Thâu đêm chợ nón
Cứ 5 ngày, chợ họp một lần vào các ngày mồng 5, 10, 15, 20, 25, 30 trong tháng. Ở đây người ta trao đổi mua bán duy chỉ mặt hàng nón lá và nguyên liệu làm nón.
Chợ đêm không điện
Đồng hồ điểm sang 0 giờ, những chiếc xe đạp, xe kéo lục tục đổ về chợ nón lá để kịp bắt đầu phiên chợ mở hàng đầu năm. Trước kia, tại Bình Định cũng có chợ nón lá khác là Gò Găng (thị xã An Nhơn) họp thường nhật, nhưng về sau, người ít, chợ nghỉ, người dân chuyển sang họp chợ này.
Chợ nằm ở khuất trong một con hẻm nhỏ. Tiếng là chợ nhưng không quá ồn ào, không có tiếng cãi cọ, chao chát. Người ta nói vừa đủ nghe, ánh sáng vừa đủ thấy và nụ cười cũng thường trực trên môi cả người mua kẻ bán.
Chị Nguyễn Thị Thanh ôm chồng nón đi thẳng vào chợ. Tổng cộng 35 chiếc, tự tay chị và các con làm trong hơn một tuần. Làm nón lâu năm, chị chủ yếu bán cho khách quen nên chẳng sợ ế. Chừng ấy năm vẫn những gương mặt quen thuộc nên đối đãi với nhau như người nhà. 62 tuổi, bà Phạm Thị Cảnh (xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) có 40 năm ngồi chợ.
Lúc trước, nhà còn đông người thì chằm nón mang ra chợ bán, sau chuyển sang thu mua của các hộ làm nón để buôn. Mỗi đêm bà bán trên dưới 100 chiếc nón. Nhà cách chợ gần chục cây số nên từ khuya bà Cảnh đã dậy sửa soạn chở hàng ra chợ. Riết thành quen, nhỡ may đau ốm không ra chợ được cũng cứ giờ đó thức dậy rồi trăn trở, sốt ruột.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, 45 tuổi, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát vẫn được gọi là Nguyệt nón bởi thâm niên lâu năm trong nghề. Gốc người Tây Sơn - quê hương của nón ngựa nổi tiếng, 12 tuổi Nguyệt nghỉ học ở trường về đan nón giúp mẹ mưu sinh, rồi ra chợ tập tành buôn bán. Đến tuổi lấy chồng chị về làm dâu Phù Cát lại chuyển sang đan nón lá.
Thoắt cũng hơn 30 năm gắn bó với chiếc nón và hơn 20 năm ngồi bán trong chợ. Chị giải thích từ xưa tới giờ người ta chỉ dùng đến đèn dầu hoặc đèn pin chứ không dùng đến điện. Ánh sáng của đèn đỏ và ấm dễ cho việc rọi soi từng đường kim mũi chỉ và thẩm định chất lượng nón chứ không bị lóa như điện.
Nét duyên lam lũ
Chợ họp về đêm, nhưng điều đặc biệt là ở đây mặc nhiên người ta không dùng đến điện mà sử dụng ánh sáng của đèn dầu hoặc đèn pin để rọi xem hàng, trao đổi. Dưới ánh sáng vàng ấy, những chồng nón trắng được bày xếp gọn gàng cùng nụ cười móm mém của các bà, mẹ, phiên chợ tạo nên nét văn hóa riêng của người Bình Định và gắn bó với những phận người dung dị, lam lũ.
Từ xã Cát Tường đạp xe lên chợ cũng mất cả tiếng đồng hồ nhưng hàng của bà Nguyễn Thị Xuân, 66 tuổi, chỉ đơn thuần là vài cuộn cước dùng để chằm nón. Cả vốn lẫn lãi chưa tới 100 nghìn đồng, thế nhưng chẳng phiên chợ nào vắng mặt bà.
“Lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng nó thành thói quen rồi, không đi cũng chẳng ngủ được. Vừa đi kiếm đồng quà đồng bánh cho cháu, vừa đạp xe tập thể dục, chả thế mà tui vẫn khỏe đến giờ” – bà cười móm mém.
Cụ Nguyễn Thị Trí, 70 tuổi, ở thôn Kiều Quyên, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, nhiều năm gắn bó nghề tạo khung nón lá làm sẵn và bán tại chợ đêm nón lá Cát Tân. Bà kể: Hiện, mỗi phiên chợ tôi bán được chừng 20 – 30 cái khung, với giá chỉ 40.000 đồng/cái; sau khi trừ hết chi phí thì tiền lời được hơn nửa.
Theo bà đây là nghề truyền thống, được ông bà truyền lại và nối nghiệp đến nay. Cũng nhờ nghề này bà nuôi 6 đứa con ăn học, lập gia thất đàng hoàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh