Tin tức - Sự kiện

Thị trường bán lẻ Việt Nam 2015: Những cuộc cạnh tranh khốc liệt ?

“ Thị trường bán lẻ Việt Nam là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng. Năm 2015, các doanh nghiệp nội cần phải tạo ra sự liên kết vùng, liên kết sản xuất – phân phối, phân phối – phân phối, bán buôn - bán lẻ…mới có thể cạnh tranh tốt trên thị trường” – ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định.

 Ông Vũ Vinh Phú-Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

 
Xin ông cho biết tình hình về thị trường bán lẻ của Việt Nam trong năm 2014 ?
 
Dễ dàng nhận thấy, năm 2014 là một năm hết sức sôi động của thị trường bán lẻ Việt Nam; Đặc biệt là trong hoạt động mua bán sáp nhập, liên kết, liên doanh…cả về sản xuất lẫn kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) bán lẻ như: Kinh Đô, Citimart, Metro… và mới nhất là Nguyễn Kim.
 
Trong năm 2014, hầu hết các DN nội đều có xu hướng co cụm, giữ vững vị trí của mình, ngoại trừ một số DN lớn là Co.opmart hay Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Thậm chí có một vài đơn vị rút địa điểm như: Fivimart rút toàn bộ các địa điểm phía Nam hay Intimex, Hapro cũng rút một vài địa điểm tại miền Bắc. Việc làm này nhằm củng cố lại về chất lượng kinh doanh, khẳng định thương hiệu. Còn riêng Co.opmart và Satra đều vẫn đang có thêm những địa điểm mới trong năm nay. Hiện giờ, Sài Gòn Co.opmart đã có trên 71 địa điểm bao gồm 29 siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh và mở rộng ra các tỉnh trên toàn quốc là 42 siêu thị, cùng với gần 100 cửa hàng tiện ích Co.op Food.
 
Còn đối với doanh nghiệp nước ngoài, ngoại trừ tập đoàn Walmart (Mỹ) đang trong giai đoạn thăm dò thì hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới đều đã gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam với Lotte, BigC, Metro, Parkson, Aeon…Các DN ngoại tham gia vào thị trường Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau: liên doanh, liên kết, hợp tác chuyển nhượng địa điểm.
 
Tất cả những điều đó tạo nên một bức tranh khá sôi động về thị trường bán lẻ Việt Nam trong năm 2014.
 
Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường bán lẻ Việt Nam ?
 
Thị trường bán lẻ Việt Nam là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng. Hiện nay Việt Nam đang có trên 90 triệu dân, lực lượng dân số trẻ chiếm hơn một nửa. Mức GDP trung bình của nước ta đang xấp xỉ gần 2.000 USD/người. Trong tương lai giá trị này sẽ ngày càng tăng và đó là tiền đề cho sự phát triển của bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là bán lẻ hiện đại. Theo thống kê của Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Cả nước hiện có khoảng 724 siêu thị và 132 TTTM, số cửa hàng tiện lợi hoạt động đúng nghĩa (có thương hiệu và vận hành theo chuỗi) mới chỉ dừng lại ở con số hàng trăm. Phần lớn các siêu thị và TTTM này lại chỉ tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành. Khu vực nông thôn, ngoại thành hầu như vắng bóng các hệ thống bán lẻ, chỉ chủ yếu phân phối hàng theo từng đợt. Chính vì thế, có thể nói thị phần bán lẻ hiện đại Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ khá nhiều.
 
Tuy nhiên, thị trường này sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các DN trong nước và nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ thâm nhập vào Việt Nam bằng con đường liên doanh liên kết trong khâu phân phối mà ngay từ khâu sản xuất. Đơn cử như Công ty C.P của tập đoàn C.P Thái Lan đang chiếm 50% thị phần trứng, 30% thị phần gà công nghiệp, 7% thị phần thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam. Như vậy các DN ngoại đang nắm trong tay một chuỗi cung ứng từ sản xuất cho tới phân phối. Bên cạnh đó các DN ngoại hầu hết đều là những DN lớn có lợi thế về vốn và kinh nghiệm nhiều năm. Họ đều có chiến lược làm việc âm thầm nhưng rất bài bản. Đây sẽ là những thách thức lớn cho các DN trong nước trong con đường khẳng định vị thế trên sân nhà.
 
Theo Quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, tức cần thêm 550 siêu thị so với hiện tại, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.
 
Theo ông DN nội đang cần những giải pháp nào để có thể phát triển nhanh chóng và tạo lợi thế trong cuộc đua này?
 
Tôi cho rằng giải pháp hoàn toàn nằm trong tay chúng ta. Về phương diện vĩ mô, Nhà nước cần phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tiếp cận đất đai, mở rộng chuỗi sản xuất cung ứng trên toàn bộ các thị trường. Hiện nay việc mở rộng các địa điểm của DN nội vẫn còn rất chậm, nhiều mảnh đất vàng rơi vào tay các DN ngoại.
 
Bên cạnh đó cũng cần có sự giảm thiểu trong các thủ tục hành chính, giảm chi phí mở doanh nghiệp để số lượng các doanh nghiệp tham gia vào thị trường tăng lên. Vốn sẽ được đầu tư vào dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất. Ở các nước phát triển năng suất chăn nuôi của họ rất cao, giá thành thấp. Trong khi đó, năng suất của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, thấp hơn các nước trong cùng khu vực từ 2 - 15 lần. Nếu cải thiện được điều này giá thành sản phẩm sẽ giảm, chất lượng được nâng cao, tăng thêm sức cạnh tranh trên thị trường với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Như hiện nay, theo đánh giá của nhiều DN kinh doanh, thịt bò Úc đang chiếm tới 70% thị phần ở thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một điều thực sự đáng tiếc.
 
Ngoài ra, cũng cần có sự quản lý thị trường thật chặt chẽ, giảm thiểu tối đa tình trạng buôn lậu hàng giả hàng nhái hàng kém chất lượng có mặt trên thị trường, tạo điều kiện cho hàng thật, hàng sản xuất trong nước có thêm cơ hội để phát triển. Quản lý đúng và đủ trên mọi thị trường bán lẻ: hiện đại lẫn truyền thống. Điều này nhằm tiến tới một nền kinh tế công bằng giữa người mua và người bán, giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước cũng có thể hỗ trợ cho các DN nội trong khuôn khổ cho phép như: tạo vùng liên kết, đào tạo nhân lực, thông tin, dự báo xu hướng…
 
Đối với các DN, cần phải tạo ra sự liên kết vùng, liên kết sản xuất – phân phối, phân phối – phân phối, bán buôn - bán lẻ… Nếu có sự liên kết chặt chẽ sẽ giúp giá thành giảm và hàng sản xuất cũng sẽ đảm bảo được nguồn đầu ra, tránh tình trạng lãng phí thất thoát. Hiện nay việc cấu kết cộng động của các DN Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, những con thuyền nhỏ vẫn bị rời rạc, chưa có nhiều sự liên kết hợp tác hỗ trợ lẫn nhau. 
 
Như một chuyên gia kinh tế đã nói: “Nếu một đất nước không có một nền sản xuất nội địa tốt thì sẽ không có cơ hội nào để phát triển ngành kinh doanh bán lẻ tốt”. Vì thế chúng ta phải làm thật tốt, liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng thật chắc chắn ở ngay trên thị trường nội địa thì mới có thể cạnh tranh được với các DN ngoại.

Vậy, ông có thể dự báo thế nào về triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2015?
 
Năm 2015 và cả những năm tới thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động và chứng kiến những cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các DN, đặc biệt là giữa DN ngoại và nội. Chúng ta vẫn sẽ chứng kiến cuộc đổ bộ của các DN ngoại vào thị trường Việt Nam: Tập đoàn bán lẻ Aeon Nhật Bản với dự án Aeon Mall Him Lam ở Sài Đồng Long Biên, tập đoàn Lotte dự kiến mở 60 điểm (hiện giờ là 9 điểm)…Các DN nội cũng đang có những phương án mở rộng thêm những điểm phân phối không chỉ ở trung tâm mà khu vực ngoại thành như: Citimart mở rộng thêm 70 điểm với quy mô từ 1000 – 2000 m2/điểm trong thời gian tới…
 
Năm 2015 cũng sẽ là một năm đầy cơ hội và thách thức với ngành bán lẻ Việt Nam. Kể từ ngày 1/11/2015, Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Bên cạnh đó, năm 2015 là năm khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối. Chưa kể tới việc hiệp đinh TPP với 12 nước tham gia sẽ có thể được ký kết trong năm 2015. Với hiệp đinh này hơn 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Việc này sẽ gây nhiều khó khăn bất lợi cho hàng hóa trong nước nhưng cũng là động lực thúc đẩy được tình hình sản xuất và phân phối, nâng cao sức cạnh tranh của các DN Việt Nam.
 
Có thể nói, miếng bánh thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn, vấn đề chỉ là chúng ta làm cách nào để năm bắt được thời cơ, làm chủ được trận địa.

Cảm ơn ông về những chia sẻ này!
 
Theo báo Công thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo