3 triệu đồng/kg trà đinh, khách xếp hàng mua “vàng ròng” thưởng Tết
Treo tổ ong Dú trong vườn chôm chôm vắt ra thứ mật đắt tiền / Vú sữa đầu mùa hơn 100 ngàn/kg, đắt gấp đôi năm trước
Trà đinh là một trong những sản vật đỉnh cao, thượng hạng mà giới thượng lưu săn lùng ráo riết. Để sở hữu loại trà đinh Tân Cương chính gốc, thượng khách phải xếp hàng, đặt đơn trước nhiều ngày. Vào dịp Tết Nguyên đán, thứ “vàng ròng” này luôn trong tình trạng "cháy hàng" dù thuộc dòng đắt đỏ.
Bà Đào Thanh Hảo, chủ cơ sở sản xuất trà ở Tân Cương (Thái Nguyên) cho biết, lượng khách đặt trà đinh uống Tết tại xưởng tăng gấp 2-3 lần so với dự kiến. Nhiều khách sợ lo mất “vé” còn cẩn thận cọc tiền trước để giữ suất mua hàng.
“Trung bình mỗi tháng tôi bán được 100-200 kg trà đinh, riêng Tết âm lịch, con số này tăng gấp 2-3 lần. Để kịp tiến độ, tôi phải huy động toàn xưởng hoạt động hết công suất để làm hàng trả khách” – Bà Hảo chia sẻ.
Trà đinh được ví như vàng ròng nhờ độ quý hiếm và hương vị thơm ngon, đậm đà. Hành trình chế tạo ra trà đinh vô cùng tỉ mỉ, khắt khe từ khâu chọn giống, chăm sóc và sao sấy. Đặc biệt, công đoạn chế biến trà đinh rất kén người, yêu cầu thợ phải có kinh nghiệm, tay nghề cao và am hiểu về trà đạo.
Bà Hảo nhận định: “Quá trình để làm ra 1 kg trà đinh vô cùng vất vả. Điển hình như thời gian, công sức để làm ra 1 kg trà đinh sẽ tương ứng với 10kg trà thường”.
Nếu trà thường được hái theo kiểu 1 tôm 2 lá thì trà đinh chỉ hái phần đinh duy nhất ở búp hay còn gọi là tôm nõn. Khi trà hái về không sao ngay mà phải hong khô trên giá tầm 30-45 phút để loại bỏ sương đêm. Các máy vò, máy sao, dụng cụ chế biến luôn được thiết kế chuyên biệt để phù hợp với búp trà.
Do trà đinh khá nhỏ nên khi sao sấy cần tỉ mỉ, cẩn trọng để tránh làm dập nát. Khi sao trà, người thợ phải túc trực bên máy rang 24/24 để căn chỉnh cho phù hợp. Nhiệt lượng lúc sao không được to quá cũng không được quá nhỏ mà phải giữ ở mức cân bằng. Nếu để non lửa trà sẽ có mùi ngái, nước đục còn để già lửa sẽ dẫn đến hiện tượng nước đỏ, mùi khét.
“Ngoài khâu chế biến cầu kỳ thì điều khiến trà đinh đắt đỏ là nhờ vùng Tân Cương có chất đất, khí hậu đặc biệt làm cho cây trà có độ thơm ngon hiếm có, mà khó nơi nào có được” – bà Hảo bật mí.
Nhờ giá thành đắt đỏ mà trà đinh được nâng niu, chăm sóc ở chế độ cao cấp nhất ở khu xưởng. Sau khi khâu sao sấy hoàn tất, toàn bộ “vàng ròng” sẽ được di chuyển vào phòng lạnh bảo quản để tránh ẩm mốc.
Anh Minh Vượng (Đống Đa, Hà Nội) là tín đồ của “vàng ròng” chia sẻ, Tết năm nào anh cũng mua 2 kg trà đinh về thưởng thức. Để có hàng sớm, anh phải đặt mua trà từ đầu tháng 11 âm lịch. Với anh, Tết thực sự về là trong nhà có ấm trà tiếp khách, nhấp một ngụm trà ngon là tinh thần phấn chấn, sảng khoái và quên đi mọi muộn phiền.
“Trà đinh có vị thơm, ngọt, dịu khi thưởng thức, càng uống càng nghiền, càng uống thì càng thấy vị ngọt đầu môi. Trà ngon là khi pha ta thấy nước có độ xanh, trong suốt, soi xuống còn thấy được cả chính mình. Bảo vật thì dĩ nhiên là đắt nhưng đắt mà xắt ra miếng như vậy thì cũng đáng xuống tiền” – anh Vượng nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Xăng giảm giá
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước