Thêm 16 giải VĐQG chốt ngày trở lại
Báo Thái: "V-League trở lại sớm để ủng hộ đội tuyển Việt Nam" / Arsenal, Chelsea và những đối thủ Real Madrid chưa bao giờ thắng
Thời gian qua, tình hình đại dịch Covid-19 ở châu Âu xuất hiện những tín hiệu khả quan và một số nước được cho rằng đã bước qua đỉnh dịch. Trên khắp cựu lục địa, nhiều quốc gia bắt đầu nới lỏng hoặc dỡ bỏ việc cách ly xã hội. Nhờ thế, thể thao nói chung và bóng đá nói riêng đã có cơ hội thoát khỏi tình trạng đóng băng.
Theo thống kê, ngoài Belarus vốn vẫn duy trì việc thi đấu của giải VĐQG suốt thời gian qua và Đức bắt đầu đá tiếp vào hôm nay, thì đã có 16 nước châu Âu khác chốt được ngày thi đấu trở lại của các giải bóng đá chuyên nghiệp. Đó là Albania, Áo, Bulgaria, Croatia, Đan Mạch, Phần Lan, Hungary, Iceland, Israel, Montenegro, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, CH Czech, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ. Tất nhiên, các trận bóng đá hiện mới chỉ được diễn ra trở lại trên những sân vận động không khán giả song chỉ cần như vậy thôi cũng đã là quá mừng cho những người yêu mến túc cầu giáo rồi.
Con số 15 giải VĐQG xác định được ngày bóng lăn trở lại trong thời gian tới có thể sẽ tăng lên nữa. Bởi hiện tại, đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan mới. Chẳng hạn, ở Italia thì BTC Serie A cũng đã nhận được 16 trên tổng số 20 phiếu thuận của các CLB cho phương án thi đấu nốt phần còn lại của mùa này kể từ ngày 13/6. Được biết, 4 đội phản đối không từ chối việc ra sân trở lại. Họ chỉ muốn lùi ngày tái xuất thêm 1 tuần nhằm có đủ thời gian chuẩn bị thể lực cho việc tranh tài. Khác biệt, vì thế, không quá lớn và chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc trái bóng Serie A sẽ lăn trở lại vào giữa tháng 6 này.
Tại Anh, khúc mắc ngăn cản phương án thi đấu trở lại vào ngày 12/6 chủ yếu nằm ở việc nhiều đội không muốn đá trên sân trung lập. Việc này, về lý thuyết, vẫn có thể dàn xếp được và theo nhiều chuyên gia, khả năng các CLB Premier League hoàn tất mùa bóng này khá sáng sủa.
Trong bối cảnh ấy, có thể thấy dường như các nhà tổ chức tại giải VĐQG Bỉ, Pháp, Hà Lan và Luxemburg đã tương đối vội vàng khi đưa ra quyết định không thi đấu nốt hoặc tệ hơn là hủy luôn mùa bóng. Những quyết định này đang kéo theo những hệ lụy lớn về mặt thể thao mà việc một số đội bóng tại Pháp, như Lyon chẳng hạn, kiện BTC Ligue 1 để đòi quyền lợi là ví dụ.
Theo nhà sử học Allan Brandt của Đại học Harvard (Mỹ) thì các đại dịch thường kết thúc theo 2 cách: một là về mặt y tế, khi mà tác nhân gây bệnh bị biến đổi và trở nên lành tính hơn; và hai là về mặt xã hội, khi con người quá mệt mỏi với nỗi sợ bệnh tật và chấp nhận học cách sống chung với nó (như với HIV chẳng hạn). Thế nên, trong khi chưa biết bao giờ mới tìm ra vaccine chống lại Covid-19 thì việc sân cỏ châu Âu dần tìm cách thích nghi và tổ chức lại các trận đấu, âu cũng là điều hợp logic.
End of content
Không có tin nào tiếp theo