Tin tức - Sự kiện

Thể thao Bản quyền truyền hình V.League: Vẫn đang “mơ ”

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú chia sẻ, khi ông chào hàng gói bản quyền truyền hình tới các nhà đài thì họ lắc đầu. Trong khi đây lại là khâu kiếm tiền quan trọng ở bất cứ giải đấu nào trên thế giới.

Giấc mơ kiếm hàng trăm tỉ

Trong những mùa giải vừa qua, bản quyền truyền hình giữa VPF, đơn vị tổ chức giải và các đài được tiến hành theo phương thức “hàng đổi hàng”, tức là các đài không phải trả phí bản quyền truyền hình mà trả lại đơn vị tổ chức giải 15 phút quảng cáo để VPF thực hiện quyền lợi với các nhà tài trợ. Thực trạng này là khá “phũ phàng” cho giấc mơ xưa của VPF.

Lần giở quá khứ thì bản quyền truyền hình V.League bắt đầu được bán từ năm 2005, với giá trị hợp đồng gần như chỉ mang tính tượng trưng, được ký giữa VFF và VTV. Đến cuối năm 2010, bản quyền truyền hình của V.League bỗng dưng “lên đời” sau khi AVG ngỏ lời mua với thời hạn 20 năm. Giá bản quyền truyền hình V.League ở mùa đầu tiên năm 2011 mà AVG mua là 6 tỉ đồng và theo hợp đồng được ký kết thì mỗi năm giá trị hợp đồng sẽ lũy tiến, tăng 10%. Theo kế hoạch, tới năm cuối của bản hợp đồng trên, năm 2020, giá trị bản quyền truyền hình V.League sẽ là 12 tỉ đồng.

Việc truyền hình trực tiếp các trận đấu V.League mùa này không những không tăng giá trị mà còn chưa biết sẽ như thế nào Ảnh. Tuấn Tú.

Tuy nhiên, khi đó không chỉ có AVG mới nhìn xa, trông rộng, mới có ý tưởng đón đầu một thị trường giàu tiềm năng như Bóng đá Việt. Làn sóng đổi mới của doanh nhân mà người khởi xướng là bầu Kiên chắc cũng nhìn thấy điều đó nên đã dẫn đến sự ra đời của VPF ngay trong năm 2011. Sau nhiều tranh cãi om sòm, VPF đã lấy lại hợp đồng bản quyền truyền hình V.League từ AVG với cam kết VPF sẽ khai thác được tối thiểu 50 tỉ đồng mỗi năm từ bản quyền truyền hình. Thậm chí, nhóm bầu Kiên khi đó còn hướng đến cái đích 100 tỉ đồng ở năm 2013 và 300 hay 500 tỉ đồng vào những năm sau nữa. Theo kế hoạch, bầu Kiên sẽ mời 10 doanh nghiệp hàng đầu như ngân hàng ACB, Vinamilk, Techcombank... vào Hội đồng bảo trợ Bóng đá Việt Nam, các doanh nghiệp này sẽ chi khủng để đổi lấy quảng cáo trên truyền hình.

Thế nhưng không ai học được chữ “ngờ”, kế hoạch của bầu Kiên mới đang bắt đầu thì ông vướng vòng lao lý. Hội đồng bảo trợ tan vỡ kéo theo đó là sự phá sản của kế hoạch kiếm hàng trăm tỉ bản quyền truyền hình mỗi mùa của V.League.

Đời không như là “mơ”

Vừa tiếp quản VPF, ông Trần Anh Tú ngay lập tức đã phải lao vào bài toán kiếm tiền cho VPF. Sau khi “chào hàng” tới các đài, ông Tú chỉ nhận được cái lắc đầu cùng lời giải thích là giải đấu như thế thì làm sao bán được bản quyền truyền hình? Mà quả tình, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng mùa nào V.League cũng tràn lan trên mặt báo cùng những hình ảnh xấu xí như bạo lực, hay các hành vi phi văn hóa. Thế nên: “Tôi đọc báo thấy giải VĐQG của Malaysia bán được bản quyền truyền hình mấy chục triệu USD. Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng nghĩ lại V.League thì thấy thật tủi thân. Tôi đi chào mời các Đài truyền hình thì họ lắc đầu nguây nguẩy. Tôi cũng bị sức ép đàm phán về bản quyền truyền hình rất nhiều”, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú chia sẻ. Sau bài học đầu tiên đau đớn này, ông Tú rút ra rằng muốn giải đấu bán được bản quyền truyền hình thì tất cả các bộ phận tham gia phải cùng quyết tâm làm cho giải đấu ngày càng đẹp hơn, thu hút được khán giả tới sân.

Tuy nhiên, tình trạng bản quyền truyền hình mùa giải năm nay có vẻ còn “bi đát” hơn cả những mùa trước vì không chỉ khó bán, V.League mùa này còn đứng trước nguy cơ không được truyền hình trực tiếp trên VTV. Nguyên nhân là do tranh chấp giữa VPF và Công ty Next Media, đơn vị sản xuất V.League theo hợp đồng với VPF. Ở nhiệm kỳ trước, hợp đồng giữa hai bên đã được ký kết. Tuy nhiên đến nhiệm kỳ này thì giữa hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Đại diện VTV cho biết dù luôn ủng hộ V.League nhưng mọi chuyện cần thực hiện đúng quy định. VTV đã gửi công văn tới VPF và Next Media để đề nghị làm việc với nhau, giải quyết vụ việc. VTV sẽ không thể tường thuật khi bên nào cũng nhận có bản quyền.

 

Thế là bản quyền truyền hình V.League không những không có thêm giá trị ở mùa giải mới mà còn đứng trước nguy cơ mất trắng. 

Nên đọc
Theo Báo Văn hóa
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo