“Ẩn số” khó lường trong bức tranh tăng trưởng 6 tháng cuối năm
Vietcombank, Agribank, TPBank chính thức giảm lãi suất cho vay / 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 1,5 tỷ USD
Đáng chú ý nhất hiện nay vẫn là diễn biến dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khu vực phía Nam. Với mức độ nghiêm trọng lớn hơn cả chục lần so với các đợt dịch bệnh lần trước, bài toán cân đối y tế - kinh tế càng trở nên khó hơn bao giờ hết.
Nếu mới tính riêng 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp của TP Hồ Chí Minh chỉ tăng trưởng 5,9%, so với mức dự kiến hơn 10% khi không có đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Đây mới là con số 6 tháng, chưa tính tới bối cảnh phức tạp và các biện pháp mạnh tay TP Hồ Chí Minh buộc phải đưa ra để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Với trường hợp của Bắc Giang trước đó, ước tính cứ mỗi ngày buộc phải giãn cách sẽ hụt thu 2.000 tỷ đồng GDP. Vậy với quy mô GDP TP Hồ Chí Minh lớn hơn gấp 11 lần Bắc Giang và thời gian phong toả theo Chỉ thị 16 kéo dài trong 14 ngày, tác động sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Tính riêng các khu công nghiệp trong thành phố cũng mới chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp đăng ký phương án vừa cách ly, vừa sản xuất. Bản thân trong số các doanh nghiệp thực hiện phương án này, năng suất cũng giảm đáng kể, chỉ đạt một nửa hoặc thậm chí thấp hơn rất nhiều so với trước.
Cùng với vấn đề đình trệ vận chuyển, cung ứng giữa các tỉnh, chỉ riêng việc duy trì sản xuất với công suất thấp tối thiểu cũng đã là nỗ lực của nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác tại phía Nam.
Doanh nghiệp gồng mình chống dịch
Doanh nghiệp thuỷ sản Vina Cleanfood có 4.000 lao động, với 70% là dân tộc thiểu số. Với các biện pháp "3 tại chỗ" và gián đoạn vận chuyển giữa các tỉnh, khả năng giảm dần công suất, rồi tạm dừng hẳn hoạt động là thấy rõ.
Ông Võ Văn Phục - Tổng giám đốc Vina Cleanfood cho biết: "Có khả năng chỉ duy trì khoảng 30% công suất như bình thường, cùng với việc thiếu nguyên liệu thời gian sắp tới khả năng nhiều nhà máy phải đóng cửa thời gian dài là hiện hữu".
"Không có chuyện các đối tác sẽ quay lại đặt đơn hàng của mình. Dịch ảnh hưởng sản xuất và đứt gãy chuỗi sản xuất rất lớn. Kể cả khi dịch đã ổn đi chẳng nữa việc hồi phục cũng sẽ rất khó khăn", ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho hay.
Doanh nghiệp đang gồng mình vừa sản xuất, vừa chống dịch. Ảnh minh họa.
Ngành sản xuất đứt gãy cung ứng còn mảng dịch vụ cũng chịu thiệt hại không nhỏ trong tuần đầu tiên thực hiện Chỉ thị 16 của TP Hồ Chí Minh. Việc đóng cửa 200 chợ đầu mối cũng gây áp lực lên hệ thống siêu thị và chuỗi cung ứng hàng hoá.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết: "Chúng ta cũng đang tiến hàng từng bước mở cửa gần 200 chợ đầu mối trong khu vực TP Hồ Chí Minh với điều kiện các quầy hàng phải có ngăn cách. Người bán hàng và người mua hàng cũng phải thực hiện 5K".
"Khẩn cầu nhiều nhất là có vaccine để tiêm để duy trì sản xuất. Nếu trong tháng 7 không tiêm được vaccine, không thực hiện được biện pháp hiệu quả, COVID-19 vẫn tiếp tục nan giải sẽ tác động rất lớn đến sản xuất và xuất khẩu của ngành hàng thủy sản", ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói.
Giải pháp y tế linh hoạt để duy trì tăng trưởng kinh tế
Đây là thời điểm doanh nghiệp phải gồng mình chống dịch và hi sinh lợi ích kinh tế trước mắt. Thế nhưng cũng như người bị ốm, điều doanh nghiệp khao khát nhất bây giờ là một liều thuốc có thể cắt bệnh dứt điểm.
Thực tế tới thời điểm này, các gói hỗ trợ đều đã được triển khai, từ giãn hoãn thuế và tiền thuê đất, cắt giảm lãi suất và không chuyển nhóm nợ, hay hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, bám sát tiến độ giải ngân đầu tư công.
Tuy nhiên đó mới chỉ là tiếp sức bởi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ y tế, vậy nên cho tới cuối cùng, chỉ có những giải pháp y tế rốt ráo, linh hoạt, mới có thể thực sự chấm dứt khủng hoảng.
Trước tiên, theo chuyên gia, phải quán triệt thống nhất giữa các địa phương, chống dịch nhưng các biện pháp phải hài hoà, linh hoạt, không được để tình trạng ngăn sông cấm chợ, gây khó cho việc vận chuyên, cung ứng hàng hoá.
Với tiến độ tiêm vaccine hiện tại, theo chuyên gia, cũng cần tiêm có trọng tâm trọng điểm, mới đạt hiệu quả vực dậy nền kinh tế.
Tác động từ dịch bệnh là “ẩn số” khó lường trong bức tranh tăng trưởng cuối năm. Ảnh minh họa.
Tổ chức quốc tế đánh giá cao trung và dài hạn
Quay trở lại bài toán kinh tế - y tế, ở thời điểm này, bất cứ đáp án nào, bất cứ cách tiếp cận nào cũng sẽ đều gây tổn thất nhất định ở cả khía cạnh kinh tế và y tế. Tuy nhiên, điều quan trọng theo các tổ chức quốc tế, là nền tảng căn bản vững chắc của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đó, hãy để những tổn thất kinh tế nếu phải chấp nhận hi sinh sẽ là những tổn thất trong ngắn hạn.
Bà Michele Wee - Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết: "Dù hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam cho năm nay, nhưng chúng tôi vẫn duy trì dự báo cho năm sau ở mức 7,3% nhờ đà phục hồi hậu COVID-19. Câu hỏi đặt ra là liệu gián đoạn sản xuất sẽ chỉ là nhất thời, hay sẽ để lại hệ luỵ kéo dài sang những năm tiếp theo".
"Chúng tôi vẫn giữ triển vọng tích cực và quan điểm về các nền tảng căn bản của Việt Nam, dự báo tăng trưởng hơn 7% cho năm sau và sau nữa. Đây vẫn là con số ấn tượng, đặc biệt là so với các quốc gia cùng xếp hạng tín nhiệm. Chúng tôi tin rằng khu vực xuất khẩu và FDI sẽ không bị ảnh hưởng nhiều", bà Sagarika Chandra - Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm Quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Fitch Ratings nói.
Tại thời điểm này Chính phủ vẫn thống nhất chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay là mức từ 6 - 6,5%, dù kịch bản xấu nhất cũng đã được tính đến. Đây là kỳ vọng của cả nền kinh tế.
Tuy nhiên, khác với năm ngoái, năm nay chắc chắn là sẽ còn có 1 con số nữa mà cả cộng đồng doanh nghiệp, ngừoi dân chờ mong và cả tốc độ tăng trưởng GDP cũng sẽ phụ thuộc không nhỏ vào đó chính là tỷ lệ tiêm chủng vaccine liệu sẽ đạt được bao nhiêu % vào cuối năm nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo