Thị trường

'Mỳ đa sắc' vươn xa nhờ sản xuất sạch

Thời gian qua, HTX sản xuất và tiêu thụ mỳ Trại Lâm (Lục Ngạn, Bắc Giang) đã cung cấp ra thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng. Có được kết quả đó là nhờ định hướng sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường của các thành viên.

Xuất khẩu rau quả 'chạy nước rút' sang Trung Quốc / Trung Quốc 'siết' nhập khẩu, doanh nghiệp thủy sản phải làm gì?

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Lục Ngạn, nếu như một số địa phương khác phải chịu áp lực môi trường từ sản xuất mỳ gạo thì tại HTX Trại Lâm, môi trường vẫn được bảo đảm đi đôi với giá trị kinh tế được nâng cao.

Bắt nhịp thị trường

Nếu như trước đây, HTX chỉ sản xuất loại mỳ chũ truyền thống làm từ bột gạo thì nay, nắm bắt được tâm lý khách hàng, HTX mở rộng sang làm các loại mỳ từ rau củ quả, hạt. Hiện, HTX tập trung vào sản xuất mỳ từ gạo lứt, gấc, khoai tây, mè đen, hạt sen, rau xanh…

Theo các thành viên, khách hàng ngày càng quan tâm đến sức khỏe nên việc sáng tạo ra những dòng sản phẩm mới đáp ứng tốt các yêu cầu này sẽ là lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Các loại rau của quả phục vụ chế biến mỳ rất đa dạng và có sẵn trong nước nên HTX có thể chủ động sản xuất.

Mì gạo lứt chứa nhiều vitamin nên được người tiêu dùng đánh giá cao bên cạnh những loại mì rau củ khác.

Mì gạo lứt chứa nhiều vitamin nên được người tiêu dùng đánh giá cao bên cạnh những loại mì rau củ khác.

Thực tế, nhiều địa phương, đơn vị dù sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn hay hữu cơ thì 20-30% sản lượng rau, củ, quả vẫn bị xếp vào dạng thải loại, giá trị kinh tế từ những sản phẩm này không đáng là bao. Vì khi thu mua nông sản, đa phần doanh nghiệp chỉ chọn loại thượng hạng, loại 1 để dễ tiêu thụ. Đối với những nông sản phẩm chất thấp hơn, nông dân phải bán với mức giá rất “bèo” trong khi mức độ đầu tư là như nhau.

Vậy nên, HTX chủ động liên kết với các đơn vị để thu mua các nông sản không đủ tiêu chuẩn xuất cho các doanh nghiệp về phục vụ sản xuất ra các loại mỳ rau củ với giá trị dinh dưỡng và màu sắc khác nhau. Cách làm này không chỉ giúp đa dạng sản phẩm mà còn hạn chế tình trạng người dân vứt bỏ nông sản bừa bãi ra môi trường khi rơi vào cảnh “được mùa mất giá”.

Bà Đào Thị Hương, Giám đốc HTX, cho biết: “Trước đây, nhìn bà con nông dân trồng rau, củ rất vất vả, nhưng vào vụ thu hoạch rộ thì giá rất rẻ, thậm chí phải đem cho, tôi tự nghĩ tại sao không gắn nông nghiệp với chế biến mỳ. Hiện, mỳ rau củ quả của HTX được người tiêu dùng khá tin tưởng và cho giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với sản phẩm gốc”.

Đầu tư thực chất

 

Theo các thành viên, muốn bảo đảm giá trị dinh dưỡng, nâng cao chất lượng sản phẩm thì phải bảo đảm được môi trường. Chính vì vậy, HTX không ngại đầu tư nhà xưởng, máy chế biến bột gạo, máy ép bột, máy đùn mỳ, téc nước, giàn ép, máy cắt đoạn, cắt sợi…

Các loại máy móc dùng điện được thay thế cho quy trình sản xuất thủ công giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu ra và đầu vào. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Hiện, HTX tạo việc làm cho gần 20 lao động với mức lương trùng bình 5 triệu đồng/tháng.

Để giải quyết nguồn chất thải, HTX đầu tư hệ thống hầm biogas. Phần cặn từ chất thải sẽ được xử lý định kỳ, còn phần nước thải đạt tiêu chuẩn được đưa ra môi trường phục vụ các hoạt động phù hợp.

Thực tế, nước thải từ quá trình sản xuất mỳ có chứa nhiều tinh bột, nếu thải trực tiếp ra môi trường, chỉ sau một thời gian sẽ gây mùi hôi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường. Khi xử lý được nguồn nước thải cũng đồng nghĩa với việc HTX bảo đảm được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

HTX đang đẩy mạnh tham gia các hội chợ để có thể liên kết với các đối tác tiềm năng.

HTX đang đẩy mạnh tham gia các hội chợ để có thể liên kết với các đối tác tiềm năng.

 

Việc liên kết các hộ dân hình thành HTX Trại Lâm tạo điều kiện thuận lợi trong ký kết hợp đồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Sự đột phá trong việc đa dạng sản phẩm, đầu tư máy móc còn tạo động lực lớn cho hoạt động sản xuất mỳ chũ tại tại địa phương. Đặc biệt, giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, đưa làng nghề sản xuất truyền thống phát triển bền vững.

Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, HTX còn chú trọng đến khâu bao bì, mẫu mã. Nếu như trước đây, mỳ được đóng vào túi nilon với khối lượng phù hợp thì nay được chuyển sang các dòng túi giấy Kraft dành riêng cho thực phẩm. Loại giấy này có chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế nên có thể đáp ứng yêu cầu cao từ phía doanh nghiệp ở trong và ngoài nước.

Tuy chi phí cao hơn nhưng ưu điểm của bao bì giấy Kraft là tạo ra sự mới lạ, giữ được hương vị tự nhiên của thực phẩm. Khi so sánh với túi nilon, túi giấy dễ tiêu hủy trong thời gian nhất định nên hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Nhờ chú trọng sản xuất "sạch”, thân thiện môi trường, HTX Trại Lâm đang từng bước phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế. Sản phẩm của HTX đang được người tiêu dùng đón nhận và thu hút doanh nghiệp thu mua. Với đầu ra ổn định, doanh thu bình quân của HTX là 800-1 tỷ đồng/năm.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm