Thầy Tèo chữa được ung thư giai đoạn cuối?
"Thầy Tèo" có bằng trung cấp y dược nhưng viết chính tả sai nhiều lỗi, vậy mà mỗi ngày hàng chục bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đến nhà thầy chầu chực nhờ cứu chữa.
Thời gian gần đây, tên tuổi “Thầy Tèo” chữa được bệnh ung thư giai đoạn cuối khiến bệnh nhân khắp nơi tìm tới nhà xin chữa bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương.
Trưa ngày 25-10, có mặt tại căn nhà cấp 4 rộng vài chục mét vuông của ông Lê Hữu Hiệp (49 tuổi, tự xưng là “Thầy Tèo”) ở ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, chúng tôi chứng kiến nơi này đang tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân ung thư ác tính giai đoạn cuối đến từ nhiều tỉnh/thành trong cả nước, kể cả thủ đô Hà Nội.
Chữa bằng thuốc Nam, khoán bùa
Ông Hiệp khẳng định tất cả các bệnh nhân này đều đã bị bệnh viện “chê”, nghe tiếng “lành” đồn xa mà tự động tìm đến khóc lóc, năn nỉ điều trị. Ông Hiệp cũng cho biết mình hành nghề chữa bệnh bằng thuốc Nam từ năm 2006 tới nay, hầu hết đều là bệnh ung thư hiểm nghèo.
Khi phóng viên hỏi cơ sở khoa học nào để tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, ông Hiệp trả lời không có cơ sở khoa học nào cả, chỉ dựa vào các bài thuốc gia truyền từ đời ông cha để lại.
Trường hợp lở loét thì “khoán bùa” cho “tôm” (gom) vết thương lại.
“Nói vậy thôi, chứ 10 người bác sĩ bó tay đến với tui thì tui cũng “vớt” lại được 6-7 người. Tui điều trị cho bà con là vì cái tâm, không thu bất cứ đồng nào nên bà con tin tưởng mới tìm tới đây” - ông Hiệp nói.
Hỏi một số bệnh nhân đang có mặt tại nhà ông Hiệp thì hầu hết đều cho hay chỉ mới biết tiếng “Thầy Tèo” sau khi một tờ báo đăng tải bài viết khen ngợi tài điều trị như thần của “Thầy”.
Tất cả bệnh nhân khi đến đây đều được “Thầy Tèo” yêu cầu điền thông tin và ký tên vào một “Bảm Tự Nguyện” (đúng ra là “Bản tự nguyện” - PV) với nội dung tự cam kết: “Tôi tự nguyện đến nhờ thầy Hiệp chữa bệnh, nếu không hết bệnh hoặc có trường hợp nào xảy ra tôi hứa sẽ không gây khó dễ cho thầy”.
Không giấy phép hành nghề
Ông Nguyễn Văn Tèo - Phó chủ tịch UBND xã Bình An, huyện Kiên Lương - cho biết ông Hiệp hoạt động chữa bệnh bằng thuốc Nam đã nhiều năm nay nhưng không có giấy phép hành nghề.
Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiểm tra, buộc ông Hiệp ngưng hoạt động và ông Hiệp cũng đã hứa hẹn, nhưng sau đó vẫn tiếp tục.
“Tiếng là không nhận tiền, nhưng khi chúng tôi hỏi thì ông Hiệp thừa nhận là có nhận tiền của bà con cho, nhưng tuỳ lòng hảo tâm chứ không ra giá cụ thể” - ông Tèo nói.
Tiếp xúc với phóng viên, ông Hiệp trưng ra một bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp do Trường trung cấp Y dược Lê Hữu Trác (Hà Nội) cấp tháng 5-2011 và một giấy chứng nhận thời gian thực hành từ tháng 6-2009 đến tháng 5-2011 do chủ tịch Hội đông y phường Mỹ Long, TP Long Xuyên (An Giang) ký.
Ông Hiệp cho biết ông học ở cơ sở 2 của Trường trung cấp Y dược Lê Hữu Trác tại TP.HCM.
Được hỏi làm sao có thể vừa học trung cấp ở một trường tại TP.HCM, vừa thực hành đông y tại An Giang, ông Hiệp lảng tránh: “Mấy anh hỏi khó trả lời quá. Người bệnh ép tui chữa chứ tui có muốn làm thầy làm bà gì đâu”!
Ngoài ra ông Hiệp còn có một giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh ngành nghề “Hoạt động các phòng khám đa khoa, chuyên khoa: phòng chẩn trị y học cổ truyền do UBND huyện Kiên Lương cấp vào tháng 9-2014.
“Thầy Hiệp” khẳng định hiện tại đã ngưng nhận bệnh mới từ 10 ngày nay để làm thủ tục xin cấp giấy phép hành nghề.
Ông Đặng Minh Thành - Phó chủ tịch UBND huyện Kiên Lương cho biết quan điểm của UBND huyện là không khuyến khích hoạt động hành nghề chữa bệnh thiếu cơ sở khoa học tại nhà của ông Lê Hữu Hiệp.
“Chúng tôi đã chỉ đạo UBND xã Bình An yêu cầu ông Hiệp hoàn tất thủ tục theo quy định rồi mới hành nghề. Nhưng cơ sở vật chất như nhà ông Hiệp làm sao khám chữa bệnh, trong khi đó UBND xã Bình An mời ông Hiệp tới phòng thuốc Nam tại Đình thần Hòn Chông để hoạt động thì ông Hiệp cự tuyệt”, ông Thành nói.
Ông Thành cho biết thêm UBND huyện đã báo Sở Y tế tổ chức đoàn thanh tra để xử lý trường hợp hành nghề không phép của ông Lê Hữu Hiệp, nhưng chưa thấy sở trả lời.
Tử vong sau khi ghé “Thầy Tèo”
Sáng 25-10, bác sĩ Lê Hữu Dư - Trưởng khoa cấp cứu bệnh viện đa khoa Kiên Lương - cho biết có nghe thông tin bệnh nhân H.V.T. (50 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) trước khi nhập viện và tử vong sáng cùng ngày có điều trị ở nhà ông Lê Hữu Hiệp (tức “Thầy Tèo”).Cũng theo bác sĩ Dư, trước đó ngày 12-9 có một trường hợp bệnh nhân tên Nguyễn Gái Sáu (50 tuổi, ngụ ấp Bãi Nam, xã Hòn Nghệ, Kiên Lương) nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng ổ bụng. Bệnh viện Kiên Lương đã quyết định chuyển lên tuyến tỉnh.Tuy nhiên sau đó người nhà tự ý đưa bệnh nhân đến nhà “Thầy Tèo”, sau đó đưa trở lại bệnh viện Kiên Lương thì tử vong sau khi phẫu thuật do nhiễm trùng quá nặng.Cả hai trường hợp này, ông Hiệp đều phủ nhận từng điều trị. Riêng trường hợp bà Gái Sáu, chính quyền ấp Bãi Nam xác nhận người nhà có chở đến nhờ ông Hiệp điều trị nhưng ông này từ chối.
Theo Tuổi Trẻ Online
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo