Thi tốt nghiệp THPT: Vì sao học sinh “quay lưng” với môn sử?
0% là tỉ lệ học sinh lựa chọn môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa được Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) công bố. Con số 0 tròn trĩnh khiến dư luận xã hội quan tâm đến việc giáo dục lịch sử nước nhà cho thế hệ trẻ cảm thấy buồn và thất vọng. Tại sao học sinh lại "lạnh nhạt" với môn sử, trong khi đây là một trong những môn khoa học xã hội căn bản của chương trình giáo dục phổ thông?
“Tôi không bất ngờ!”
Đó là khẳng định của PGS-TS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh - liên quan đến công bố mới đây về tỉ lệ học sinh chọn môn lịch sử tại trường ông là 0%. Đây là trường đầu tiên của Hà Nội công bố tỉ lệ học sinh tự chọn môn thi tốt nghiệp, không lâu sau khi Bộ GDĐT chốt phương án thi tốt nghiệp với hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn.
Kết quả được trường này công bố: Vật lý 75,6%, tiếng Anh 56,3%, hóa học 50,8%, địa lý có 11,4% và sinh học là 5,3%. lịch sử không nằm trong danh sách tự chọn. "Tôi không bất ngờ, vì lâu nay trường tôi tuyển đầu vào chủ yếu theo phân ban các khối A, D và B, học sinh học các môn xã hội để thi đại học rất ít tại đây.
Môn lịch sử là môn tự luận, việc học thi môn này so với các môn trắc nghiệm khác rõ ràng mất nhiều thời gian ôn thi hơn. Đây cũng là một trong những lý do khiến học sinh không mặn mà với việc lựa chọn thi môn học này"- nhà giáo Văn Như Cương cho hay.
Đến thời điểm này, chưa nhiều trường THPT công bố tỉ lệ thi các môn tự chọn, việc lựa chọn môn thi vẫn trong quá trình. Theo đánh giá của PGS-TS Đỗ Ngọc Thống - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT, tỉ lệ thi tốt nghiệp môn lịch sử sẽ có nhiều khả năng thấp nhất trong số các môn thi.
"Xu hướng của thi đại học là ngày càng tăng tỉ lệ thi môn khoa học tự nhiên, và giảm các môn khoa học xã hội. Học sinh thi ĐH, CĐ khối C trong những năm gần đây giảm rất nhiều, thay vào đó là các khối tự nhiên như A, B, D... Đây không chỉ là xu hướng của học sinh VN, tôi đã đi thực tế tại nhiều quốc gia phát triển và thấy rằng đây cũng là xu hướng chung của học sinh thế giới" - ông Đỗ Ngọc Thống nói.
Ông Thống cũng không tỏ vẻ bi quan trước kết quả dường như đã được báo trước này, bởi theo ông, tỉ lệ cao, thấp khác nhau tại các trường học cũng là lẽ thường tình, điều này tùy thuộc vào xu hướng chọn môn thi ĐH của học sinh. Ông cho biết thêm:
"Có thể cá nhân từng trường có tỉ lệ thi lịch sử cao thấp khác nhau, trường Lương Thế Vinh tỉ lệ thi môn học này thấp, nhưng tôi chắc chắn sẽ có không ít trường có tỉ lệ thi cao hơn. Xét bình diện chung cả nước, sẽ vẫn có một tỉ lệ nhất định với môn lịch sử.
Điều này khác hoàn toàn với cách thi trước đây, nếu năm nào quyết định bỏ thi môn học bất kỳ và luân phiên thay đổi, chắc chắn tỉ lệ thi môn học đó sẽ là 0% trên cả nước, như thế sẽ càng nguy hiểm hơn!".
0% của trường Lương Thế Vinh là "bằng chứng"
Thực tế mà nói, tỉ lệ "chết" 0% của trường Lương Thế Vinh chỉ là cái cớ, và cũng là "bằng chứng"để chứng minh môn lịch sử lâu nay vẫn là môn học kém hấp dẫn nhất trong chương trình giảng dạy phổ thông. Vì sao thế? Nhà giáo Văn Như Cương không ngần ngại khi khẳng định, đây là tình trạng đáng báo động về chất lượng sách giáo khoa, về chất lượng giảng dạy môn lịch sử.
Còn theo GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đừng vội "quy kết" rằng học sinh không quan tâm đến lịch sử nước nhà, không xem việc học môn lịch sử là trách nhiệm đối với môn học có tính căn bản.
Ông chia sẻ: "Nhiều học sinh không lựa chọn thi môn lịch sử không hẳn vì ghét, các em có tính toán nhất định và điều đó là hoàn toàn bình thường. Các môn tự nhiên dễ kiểm soát, tính định lượng cao, trong khi với các môn xã hội, kết quả thi dễ phụ thuộc vào chủ quan, hay đúng hơn là "gu" của người chấm. Nếu thi lịch sử theo kiểu trắc nghiệm, có lẽ tỉ lệ thi không đến nỗi "bi đát" như thế".
Tuy nhiên, ông Thuyết cho rằng quả tình nhiều học sinh cũng không hứng thú với môn lịch sử vì nội dung học thể hiện trong sách giáo khoa (SGK) quá khô khan và phương thức dạy học chưa sống động.
"Hạn chế lớn nhất chính là nhiều nội dung thể hiện trong SGK hiện nay vừa nặng nề, thiếu khách quan, lại không toàn diện bởi thiên về lịch sử chiến tranh quá nhiều mà bỏ quên các lĩnh vực khác như lịch sử văn hóa, kinh tế, xã hội... Chưa kể SGK lịch sử hiện nay còn bỏ qua một số sự kiện lịch sử quan trọng.
Điều đó khiến học sinh không hoàn toàn tin tưởng vào SKG môn học này. Tuy nhiên, lỗi không phải chỉ của người soạn SGK. SGK phải viết theo thông sử." - ông Nguyễn Minh Thuyết cho hay.
Để thay đổi tình thế, theo ông Nguyễn Minh Thuyết, trong chương trình đổi mới SKG sau 2015, SGK môn lịch sử cần điều chỉnh theo hướng giảm tải lượng kiến thức, cách viết hấp dẫn, sinh động hơn phù hợp với trình độ các cấp. Ngoài ra, cách giảng dạy môn học cần thay đổi theo hướng tăng cường thảo luận, tương tác với học sinh, tăng thời gian thực hành.
Và, để bản thân học sinh yêu thích tìm hiểu lịch sử nước nhà, nhất thiết cần sự hỗ trợ của các ngành nghệ thuật khác như điện ảnh, hội họa.... nhưng trước hết là cần sự đổi mới của các nhà nghiên cứu lịch sử.
Trần Hồng Hạnh, lớp 12A chuyên ban C trường THPT Thái Ninh (Thái Bình): Học môn sử sẽ hạn chế chọn ngành nghề ở đại học. Là “người trong cuộc” với môn lịch sử ở trường học, em rất hiểu môn lịch sử đang ngày càng có xu hướng bị lép vế so với các môn học khác. Điều này theo em chính là do cách đánh giá, cách dạy, cách học ở trường về môn sử chưa phù hợp, chưa cuốn hút, chưa thiết thực với học sinh. Hiện nay, môn sử vẫn bị coi là một môn học thuộc. Tình trạng thầy đọc trò chép cho kịp giáo án không phải chuyện hiếm. Mặc dù được giảm tải chương trình, nhưng các bài học lịch sử khô khốc với các sự kiện, ý nghĩa lịch sử, các dữ liệu vẫn không thể thu hút học sinh. Cách giảng dạy của các thầy cô vẫn còn khô cứng,chỉ dựa trên sách vở, ít gắn với các hoạt động thực tiễn như chiếu phim tài liệu, dẫn học sinh đi tham quan bảo tàng...Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng, đó là, hầu hết học sinh THPT đặt mục tiêu thi vào đại học. Môn sử chỉ bó hạn trong khối C, số trường ĐH thi khối này cũng ít, "khó đầu ra" nên ít thí sinh lựa chọn. Q.Sáng
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần: “Đây chính là điều cảnh báo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo”Có thể nói, tin 0% học sinh đăng ký thi môn sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Trường Lương Thế Vinh là một tin đau lòng, nhưng bản thân nó nói lên nhiều điều. Bởi học sinh không thể cứ phải học mãi những gì trong sách giáo khoa. Điều ngạc nhiên là chúng ta cứ bắt học sinh phải học theo sách. Thực tế, học trò không hề chán sử, nhưng lý do chính là vì sách giáo khoa được viết quá dở. Học trò không đăng ký thi sử, với tư cách là một người dạy sử, tôi còn vỗ tay hoan nghênh. Thế nhưng, những người viết sách giáo khoa không ý thức được sách của họ dở như thế nào, cứ thấy sách bán được (vì là sách giáo khoa nên học trò buộc phải mua) là yên tâm. Đây chính là lời cảnh báo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, để lưu ý về việc cần thiết viết lại toàn bộ sách giáo khoa. Trước đây, tôi từng nhiều lần đề nghị bỏ toàn bộ nội dung sách giáo khoa để viết lại. Và đặc biệt, phải cấm những người từng viết sách giáo khoa cũ tham gia. Bởi những gì được biên soạn, không chỉ riêng môn lịch sử, mà cả các môn khoa học xã hội khác đều rất cẩu thả. Nhưng cho đến nay, không ai chịu nghe. M.T ghi
Cô giáo Tạ Thị Ngọc Tú - giáo viên trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội): Học sinh không ghét lịch sử. Học sinh không quá ghét môn lịch sử, song có nhiều lý do khiến các em không lựa chọn thi môn này. So với các môn học trong trường THPT, môn lịch sử luôn bị so sánh, cạnh tranh với các môn khác và tỏ rõ sự yếu thế. Thuộc nhóm môn học xã hội, nhưng nếu như môn văn được coi là một trong những môn học chủ đạo và thí sinh bắt buộc phải thi, thì môn sử từ lâu chỉ được coi là những môn học phụ và không được đề cao, thậm chí bị cắt xén thời gian dạy để nhường cho môn học sẽ thi tốt nghiệp. Hơn nữa, nếu thi, môn lịch sử thường có thời gian 90 phút tự luận, sẽ mệt mỏi và khó lấy điểm hơn những môn khác. Cộng với việc nội dung lịch sử thường chứa đựng nhiều con số, các sự kiện diễn ra xuyên suốt nhiều cấp học nên học sinh có tâm lý ngại lựa chọn để thi. Trong khi đó, với các môn thi trắc nghiệm như vật lý, hóa học thì thời gian thi nhẹ nhàng và khá dễ lấy điểm. Cũng bởi môn học không được nhiều học sinh quan tâm, lựa chọn thi, nên so với những môn học khác như toán, văn, anh, môn lịch sử hầu như không có “đất” để dạy thêm. Cuộc sống của những giáo viên dạy lịch sử cũng có phần eo hẹp hơn, nhưng bản thân tôi luôn mong muốn làm sao có thể thay đổi được thực trạng này, thay đổi được cách nhìn nhận của người học với môn sử trong hệ thống các môn học, môn thi. Bình Minh ghi
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo