'Chuyển tải' bất hợp pháp gây hệ lụy cho doanh nghiệp Việt Nam
DNVN - Hiện tượng 'chuyển tải' hợp pháp giúp cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam với Mỹ. Nhưng 'chuyển tải' bất hợp pháp sẽ để lại hệ lụy như tăng rủi ro cho doanh nghiệp tuân thủ của Việt Nam sẽ bị chậm trễ khi làm thủ tục xuất khẩu tại Mỹ, tăng rủi ro hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị áp thuế cao hơn.
Trầy trật mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD / Rà soát, đánh giá năng lực DN xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Ông Claudio Dordi - Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã nhận định như vậy tại "Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về ngăn chặn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại" diễn ra sáng 14/11 tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và USAID tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp mà nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã tác động không nhỏ đến Việt Nam.
Hội thảo này hướng tới mục tiêu hỗ trợ trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan của Việt Nam với các chuyên gia xuất xứ và phòng vệ thương mại đến từ các cơ quan và tổ chức quốc tế, hải quan các nước về ngăn chặn gian lận xuất xứ, xác định, điều tra chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và thể hiện mạnh mẽ cam kết đấu tranh quyết liệt và có hiệu quả của Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác thương mại về hành động của Việt Nam trong công tác chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là 1 trong những đối tác chủ chốt của Hoa Kỳ trong khu vực. Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, theo Giám đốc USAID tại Việt Nam, quan hệ thương mại song phương đối mặt với nhiều thách thức khi việc chuyển tải bất hợp pháp trở thành rào cản, gian lận xuất xứ hàng hóa gây tổn hại đến mối quan hệ lành mạnh giữa hai quốc gia, làm phương hại trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ làm ăn chân chính.
"Hội thảo hôm nay được tổ chức nhằm xây dựng cầu nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương và Trung ương với doanh nghiệp, đồng thời tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về tạo điều kiện thuận lợi về thương mại, chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại", ông Michael Greene nhấn mạnh.
Nhấn mạnh đến vấn đề "chuyển tải", ông Claudio Dordi - Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ cho rằng, đây không phải là hiện tượng mới đối với Việt Nam bởi sản phẩm XK từ Việt Nam sang châu Âu được phát hiện "chuyển tải" từ Trung Quốc qua các cuộc điều tra chống bán phá giá chính thức từ năm 2000 đến 2008 như xe đạp, kẽm ô xít, bật lửa, vòng gắn và giầy mũ da.
Ông Michael Greene cho rằng, hiện tượng chuyển tải hợp pháp giúp cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam với Mỹ. Nhưng chuyển tải bất hợp pháp sẽ để lại hệ lụy như tăng rủi ro cho doanh nghiệp (và sản phẩm) tuân thủ của Việt Nam sẽ bị chậm trễ khi làm thủ tục XK tại Mỹ, tăng rủi ro hàng hóa XK của Việt Nam sẽ bị áp thuế cao hơn.
Cụ thể, hiện tượng chuyển tải tiềm tàng từ Trung Quốc qua Việt Nam đối với những sản phẩm phải chịu các biện pháp hạn chế nhập khẩu của Mỹ. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam cũng tăng tương ứng. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ năm 2010-2018, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 16,3% thì nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng 16,22%. Đã có những sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ tăng nhiều nhất kể từ khi Mỹ áp thuế đối với Trung Quốc, như dây điện và cáp điện tăng tới 252,3%, chất dẻo nguyên liệu tăng 147,8%, đồ gỗ tăng 140%.
Ngoài ra, đầu tư từ Trung Quốc và Hong Kong vào Việt Nam tăng đột biến, so với cùng kỳ 2018 đầu tư từ Trung Quốc tăng 200% và từ Hong Kong tăng 394% với quy mô dự án nhỏ.
Với đầu tư quy mô nhỏ thì không thể là dự án đầu tư chiều sâu. Đã có nghi ngờ đầu tư vào Việt Nam chỉ là để lập ra những cơ sở lắp ráp sản phẩm nhằm lấy xuất xứ của Việt Nam qua đó xuất khẩu sang nước thứ ba.
Về vấn đề này, ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Năm 2019, Tổng cục Hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến gian lận về nguồn gốc xuất xứ. Qua kiểm tra, phát hiện cho thấy có nhiều phương thức, thủ đoạn để gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa nước ngoài để tiêu thụ tại Việt Nam.
Đó là hàng hóa khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ Made in Vietnam hoặc trên sản phẩm/bao bì, phiếu bảo hành đều ghi bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ, trụ sở tại Việt Nam. Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa trên bao bì/sản phẩm được ghi sản xuất tại nước ngoài như "Made in China" nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa lại thay nhãn mới "Made in Vietnam".
Từ thực trạng này, ông Âu Anh Tuấn kiến nghị cần phải rà soát các giao dịch, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để phân tích, quyết định kiểm tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm.
Đồng thời, Bộ Tài chính cần chủ động trao đổi với Hải quan Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, đại sứ quán các nước tại Việt Nam... để kịp thời thu thập thông tin liên quan đến số liệu thống kê mặt hàng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào các nước này và ngược lại; danh sách mặt hàng áp thuế chống bán phá giá đối với các nước và dự báo khả năng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại...
Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định rằng, trước nguy cơ hàng hóa nước ngoài mượn đường lợi dụng những kẽ hở luật pháp và quy định để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam nhằm xuất khẩu sang Mỹ và các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên để hướng thuế suất ưu đãi, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt và sát sao các cơ quan chức năng, các bên có liên quan về vấn đề này.
Trong đó, đáng chú ý là ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.
Chính phủ Việt Nam đã sửa đổi tất cả các nguồn văn bản pháp lý khác nhau, bao gồm xác minh và kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa XNK, quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do, xử lý vi phạm để chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Cùng với đó, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã có những hành động mạnh mẽ nhằm ngăn chặn gian lận xuất xứ và chuyển tải trái phép.
Nguyệt Minh (Tổng hợp)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Cột tin quảng cáo