Tin tức - Sự kiện

Thẻ căn cước: Đừng gây phiền hà cho dân

Chiều 28-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật căn cước công dân, nhiều đại biểu băn khoăn về khả năng gây phiền hà lớn cho dân nếu không quy định cụ thể.

Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong - Ảnh: Hoàng Nam

Theo dự thảo, thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân VN có giá trị chứng minh về căn cước, số định danh cá nhân và các thông tin khác của người được cấp thẻ trong các giao dịch có liên quan trên lãnh thổ VN. Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn dự thảo luật.
 
Không khắc phục được bất cập phát sinh
 
Bày tỏ sự băn khoăn về giá trị sử dụng thẻ, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nói: “Luật này dự kiến có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2016. Bên cạnh đó, chứng minh nhân dân (CMND) được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.
 
Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ CMND được tiếp tục sử dụng đến đầu năm 2020. Nghĩa là chúng ta có một giai đoạn chuyển tiếp năm năm, trong giai đoạn chuyển tiếp đó sẽ tồn tại cả CMND và thẻ căn cước công dân, vấn đề là dự thảo luật không quy định rõ mối liên hệ giữa các loại giấy tờ này”.
 
Từ phân tích nêu trên, ông Cường cho rằng dự thảo luật đã không khắc phục được bất cập phát sinh trong thời gian vừa qua, khi cơ quan chức năng thí điểm trên diện rộng việc sử dụng CMND 12 số thay cho CMND 9 số.
 
“Khi CMND hết hạn hoặc bị mất, xin cấp mới thì cơ quan quản lý sẽ cấp sang thẻ căn cước công dân, không cấp CMND nữa. Tuy nhiên, các giao dịch đã ký kết thì lại theo CMND cũ. Như vậy là rất bất cập cho nhân dân khi thực hiện các giao dịch liên quan đến ngân hàng, bất động sản. Những vấn đề này cần được quy định cụ thể để làm rõ trong dự thảo luật, nếu không sẽ gây phiền hà lớn cho nhân dân” - ông Cường nói.
 
Ông Cường cũng cho rằng việc quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nội dung quan trọng, tuy nhiên dự thảo luật chưa làm rõ tính chất pháp lý của các thuật ngữ như “khai thác”, “sử dụng” và chưa đảm bảo tính minh bạch cần thiết.
 
Ngân sách cùng lúc đầu tư cho nhiều cơ sở dữ liệu
 
Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho rằng dự án luật chưa có đánh giá cụ thể về bộ máy biên chế và khả năng ngân sách để đảm bảo tính khả thi của quy định nêu trên.
 
Cũng theo ông Phong, một trong những bất cập lớn nhất hiện nay là ngân sách nhà nước phải cùng lúc đầu tư cho việc xây dựng nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau, như hộ tịch, hộ chiếu, CMND, lý lịch tư pháp...
 
Thông tin về một người dân là đối tượng quản lý của nhiều hệ thống khác nhau, luôn tồn tại nhu cầu tăng biên chế của các cơ quan quản lý dân cư, trong khi khả năng tích hợp thông tin để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn dữ liệu lại chưa có.
 
Đa số đại biểu thảo luận tại hội trường đề nghị không nên cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi, vì thông tin nhân dạng của công dân dưới 14 tuổi (khuôn mặt và vân tay) chưa ổn định.
 
Đối với người chưa đủ 14 tuổi thì cấp giấy khai sinh như hiện nay và quy định trong Luật hộ tịch.
 
Một số đại biểu đánh giá cao việc dự thảo luật đã quy định thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu (trong trường hợp VN và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau). Từ quy định này, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề nghị trên thẻ căn cước công dân cần có ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh cho trường hợp được sử dụng thay hộ chiếu.
 
Không đồng ý bỏ giấy khai sinh
 
Trong khi đó, điểm đồng nhất trong các ý kiến tại buổi thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hộ tịch tại Quốc hội sáng 28-10 là cần phải cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi chào đời, và không đồng ý phương án bỏ giấy khai sinh thay bằng thẻ căn cước công dân.
 
Ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, giải thích thêm: “Giấy khai sinh có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước. Hơn nữa, việc cấp giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc nên không cần thiết thay đổi”.
 
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cũng cho rằng việc tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em còn phù hợp với Công ước về quyền trẻ em mà VN là nước thứ hai tham gia ký công ước.
 
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đã dẫn chứng lại vụ việc nuôi dạy trẻ bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề xôn xao dư luận vừa qua. Tại đây có đến 80 trẻ em chưa có giấy khai sinh, ảnh hưởng đến thủ tục pháp lý khi nhận con nuôi.
 
“Vấn đề đặt ra là cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm 80 trẻ em đó. Bởi nếu đối chiếu với dự thảo Luật hộ tịch thì rất chung chung, không chỉ ra ai sẽ phải bồi thường hay chịu trách nhiệm về sự “vô danh” của những đứa trẻ này” - đại biểu Nguyễn Thanh Hải băn khoăn.
 
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng thông tin hiện cả nước có 1.133 trẻ em đang được nuôi dưỡng trong các cơ sở tôn giáo. Nhưng chưa ai thống kê được có bao nhiêu em chưa được đăng ký khai sinh và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm về việc này.
 
“Phải suy nghĩ nghiêm túc vì chính vướng mắc này đã ảnh hưởng đến quyền có một mái ấm như bao trẻ em khác của các cháu” - đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị.
 
Tiến tới bỏ sổ hộ khẩu
 

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật căn cước công dân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định cấp thẻ căn cước công dân gắn với cấp số định danh cá nhân và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, trong đó có việc bỏ sổ hộ khẩu. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý cư trú, dự thảo luật đã quy định thông tin về nơi thường trú của công dân là thông tin được ghi trên thẻ căn cước công dân, nên khi công dân có thay đổi về nơi thường trú thì phải thông báo và làm thủ tục đổi thẻ căn cước công dân. 

 Ý kiến cử tri

 
Lời hứa với cử tri đâu rồi?
 
Tôi hoàn toàn tán thành nội dung bài “Điều cử tri muốn biết” của tác giả Nguyễn Thiện trong chuyên mục Ý kiến cử tri đăng trên Tuổi Trẻ ngày 27-10. Đúng là trong rất nhiều kỳ họp Quốc hội, không rõ một số đại biểu Quốc hội có thực sự chuyển tải nguyện vọng của cử tri địa phương mình lên Quốc hội hay không và chuyển tải như thế nào vì thật sự rất ít khi hoặc chẳng bao giờ thấy quý vị phát biểu.
 
Đặt vấn đề như vậy bởi trước mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội địa phương đều có những cuộc tiếp xúc cử tri.
 
Tại các cuộc tiếp xúc này, qua truyền thông địa phương, người dân nói chung nhận thấy rất nhiều vấn đề vướng mắc, tồn đọng ở địa phương mình đều được các đại biểu Quốc hội tiếp thu và hứa “sẽ tập hợp, phản ảnh lên Quốc hội tại kỳ họp sắp tới”.
 
Thế nhưng thực tế qua theo dõi kỳ họp, cử tri không thấy những nguyện vọng, nội dung mình phản ảnh được đại biểu tỉnh nhà đề cập, thậm chí có nhiều đại biểu suốt nhiều kỳ họp chẳng hề phát biểu, chất vấn gì.
 
KTS LÊ CÔNG SĨ (Trà Vinh)
Gắn “hộp đen” cho từng bàn đại biểu
 
Đại biểu Quốc hội do nhân dân bầu ra để thực hiện quyền lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát các cơ quan hành pháp, tư pháp trong việc thực thi pháp luật.
 
Do đó, đại biểu Quốc hội phải chịu sự giám sát của cử tri, có như vậy mới thể hiện quyền lực là của nhân dân, vì mỗi khi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri lắng nghe ý kiến phản ảnh của cử tri trước và sau khi dự họp Quốc hội.
 
Nhưng có khi cả nhiệm kỳ không thấy đại biểu mình bầu phát biểu câu nào, cử tri không biết khi dự họp Quốc hội đại biểu của mình hoạt động ra sao lúc không có truyền hình trực tiếp. Đó là lý do chính đáng cử tri muốn biết.
 
Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 này có ý nghĩa quan trọng, là kỳ họp đầu tiên của ngôi nhà Quốc hội uy nghi, xứng tầm của cơ quan quyền lực cao nhất. Việc cử tri đòi hỏi “tầm” của từng đại biểu Quốc hội khi ngồi trên ghế nghị trường của ngôi nhà quyền lực này đến lúc phải cao hơn. Nhưng làm sao cử tri “muốn biết”?
 
Điều này cũng không khó lắm, ngôi nhà Quốc hội đầu tư to đẹp như thế thì hãy tiếp tục đầu tư phần mềm quản lý đại biểu ở nghị trường, vì mỗi đại biểu ngồi ở vị trí một ghế, xếp số cố định cả nhiệm kỳ, khi nào đại biểu vắng thì bỏ ghế trống, gắn “hộp đen” cho từng bàn đại biểu, khi đại biểu phát biểu, bấm nút biểu quyết... đều lưu lại, đồng thời kết nối “hộp đen” với Cổng thông tin của Quốc hội thì cử tri dễ dàng giám sát đại biểu của mình và biết được đại biểu phát biểu bao nhiêu lần trong nhiệm kỳ.
 

Lê Lưỡng (Tiền Giang) 

 Còn e ngại, sợ đụng chạm

 
Qua các kỳ họp Quốc hội, tôi vẫn thấy còn có đại biểu Quốc hội chưa có ý kiến, chất vấn đến tận cùng những vụ việc, những vấn đề mà nhân dân, cử tri đã và đang bức xúc.
 
Nhiều cử tri cho rằng những chất vấn của một số đại biểu Quốc hội trong các kỳ họp vẫn còn mang nhiều tính hình thức hoặc còn e ngại, sợ đụng chạm đến những vấn đề “nhạy cảm” mà không đi đến tận cùng những bức xúc của cử tri.
 
Chính vì những lẽ đó, đôi lúc những cử tri quan tâm đến thời cuộc và quan tâm đến chương trình nghị sự của Quốc hội như tôi đôi lúc phân vân và chưa thật sự tin tưởng vào vai trò phản biện của người đại biểu dân cử mà chính mình tin tưởng bầu ra để đại diện quyền lợi, tiếng nói cũng như mong muốn của cử tri...
 
Hàng triệu cử tri như tôi rất cần và rất mong có nhiều những vị đại biểu Quốc hội tận tâm đối với những vấn đề dân sinh xã hội cũng như những quan tâm, bức xúc của cử tri.
 
Nguyễn Đước (TP.HCM)
Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo