"Tiềm năng tăng trưởng GDP từ 8 - 10% là có thể"
DNVN - Trên cơ sở tất cả thuận lợi, thành công của kinh tế Việt Nam 2019, giới chuyên gia đã đưa ra dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 trong bối cảnh kinh tế thế giới chậm lại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn còn khó đoán định, Anh rời EU gây ra những hệ lụy hay khu vực cung cấp dầu mỏ lớn cho thế giới là Trung Đông bất ổn.
Cộng đồng DN tư nhân cam kết với Thủ tướng: Sẽ đóng góp 80% vào GDP / Đánh giá lại quy mô GDP: Việt Nam không phải ngoại lệ
Năm 2019 là năm rất thành công đối với kinh tế Việt Nam. Có những nguyên nhân, động lực đóng góp vào thành công của năm 2019. Đó là câu chuyện xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 tỷ USD chỉ sau 2 năm 2017 từ con số 400 tỷ USD, dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trung bình hàng tháng khoảng 3 tỷ USD, chúng ta rất thành công trong việc tăng trưởng ngành du lịch với mức tăng trưởng 15 - 16% - trong khi tăng trưởng toàn cầu chỉ khoảng 3 - 4%, năng lực cạnh tranh quốc gia quốc gia được nâng cao...
Nhiều yếu tố thuận lợi
Tại Tọa đàm khoa học “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2020” do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, Giám đốc NCIF Lưu Quang Khánh khẳng định rằng, các giải pháp điều hành tích cực và hiệu quả của Chính phủ đã mang lại kết quả tích cực cho nền kinh tế, đáng chú ý là việc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao (7,02%) trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định (CPI trung bình năm đạt 2,8%), thặng dư thương mại kỷ lục (gần 10 tỷ USD), dự trữ ngoại hối tăng cao (gần 80 tỷ USD).
Giám đốc NCIF Lưu Quang Khánh phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: MPI)
Theo Phó Giám đốc NCIF Đặng Đức Anh, năm 2019, các nước có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm đối phó với suy giảm kinh tế. Tăng trưởng kinh tế trong nước duy trì mức cao trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Công nghiệp chế biến, chế tạo có sự phát triển đồng đều, giảm bớt phụ thuộc vào một số nhóm mặt hàng, tận dụng được tác dụng của xung đột thương mại để thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng có lợi thế.
Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc, tăng tỷ trọng vốn đầu tư thông qua mua bán và sáp nhập, tiêu dùng duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng nhằm hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Lãi suất, tỷ giá được kiểm soát và điều chỉnh ở mức thấp là tiền đề cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng.
Ông Đặng Đức Anh cho rằng, tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế thế giới có xu hướng giảm, bối cảnh quốc tế biến động tác động đến giá hàng hóa thế giới. Chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia tiếp tục gia tăng, nguy cơ áp thuế do lẩn tránh thương mại, xu hướng nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn chậm lại, gia tăng ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và thương mại. Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động sâu rộng đến tăng trưởng kinh tế và chuỗi giá trị toàn cầu.
Bối cảnh trong nước nhiều yếu tố thuận lợi như kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, thương mại được thúc đẩy thông qua thực hiện và tham gia vào các hiệp định thương mại, tái cơ cấu kinh tế. Cải thiện môi trường kinh doanh được tăng cường, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh hơn, sự đóng góp của các khu vực tư nhân ngày càng tăng, tiêu dùng tiếp tục là động lực với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
Tuy nhiên, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức như động lực tăng trưởng từ khu vực chế biến, chế tạo đang có dấu hiệu chậm lại. Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động do cạnh tranh từ các nhà đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều rào cản, đặc biệt đối với các doanh vừa và nhỏ. Xuất khẩu một số mặt hàng đã đến ngưỡng, đang chịu tác động tiêu cực của xung đột thương mại. Rủi ro bị áp thuế quan cao đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt do lẩn tránh thương mại. Đồng thời, xuất khẩu nông sản dự báo có thể gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh và hàng rào thương mại...
Những dự báo lạc quan
Đưa ra kịch bản tăng trưởng cho năm 2020, ông Đặng Đức Anh cho biết, với những phân tích trên, Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng được cơ hội do xung đột thương mại trong gia tăng giá trị hàng xuất khẩu và thu hút đầu tư, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019-2020, ổn định mặt bằng lãi suất, lạm phát, điều hành linh hoạt và kiểm soát tốt biến động tỷ giá.
Theo rất nhiều dự báo, kinh tế thế giới năm 2020 sẽ suy giảm, thậm chí có những dự báo là suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, tại một diễn đàn mới đây ở Hà Nội, GS. Võ Đại Lược cho rằng, cần lưu ý tới đặc điểm không có nơi đầu tư có lợi cho dòng vốn ngày càng gia tăng.
GS. Võ Đại Lược có những nhận định lạc quan về tăng trưởng GDP.
"Tôi có tiền nhưng đầu tư vào Trung Đông, châu Phi bất ổn, tìm nơi đầu tư để kiếm lời thì trên thế giới rất khó. Nhưng chúng ta lại có lợi thế khi Việt Nam có môi trường đầu tư tương đối ổn định. Cũng có thể xem so với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam hơn cả Trung Quốc. Do chiến tranh thương mại với Mỹ nên Trung Quốc giờ bắt đầu xuất hiện các trường hợp đại công ty phá sản. Chúng ta không có chuyện đó", GS. Võ Đại Lược phân tích.
Ông Võ Đại Lược dự báo rằng, "nếu Chính phủ duy trì công tác điều hành tốt thì năm 2020 chúng ta vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng GDP xấp xỉ trên dưới 7%. Đảng có Nghị quyết phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nếu chúng ta theo định hướng phát triển công nghiệp thì giỏi lắm chúng ta cũng chỉ là xưởng, thậm chí là tiểu xưởng công nghiệp của thế giới, chứ không phải là đại công xưởng như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Chúng ta phải tính theo hướng khác. Tôi cho rằng, những tiềm năng của Việt Nam là rất lớn, chúng ta có những danh lam thắng cảnh hàng đầu thế giới. Chúng ta nghiên cứu kỹ những tiềm năng của Việt Nam, định hướng lại sự phát triển và chuyển đổi mô hình phát triển như TƯ đã chỉ đạo thì chắc chắn rằng tiềm năng tăng trưởng GDP từ 8 - 10 % là có thể".
Trong khi đó, Trưởng ban (NCIF) Trần Toàn Thắng cho biết, việc tham gia CPTPP giúp Việt Nam tăng xuất khẩu vào các nước tham gia CPTPP. Dự kiến CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam đạt thêm 1,7 tỷ USD…, Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy gia tăng các động lực tăng trưởng mới. Cùng với đó, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ hội nhập quốc tế, từ xu thế phát triển khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế
Đề cập tới giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay, Phó Giám đốc NCIF Đặng Đức Anh cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành và nội ngành dựa vào lợi thế so sánh và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ. Thúc đẩy phát triển một số ngành các sức lan tỏa lớn hoặc còn nhiều dư địa như công nghệ thông tin, viễn thông, sản xuất phần mềm, công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản, năng lượng, du lịch…
Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ tình hình biến động kinh tế, địa chính trị thế giới để có những phản ứng ngắn hạn phù hợp. Tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là nông, thủy sản. Kiểm soát lạm phát trên cơ sở theo dõi sát giá nhập khẩu và tính toán lộ trình, phạm vi điều chỉnh tăng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý.
Tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng trong bối cảnh sức ép lạm phát có thể cao hơn, ưu tiên ổn định lãi suất, giám sát tín dụng cho bất động sản, tập trung tháo gỡ vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và các chỉ số xếp hạng quốc tế. Tăng cường giám sát đầu tư cũng như phòng vệ thương mại để không bị doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng Việt Nam để tránh thuế. Tận dụng làn sóng dịch chuyển đầu tư với cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo