Thêm nhiều “đại gia” cà phê Tây Nguyên chết chìm vì nợ
Nợ nần chồng chất
Công ty cổ phần Đầu tư - Xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột) là đơn vị xuất khẩu cà phê lớn nhất tỉnh Đắc Lắc trong niên vụ 2010 – 2011, với hơn 93.000 tấn cà phê nhân, kim ngạch xuất khẩu 189 triệu USD. Tuy nhiên, số nợ quá hạn của công ty này với 8 ngân hàng trên địa bàn hiện đã lên tới 1.600 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, Vinacafe Buôn Ma Thuột hiện còn là bị đơn của một vụ kiện tranh chấp hơn 18.000 tấn cà phê nhân, mà nếu thua kiện, Công ty sẽ phải trả hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản của Vinacafe Buôn Ma Thuột (gồm kho bãi, bất động sản, đoàn xe tải Hino 55 chiếc…) được các ngân hàng nhận thế chấp định giá chỉ hơn 1.200 tỷ đồng.
Một “đại gia” cà phê khác ở Đắc Lắc là Công ty cổ phần Đầu tư - Xuất nhập khẩu Đắc Lắc (Inexim Đắc Lắc) cũng đang nợ khoảng 350 tỷ đồng. Sau khi chuyển thành công ty cổ phần vào năm 2007, Inexim Đắc Lắc đã tăng vốn điều lệ lên gấp đôi (70 tỷ đồng) và là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tham gia thị trường cà phê kỳ hạn, với doanh thu mỗi năm gần 1.000 tỷ đồng.
Nhưng chỉ vài năm sau, hoạt động kinh doanh cà phê của công ty này liên tiếp thua lỗ. Tính đến tháng 4/2011, Inexim Đắc Lắc lỗ lũy kế hơn 80 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ còn 3,6 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả lên tới 365 tỷ đồng. Số nợ này chiếm đến 99% tổng tài sản và gấp 10 lần nguồn vốn chủ sở hữu của công ty. Vì thế, nếu bán hết tài sản thì công ty này cũng không đủ để trả những món nợ khổng lồ đó.
Bi đát không kém, Công ty TNHH Trúc Tâm (thị xã Buôn Hồ, Đắc Lắc) đã phải ngừng hoạt động từ năm 2011, giám đốc Công ty bỏ trốn ra nước ngoài, để lại khoản nợ hàng chục tỷ đồng.
Còn tại Lâm Đồng, Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Đà Lạt (Vinacafe Đà Lạt) đã được Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định thua lỗ 99 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 60 tỷ đồng.
Vì đâu nên nỗi?
Theo các chuyên gia kinh tế, ở Lâm Đồng, việc các “đại gia” cà phê ở Tây Nguyên lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất như hiện nay đã được cảnh báo từ trước. Tình hình sản xuất, kinh doanh của các công ty này đã đình trệ từ nhiều năm trước, nhưng doanh nghiệp không có những điều chỉnh chính sách kịp thời, hợp lý để thích ứng với thị trường.
Trong bối cảnh kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng Vinacafe Buôn Ma Thuột vẫn đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng Tổng kho Ngoại quan tại Khu công nghiệp Hòa Phú (Đắc Lắc), với diện tích hơn 175.000 m2. Dự án đã hoàn thành vào giữa năm 2011, nhưng mới đây, Tổng cục Hải quan đã chấm dứt hoạt động của Tổng kho này do không đưa vào sử dụng sau 6 tháng hoàn thiện.
Tương tự, tại Vinacafe Đà Lạt, việc đầu tư cũng lãng phí không kém, khi xây dựng nhà máy chế biến cà phê công suất 100.000 tấn/năm, trong khi quy mô hoạt động chỉ 60.000 tấn/năm…
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, ngoài nguyên nhân yếu kém về quản trị kinh doanh, thì nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp cà phê cũng rất hạn chế, khi vốn hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vay ngân hàng. Với thực tế kinh doanh không hiệu quả của các doanh nghiệp cà phê, các ngân hàng rất e ngại cho vay và thường không cung đủ vốn theo nhu cầu của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp không dễ gì có đủ vốn kinh doanh. Hơn nữa, nếu có vay được tiền, doanh nghiệp phải trả lãi suất quá cao, trong khi kinh doanh không hiệu quả, nên gánh nặng nợ nần ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, theo ông Võ Thanh, giám đốc Sở Công thương Đắc Lắc, nguyên nhân khác dẫn đến việc thua lỗ của các công ty cà phê là không nắm bắt được thông tin, nghiệp vụ kinh doanh non kém khi tham gia thị trường cà phê kỳ hạn. “Việc áp dụng phương thức bán lùi và thanh toán không phù hợp với diễn biến thị trường đã để cho mạng lưới các cơ quan đại diện và môi giới dẫn dắt, chi phối giá cả…”, ông Thanh nhấn mạnh.
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết