'Mong manh' chế biến nông sản
Giá vàng hôm nay (23/11): Đi ngang / Kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi cao nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro
Ông Lý Hòa - phụ trách kinh doanh của Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu (quận Gò Vấp, Tp.HCM) cho biết, các sản phẩm chế biến cà phê hoà tan trái cây (như cà phê dừa, cà phê khoai môn, cà phê bạc hà, cà phê nhàu) của công ty hiện đang xuất khẩu (XK) khá tốt sang thị trường Australia, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Nga, Mỹ…
“Chìa khóa” ở chế biến sâu
Mỗi tháng, bình quân doanh nghiệp (DN) này XK 3 container các sản phẩm nêu trên. Điểm đặc biệt trong các sản phẩm này là trái cây (có chứng nhận organic) là thành phần chính chứ không phải là cà phê.
Theo chia sẻ của ông Hòa, đó là việc đưa công nghệ chế biến sâu nông sản vào cà phê, như một cách “bắt”trend (xu hướng) tiêu dùng mới trên thế giới.
“Người tiêu dùng ở châu Á và châu Âu rất quan tâm đến những sản phẩm mới lạ này, và khả năng cung cấp không đủ so với nhu cầu của thị trường. Chúng tôi cảm thấy có nhiều ưu thế trong việc gia tăng giá trị cho nông sản như vậy”, ông Hòa nói.
Cần nhấn mạnh thêm, chủ của công ty này là một doanh nhân Việt kiều Australia, tên là Nguyễn Ngọc Luận, đã từng chia sẻ rằng chế biến sâu là “chìa khóa” quan trọng để nông sản Việt có cơ hội vươn ra thị trường thế giới.
Và ông Luận có liên hệ lại bài học từ dịch Covid-19 đã cho thấy bức tranh thực nhất về nông nghiệp Việt Nam khi gặp vấn đề hạn chế trong chế biến sâu.
“Quá trình này đòi hỏi lãnh đạo DN cần phải hiểu, phải có tâm và thực sự kiên quyết để làm ra những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, XK đi nhiều thị trường trên thế giới”, ông Luận lưu ý.
Tại Diễn đàn XK với chủ đề về việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau Covid-19 tổ chức mới đây ở Tp.HCM, ông Phạm Thiết Hòa - Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, cũng đã nêu vấn đề về khả năng khiêm tốn trong chế biến sâu ở nông sản Việt.
Dẫn chứng số liệu điều tra của Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), ông Hòa cho biết tỷ trọng nông sản chế biến sâu được XK của Việt Nam còn rất hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 25 - 30% tổng sản lượng nông sản (bằng một nửa so với các nước ASEAN). Thậm chí nhiều sản phẩm đạt tỷ lệ rất thấp như rau, quả, thực phẩm chỉ đạt 10%, cà phê chỉ đạt 4 - 6%...
Thực tế là đến nay, sản phẩm chế biến nông sản Việt chủ yếu vẫn là sơ chế nên giá trị gia tăng thấp (chiếm tới 70 - 80%), chủng loại chưa phong phú. Các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến rau quả còn thấp (khoảng 145 DN, chiếm tỷ lệ 2,19% tổng số lượng DN hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp), chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như thị trường XK.
Chờ doanh nghiệp đầu tư công nghệ
Giới chuyên gia chỉ ra rằng, do nông sản Việt XK vốn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường này vốn chuộng nông sản thô, trái cây tươi, không yêu cầu cao đối với những sản phẩm chế biến sâu. Điều đó dẫn đến việc nhiều DN Việt trong ngành hàng nông sản bị “ru ngủ” và quên hẳn việc chú trọng đến khâu chế biến.
Chính từ dịch bệnh Covid-19 khiến đầu ra nông sản Việt gặp trục trặc, đã bộc lộ những khiếm khuyết trong khâu chế biến. Và qua đó, các DN Việt có thể cần rút ra những bài học để việc đầu tư vào chế biến sâu nông sản được tốt hơn nếu như muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài việc thiếu chế biến sâu, theo ông Phạm Thiết Hòa - người có nhiều kinh nghiệm trong việc xúc tiến thương mại hàng Việt ra thị trường quốc tế, còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy đưa nông sản Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giải pháp trước nhất là cần tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bởi các hiệp định này có rất nhiều ưu đãi về thuế quan cho sản phẩm nông sản Việt.
Đơn cử như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Phần lớn hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam (rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, hạt khô…) được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm.
Hay như FTA Việt Nam - EU (EVFTA). EU cam kết sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định đối với sản phẩm từ gạo và tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu 100.000 tấn gạo tấm vào EU hàng năm.
Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường EU về các sản phẩm rau quả nhiệt đới rất lớn, vì vậy, cơ hội cho Việt Nam XK mặt hàng này cũng được rộng mở. EU cam kết xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả.
Đối với thị trường ASEAN, Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) cũng đem lại nhiều cơ hội XK cho nông sản Việt. Bởi lợi thế của thị trường nội khối ASEAN là khoảng cách địa lý gần gũi, không hạn chế phương tiện vận chuyển. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ASEAN là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ hai của Việt Nam.
Điều quan trọng, theo ông Phạm Thiết Hòa, để đẩy mạnh đưa nông sản Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN cần tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến sâu, cũng như đa dạng hóa sản phẩm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
Tỷ trọng nông sản chế biến sâu được XK của Việt Nam còn rất hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 25 - 30% tổng sản lượng nông sản.