Thí điểm đổi giấy phép lái xe qua mạng
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải Hà Nội và TPHCM về việc chuẩn bị thí điểm đổi giấy phép lái xe qua mạng trên địa bàn hai thành phố.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng và tổ chức thí điểm Dịch vụ công cấp độ 3 đổi Giấy phép lái xe (đổi giấy phép lái xe qua mạng –PV) từ 1/12/2014 và dự kiến tập huấn, chuyển giao cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội và TPHCM từ quý I/2015.
Để dự án triển khai có hiệu quả khi tổ chức thí điểm tại 2 Sở, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội và TPHCM xem xét, đánh giá lại hệ thống trang thiết bị đã có; có kế hoạch bổ sung nâng cấp trang bị hệ thống thiết bị như máy chủ, máy tính trạm, thiết lập đường truyền mạng; kinh phí tổ chức thực hiện dự án; mua sắm thêm (nếu cần) máy in cá thể giấy phép lái xe, máy phủ, máy ảnh phù hợp với nhu cầu của địa phương theo danh mục, báo cáo về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 15/1/2014.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu hai Sở Giao thông vận tải lựa chọn tối thiểu 2 cán bộ am hiểu công nghệ thông tin hoặc chuyên ngành tương tự, có kinh nghiệm thực tiễn, bảo đảm làm việc lâu dài trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi và quản lý sử dụng giấy phép lái xe tham dự tập huấn để triển khai, quản lý sau này tại Sở Giao thông vận tải.
Các Sở Giao thông vận tải chủ động phối hợp với nhà thầu tích cực, tập trung phân tích nhu cầu thực tế của địa phương, của người dân khi áp dụng hệ thống phần mềm đổi giấy phép lái xe qua mạng bảo đảm tiến độ của dự án như: tổ chức đổi GPLX tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn; đổi GPLX tại một địa điểm nhưng nhiều trạm giao dịch . . .
Theo quy trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, để thực hiện việc đổi GPLX, người dân chỉ cần khai báo thông tin trên mạng, đặt lịch đến hoàn thiện thủ tục và chờ tối đa 2 giờ là có thể nhận GPLX mới.
Thủ tục cấp, đổi GPLX điện tử gồm: khai báo thông tin theo biểu mẫu của Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT như: Tên tuổi, nơi cư trú, số CMND, số GPLX, xác nhận có giấy khám sức khỏe đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, người khai hồ sơ cung cấp số điện thoại di động và thư điện tử (email) để cơ quan cấp đổi tiện liên lạc.
Sau khi đã điền đầy đủ thông tin, hệ thống sẽ xác nhận hồ sơ có đầy đủ hay không. Nếu được xác nhận, người dân sẽ được cấp một mã số tương tự như vé máy bay hay tàu hỏa để đặt lịch hẹn.
Khi đến hoàn thiện hồ sơ, người dân sẽ nộp hồ sơ gốc theo qui định để cán bộ nghiệp vụ đối chiếu. Nếu đầy đủ theo đăng ký trên hệ thống, không có gì sai sót, cơ sở cấp đổi sẽ chuyển sang duyệt in và chỉ mất từ 1 - 2 giờ là người làm thủ tục có thể nhận GPLX mới. Hiện nay người dân phải 2 lần đến nơi cấp đổi GPLX để làm thủ tục nên mất nhiều thời gian.
Trước đó, từ ngày 1/12/2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành thí điểm thực hiện đổi giấy phép lái xe (GPLX) điện tử qua mạng cho người dân có nhu cầu tại Tổng cục Đường bộ. Việc thí điểm này được người dân đồng tình vì tính nhanh gọn, đỡ mất thời gian chờ đợi và đi lại nhiều lần như trước kia.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mức lệ phí khi thực hiện việc đổi GPLX qua mạng vẫn giữ ở mức 135.000 đồng/GPLX như hiện nay. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đang cân nhắc việc thực hiện dịch vụ nhắn tin (SMS) để đặt lịch hẹn cho người dân để tránh trường hợp gửi qua email có thể bị chậm do nhiều lái xe, nhất là lái xe chuyên nghiệp thường ở trên đường nhiều hơn là ở nhà hay văn phòng. Nếu thực hiện việc gửi tin nhắn lịch hẹn qua SMS, người dân sẽ phải chi phí thêm 2.000-3.000 đồng cho dịch vụ này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?