47 đại dự án điện chậm tiến độ, cảnh báo nguy cơ thiếu điện cao
Thanh toán điện tử tại Việt Nam mỗi ngày khoảng 13 tỷ USD / EVN khuyến cáo người dân tiết kiệm điện trong những ngày nắng nóng
Hàng loạt dự án điện chậm tiến độ
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, hiện nay các dự án nguồn điện được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư, gồm: Các dự án do các tập đoàn nhà nước EVN, PVN, TKV là chủ đầu tư, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, các dự án đầu tư theo hình thức IPP.
Đáng lưu ý, tổng hợp tình hình tiến độ thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì chỉ 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Trong số này, có 23 dự án do EVN đầu tư thực hiện với tổng công suất 14.809 MW (giai đoạn 2016-2020 là 12 dự án, giai đoạn 2021 – 2030 là 11 dự án), trong đó 10 dự án đạt tiến độ và 13 dự án chậm hoặc lùi tiến độ:
Báo cáo trên cũng cho biết, các đơn vị đã hoàn thành xây dựng đưa vào vận hành 8 dự án, trong đó đạt tiến độ là 7 dự án và chậm tiến độ là 1 dự án (Thuỷ điện Sông Bung 2 chậm 1,5 năm). Có 4 dự án đang được xây dựng, trong đó dự kiến đạt tiến độ 3 dự án và chậm tiến độ 1 dự án (thuỷ điện Đa Nhim MR chậm 6 tháng).
Đang thực hiện các công tác thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng 11 dự án. Trong đó, dự kiến đúng tiến độ phát điện 2 dự án, chậm tiến độ 7 dự án (có 4 dự án lùi tiến độ để phù hợp tiến độ cấp khí Lô B, Cá Voi Xanh và 3 dự án chậm 2-3 năm); 2 dự án chưa xác định tiến độ (đang trình Quốc hội địa điểm: Nhiệt điện Tân Phước I, II).
Trong 3 năm 2016-2018, EVN hoàn thành 8 dự án nguồn điện với tổng công suất 4.540 MW, trong đó các năm 2016-2017, đưa vào phát triện điện 4.440 MW, vượt 1.145 MW, tương ứng vượt 35% so với khối lượng được giao trong 2 năm. Riêng năm 2018 đã hoàn thành phát điện 2 tổ máy thuỷ điện Sông Bung 2 (100 MW).
Năm 2019, EVN dự kiến hoàn thành 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 1.560 MW (nhiệt điện Duyên Hải 3 MR; Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 MR; Dự án thuỷ điện Đa Nhím MR; Dự án thuỷ điện Thượng Kon Tum).
Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW. Trong đó giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án. Đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và khó có thể hoàn theo tiến độ trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.
Cụ thể, đang xây dựng 3 dự án, trong đó đều chậm tiến độ 2-3 năm. Đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng 4 dự án. Dự kiến đều chậm tiến độ phát điện 2,5-3,5 năm so với yêu cầu quy hoạch điện. Có 1 dự án đã đề nghị giao chủ đầu tư khác (Long Phú III).
Các dự án do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng Sản Việt Nam (TKV) thực hiện: TKV thực hiện 4 dự án với tổng công suất 2.950 MW. Trong đó giai đoạn 2016-2020 có 2 dự án và giai đoạn 2021 – 2030 có 2 dự án. Hiện nay, cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, có 15 dự án BOT. Trong đó giai đoạn 2016-2020 là 1 dự án, giai đoạn 2021 – 2030 là 14 dự án. Hiện theo đánh giá có 3 dự án đạt tiện độ (trong đó Vĩnh Tân I đã phát điện sớm tiến độ 6 tháng); còn lại 12 dự án chậm tiến độ hoặc chưa thể xác định tiến độ do còn vướng mắc trong đàm phán.
Ngoài ra, hiện nay có 8 dự án được đầu tư theo hình thức IPP với tổng công suất 7.390 MW. Trong đó có 1 dự án hoàn thành và đóng điện đúng tiến độ (nhiệt điện Thăng Long), giai đoạn 2016-2020 có 2 dự án có khả năng đạt tiến độ, các dự án còn lại đều bị chậm, thâm chí không thể xác định được thời gian hoàn thành như nhiệt điện đồng phát Hải Hà, Quỳnh Lập 2.
Nhiều dự án chưa chủ
Bộ Công Thương cũng cho biết, có tới 5 dự án chưa có chủ đầu tư. Cả 5 dự án này đều thuộc giai đoạn 2021-2030. Trong đó 1 dự án đã loại khỏi Quy hoạch (nhiệt điện Bạc Liêu) và 4 dự án chưa rõ tiến độ (do chưa có chủ đầu tư nên khả năng đều chậm tiến độ).
Theo Bộ này, một trong các yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến việc cung cấp điện trong giai đoạn tới năm 2030 là do chậm tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện tại miền Nam.
“Các dự án nhiệt điện Thái Bình II, Long Phú I, Sông Hậu 1 đến nay đã chậm tiến độ 2 năm, nếu các vướng mắc không được giải quyết dứt điểm khả năng tiếp tục bị chậm tiến độ”, Bộ Công Thương nhận định.
Trong khi đó, đối với các dự án đã ký hợp đồng BOT rủi ro chậm tiến độ ít. Tuy nhiên, đối với các dự án đang trong quá trình đàm phán như Sơn Mỹ 1, Sông Hậu 2, Long Phú 2, Nam Định 1, Quảng Trị 1… còn tiềm ẩn rủi ro rất lớn về tiến độ.
Đến nay nhiều dự án nguồn điện lớn chưa xác định được chủ đầu tư (Long Phú 3, Quỳnh Lập 2…) nên khó khả thi hoàn thành trước năm 2030.
Theo Bộ Công Thương, nguồn nhiệt điện chạy dầu cần phải huy động với sản lượng tương ứng 1,7 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh năm 2020.
“Trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020”, Bộ Công Thương cho biết.
Đáng lưu ý theo Bộ Công Thương, các năm 2021 – 2025, mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, tuy nhiên hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam.
Theo đó, mức thiếu hụt tại miền Nam sẽ tăng từ 3,7 tỷ kWh năm 2021 lên gần 10 tỷ kWh năm 2022. Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ năm 2025.
Tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành cả giai đoạn 15 năm 2016-2030, dự kiến khoảng 80.500MW, thấp hơn so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15.200MW. Trong đó chủ yếu thiếu hụt trong các năm từ 2018-2022.
Nguyên nhân chủ yếu khiến thiếu hụt điện đó là nhiều dự án nguồn điện trong giai đoạn này bị chậm sang giai đoạn 2026-2030 và hầu hết là dự án nhiệt điện tại miền Nam.
Việc thiếu điện tại miền Nam theo đánh giá của Bộ Công Thương, sẽ tăng cao hơn so với các tính toán trước. Nguyên nhân chính là do tiến độ các dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh đều chậm hơn so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nghiên cứu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào thị trường Mỹ
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động