Thêm nhiều đại gia Châu Á sẽ đặt đại bản doanh ở Việt Nam
Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn tại Đông Nam Á sẽ có sức hút đầu tư lớn.
Tìm “địa chỉ đỏ”
Một báo cáo mới đây của các tổ chức tư vấn quốc tế về bất động sản cho thấy, tầng lớp trung lưu châu Á sẽ tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm, từ 525 triệu người vào năm 2009 đến hơn 1,7 triệu người vào năm 2020.
Trong đó, các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, và Indonesia được dự đoán sẽ nằm trong tốp 10 thị trường tiêu thụ bán lẻ toàn cầu.
Báo cáo này cho biết, các nhà bán lẻ quốc tế, chủ yếu là các thương hiệu thời trang, đang tiếp tục tận dụng bối cảnh tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng để đầu tư và mở rộng hoạt động ồ ạt trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Động thái này bất chấp những quan ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế và doanh thu bán lẻ đang chậm lại, đặc biệt tại Trung Quốc, số lượng doanh nghiệp bán lẻ vẫn không ngừng tăng lên.
Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore vẫn là điểm sáng nhất thu hút đầu tư, trong khi Đài Loan và Seoul (Hàn Quốc) là hai thị trường sôi động nhất toàn cầu cho các nhà bán lẻ đầu tư vào.
Jonathan Hsu, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu, CBRE châu Á – Thái Bình Dương, tiết lộ, các thị trường mới nổi tại khu vực Đông Nam Á, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn tại Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ có sức hút đầu tư lớn.
Bởi vì, theo phân tích của ông Hsu, nhu cầu hàng tiêu dùng đang tăng cao cộng với việc nới lỏng các điều luật cho nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năm sau.
“Việc xây dựng trung tâm mua sắm hiện đại giúp cho các nhà bán lẻ có thêm nhiều sự lựa chọn khi đầu tư vào những thị trường kể trên”, ông Hsu bình luận.
Theo ông Hsu, xu hướng trên sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2015, tuy nhiên các nhà bán lẻ cần thận trọng hơn.
“Các nhà bán lẻ quốc tế có khuynh hướng mở rộng đến các thành phố loại hai trong khu vực sau khi đã củng cố sự hiện diện của mình tại các thủ đô hoặc thành phố loại một”, ông Hsu nhấn mạnh.
Về các loại hình bán lẻ, chuyên gia CBRE dự đoán rằng các thương hiệu lớn sẽ nhắm đến các thị trường đông dân cư như Trung Quốc và Ấn Độ để mở rộng hoạt động vào năm 2015.
Các nhà bán lẻ của phân khúc hàng cao cấp sẽ tập trung vào các thị trường phát triển như Nhật Bản, Singapore và Hồng Kông, trong khi Trung Quốc không nằm trong danh mục ưu tiên vì chiến dịch chống tham nhũng vẫn chưa hoàn thiện. Các thương hiệu cầu nối sẽ tập trung vào các thị trường phát triển hơn, bao gồm Nhật và Hàn Quốc.
Phải đổi khẩu vị
Các chuyên gia kinh tế ngoại cho rằng, bối cảnh thị trường bán lẻ trong năm 2015 và các năm tiếp theo sẽ là thách thức lớn cho các nhà bán lẻ.
Nhất là với các nhà bán lẻ Việt Nam, muốn phát triển trong bối cảnh mới, các chủ đầu tư cũng cần phải có chiến lược mới.
Bởi lẽ, các nghiên cứu đều cho thấy, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những điểm đến ưa thích của dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ.
Một điểm đáng chú ý nữa khiến nhà đầu tư "mê mẩn" với việc đặt cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam chính là dựa vào "cú hích" về khía cạnh pháp lý.
Theo đó, Việt Nam sẽ hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ vào tháng 1/2015 theo quy định của WTO.
Bên cạnh đó, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Việt Nam đã cho giảm mức thuế nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN xuống còn 0% cho 10.000 loại hàng hóa chịu thuế.
Đồng thời, Hiệp định Thương mại tự do với EU dự kiến sẽ sớm được ký kết và có hiệu lực; Bộ điều khoản của Cộng đồng kinh tế ASEAN dự kiến cũng được hoàn thành vào năm 2015.
Mặc dù đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các nhà bán lẻ quốc tế và hàng hóa gia nhập thị trường Việt Nam nhưng đồng thời cũng sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh lên các nhà bán lẻ trong nước với các trung tâm thương mại đầu tư bởi nhà đầu tư nước ngoài có mô hình hiện đại, đã được kiểm chứng.
Sebastian Skiff, Giám đốc điều hành Dịch vụ Bán lẻ nhận định, các nhà bán lẻ sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách, bao gồm chi phí vận hành tăng cao, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn, càng làm cho mức độ cạnh tranh của thị trường tăng cao.
Cũng theo ông Skiff, các nhà bán lẻ sẽ phải nâng cao các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, đối sách cạnh tranh và kế hoạch chiến lược vì môi trường bán lẻ đang dần trở nên cạnh tranh hơn.
“Các nhà bán lẻ cũng nên tập trung rà soát danh mục đầu tư và hợp nhất mặc dù họ đang chú ý đến bất động sản hoàn thiện và các địa điểm thu hút đầu tư trên thị trường”, Sebastian Skiff cho biết.
Theo Skiff, mức độ cạnh tranh cao là điều hiển nhiên trong các trung tâm mua sắm, nơi mà các chủ đầu tư sẽ phải sử dụng hàng loạt chiến lược để đảm bảo rằng họ vẫn thu hút được người tiêu dùng và người thuê.
“Nhà bán lẻ sẽ tạo được ấn tượng tốt nhờ vào vị trí đắc địa của trung tâm mua sắm và danh tiếng của chủ đầu tư, đặc biệt khi họ mở rộng sang khu vực hoặc thị trường mới”, ông Skiff nói.
CBRE khuyến nghị, các chủ đầu tư nên tích hợp “Bán lẻ và Giải trí”. Ngoài việc cung cấp sự kiện, trình diễn và triển lãm, các chủ đầu tư cần chủ động hơn trong việc quản lý các đối tác thuê và đổi mới các cung cấp cho khách hàng bằng cách kết hợp nhiều yếu tố trải nghiệm như khu ăn uống, rạp chiếu phim, khu trượt băng, bowling, sân chơi trẻ em và công viên dành cho thú cưng.
Đồng thời, chủ đầu tư nên hiểu rõ khách hàng mục tiêu của các đối tác đang thuê hoặc các đối tác tiềm năng, kết hợp mục tiêu kinh doanh của người thuê vào chiến lược phát triển toàn diện.
Từ đó, đưa ra phương án bán lẻ độc đáo,các sản phẩm được thiết kế theo yêu cầu riêng và các sự kiện quảng bá theo chủ đề có thể gia tăng độ nhận biết của khách hàng.
Theo Bizlive
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cột tin quảng cáo