Tin tức - Sự kiện

Thấy gì từ “hiện tượng” CPI âm?

Khác hẳn cùng kỳ mọi năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm nay đột ngột giảm sau hai tháng đầu tăng nhẹ. Hiện tượng” này, theo đánh giá của giới chuyên gia, càng cho thấy chưa có cải thiện gì nhiều trong nỗ lực thúc đẩy sức mua, thậm chí còn cho thấy những khó khăn của nền kinh tế, sự trầm lắng trong hoạt động của các DN.

Theo quy luật, mọi năm, các tháng sau tết thường có chỉ số giá tiêu dùng nhích tăng thì nay, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 bỗng dưng đi ngược theo chiều mũi tên đi xuống, (giảm 0,19%). Lẽ thường, nếu chỉ số CPI âm, sẽ là tín hiệu đáng mừng để cho thấy lạm phát đã được kiềm chế tốt, song, đây lại được đánh giá là hiện tượng bất thường và chỉ càng khẳng định rõ hơn rằng, bài toán kích thích sức mua vẫn chưa có lời giải hữu hiệu, cũng có nghĩa, khó khăn chưa buông tha cộng đồng DN.

Lý giải về việc CPI tăng trưởng âm, giới chuyên gia kinh tế chỉ ra khá nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân trọng yếu vẫn là do tiêu thụ trong nước suy yếu. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi mà hàng tồn kho vẫn ứ đọng ở mức cao.

Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy dòng chảy hàng hóa được khơi thông, tốc độ tăng tồn kho vẫn cao, phổ biến ở nhiều ngành, lĩnh vực, từ sản xuất nông, lâm nghiệp - thuỷ sản, công nghiệp - xây dựng đến lưu thông, tiền tệ - tín dụng, đặc biệt là bất động sản. Theo đánh giá của Bộ Công thương, 2 tháng đầu năm 2013, mặc dù là tháng tiêu thụ mạnh của các sản phẩm chế biến nhưng chỉ số tồn kho của ngành chế biến, chế tạo vẫn giảm không đáng kể so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn có chỉ số tồn kho rất cao như: đường (tăng 28,0%); bia (tăng xấp xỉ 50%); hàng may mặc (tăng 25,2%)... Điều này cho thấy, dù các DN đã có nhiều nỗ lực trong việc kích cầu sức mua, đặc biệt là hai tháng tết, nhưng tình hình vẫn không mấy sáng sủa.

Thêm một yếu tố nữa, CPI âm, nhưng không có điều gì để có thể yên tâm rằng, lạm phát cả năm sẽ giữ được ở mức 6,5 -7% như mục tiêu của Chính phủ đề ra. Theo ông Vincent Conti – Chuyên gia kinh tế ngân hàng ANZ châu Á - Thái Bình dương, những nỗ lực trong bình ổn giá dịch vụ y tế đã góp phần không nhỏ trong việc làm giảm đáng kể quỹ đạo lạm phát của Việt Nam năm 2013. Tuy nhiên, vẫn còn 9 tháng nữa, và chưa thể nói trước được điều gì. Một loạt những mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu… vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ tăng giá là những yếu tố sẽ tác động lên giá cả trong thời gian tới. Vị chuyên gia này khẳng định, ngoài những nỗ lực trong điều hành giá cả các mặt hàng như thời gian qua, Chính phủ vẫn cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để vừa đảm bảo đạt được mục tiêu lạm phát đề ra, vừa tránh được cái vòng luẩn quẩn: lạm phát tăng lại phải thắt chặt tín dụng…




Minh Trí
Theo ĐĐK

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo