
Nhìn ba đứa nhỏ đang chơi đùa trước sân nhà ngày càng lún nứt nhiều hơn, ông Nguyễn Văn Xì bộc bạch: “Chúng tôi đã bằng này tuổi, cũng sắp gần đất xa trời rồi, chỉ mong Nhà nước quan tâm, cho kè đoạn sông này lại, để thế hệ con cái và các cháu được ổn định cuộc sống. Chứ cứ bấp bênh thế này, không biết đến khi nào mới thoát được nghèo…”.
đổ. Ngoài hộ ông Xì, gia đình ông Nguyễn Văn Duyên cùng xóm, cũng đang “mất ăn mất ngủ” bởi tình trạng sạt lở bờ sông. Hàng trăm gốc xoan đào bị dòng sông nuốt chửng, giờ chỉ còn phân nửa.
Phần sân trước nhà nứt toác, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Cứ mỗi mùa mưa lũ, mực nước sông Cầu lên cao, hộ ông Xì, ông Duyên và nhiều gia đình khác lại phải chạy vào sâu trong làng, ở nhờ nhà họ hàng, làng xóm.
Bí thư Chi bộ thôn Ngô Đạo Nguyễn Xuân Tươi cho biết, sống ven sông hơn nửa thế kỷ qua, ông được chứng kiến quá trình xâm lấn khủng khiếp của dòng sông Cầu.
“Trước đây, toàn bộ diện tích lòng sông hiện nay từng là bãi bồi, phần đất canh tác nông nghiệp đằng xa kia (thuộc thôn Đồng Đạo, xã Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang - PV) mới là nơi dòng sông chảy qua...” - ông Tươi chỉ tay về phía bãi bồi bên kia sông Cầu kể.
Bên cạnh cuộc sống bất định, người dân nơi đây thực sự âu lo trước viễn cảnh khi bờ sông sạt lở, cuốn đi phần đất định cư của những hộ dân thuộc xóm 4 này thì diện tích đất canh tác nông nghiệp quan trọng của thôn cũng đứng trước nguy cơ bị cuốn trôi. Khi đó, cuộc sống của người dân nơi đây chắc chắn sẽ thêm phần khó khăn.
Mong ước của người dân
Người dân thôn Ngô Đạo sống ven sông Cầu nhận thức rõ rằng, sạt lở vẫn đang ngày ngày đe dọa cuộc sống của họ. Việc những ngôi nhà ven sông này bị nước cuốn trôi chỉ còn là vấn đề thời gian. Cũng bởi vậy, một số gia đình đã chủ động di tản vào sâu trong thôn.
Nhiều hộ tính chuyện bán đất để lấy tiền mua nơi khác, nhưng đất ven bãi sông bán rẻ như cho cũng chẳng ai mặn mà, mạo hiểm.
Số khác phải đi ở nhờ nhà bà con họ hàng, hoặc đầu tư tu sửa, chằng chống nhà cửa tạm thời cho qua những mùa mưa… Dẫu vậy, không phải hộ dân nào cũng có điều kiện để di tản, định cư ở địa điểm khác.
Đơn cử, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, hiện chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng sạt lở, cũng thuộc nhóm cận nghèo của xã Tân Hưng. Gia đình có 6 nhân khẩu nhưng nhiều năm qua chỉ biết trông vào tiền đi làm công của hai vợ chồng.
Không chỉ hộ chị Hiền, sống ở ven sông nhưng thu nhập của người dân thôn Ngô Đạo còn rất hạn chế. Cũng bởi vậy, nhiều người dân nơi đây dù biết rằng, sống ở vùng sạt lở nghiêm trọng này là nguy hiểm khôn lường, nhưng cũng chỉ biết thở dài, cứ đến đâu, hay tới đó.
Trước tình trạng nêu trên, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Thu cho biết, lãnh đạo xã nhận thức rõ mối nguy hiểm rình rập đối với các hộ thuộc xóm 4, thôn Ngô Đạo.
Bởi vậy, mỗi khi có đợt mưa lớn kéo dài, chính quyền lại phải vận động người dân tạm thời di tản đến cư trú ở nhà văn hóa thôn hoặc trụ sở UBND xã.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Để đảm bảo cuộc sống an toàn cho các hộ dân ven sông Cầu về lâu dài, xã đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Sóc Sơn có đề xuất UBND TP Hà Nội tiến hành khảo sát, tiến tới lập dự án kè cứng hóa đoạn sông này.
Thế nhưng, đã nhiều năm qua, đến nay, mong mỏi cấp thiết đó vẫn chưa thành.
Người xưa có câu: “Nhất cận thị, nhị cận giang”, ý nói sống ven chợ, ven sông thì được hưởng nhiều lợi ích. Thế nhưng, với những người dân sống ven dòng sông này, đó chỉ là viễn cảnh trong mơ.
Thực tế, người dân nơi đây vẫn ngày ngày phải chống chọi với nguy cơ mất nhà cửa, vườn tược, đất sản xuất nông nghiệp. Ước mơ an cư dường như còn ở đâu đó rất xa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên