Áp lực bán mạnh cuối phiên, VN-Index giảm hơn 8 điểm
VN-Index đảo chiều mất gần 8 điểm / Khối ngoại bán ròng mạnh, VN-Index tiếp tục giảm điểm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/8, chỉ số VN-Index giảm 8,43 điểm xuống 1.301,12 điểm. Toàn sàn có 189 mã tăng, 180 mã giảm và 39 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,84 điểm lên 336,85 điểm. Toàn sàn có 113 mã tăng, 100 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (0,02%) lên 91,55 điểm.
Chỉ số VN30-Index cũng sụt giảm mạnh 16,06 điểm xuống 1.412,45 điểm, rổ VN30 có đến 24 mã giảm và chỉ có 6 mã tăng giá. Cổ phiếu ngân hàng hôm nay tiếp tục đứng trước áp lực giảm điểm với các mã như ACB (-1,5%), BID (-2,2%), CTG (-3%), TCB (-1,7%)…
Thanh khoản thị trường cải thiện hơn phiên trước với giá trị khớp lệnh tăng 13% lên mức 20.882 tỷ đồng, trong đó, giá trị giao dịch riêng sàn HoSE tăng 10% lên 16.709 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh với hơn 400 tỷ đồng trên sàn HoSE với lực xả chủ yếu đặt tại VHM (205 tỷ đồng), CTG (85 tỷ đồng) và HPG (47,6 tỷ đồng).
Về xu hướng thị trường trong ngắn hạn, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định các chỉ báo kỹ thuật vẫn chưa có quá nhiều tín hiệu cải thiện, VN-Index kỳ vọng tiếp tục duy trì đà hồi phục tăng giá trong các phiên giao dịch sắp tới. Hỗ trợ mạnh của thị trường hiện tại nằm quanh vùng giá 1.285 – 1.300 điểm và kháng cự ngắn là vùng hội tụ bởi các đường trung bình và vùng nền giá tích lũy trước đó quanh mốc 1.330 điểm.
TVSI đánh giá rằng VN-Index vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index vẫn trong xu hướng giảm điểm và kỳ vọng nhịp hồi phục sẽ tiếp tục trong 2 phiên cuối tuần và kiểm tra lại mốc 1.330 điểm.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại đường trung bình 5 ngày, tức là mức 1.320 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho nên các chỉ số có thể sẽ tiếp tục biến động với biên độ hẹp.
Điểm tiêu cực là thanh khoản duy trì ở mức thấp cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy tâm lý ngắn hạn vẫn đang bi quan với diễn biến hiện tại. “Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục cơ cấu lại danh mục và đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức 40 – 45% danh mục. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên mua vào thời điểm hiện tại”, chuyên gia của Yuanta Việt Nam cho hay.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định chuỗi ngày giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam tạm thời chấm dứt. Nhiều cổ phiếu sau đà giảm mạnh đã có mức độ phục hồi lại, mặc dù chưa được tích cực nhưng đây là điểm khởi đầu cho những phiên tiếp theo. “Chúng tôi khuyến nghị chiến lược mua thăm dò trong phiên trước và có thể các nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu đã mua, đồng thời tìm kiếm thêm những cơ hội đầu tư tốt trên thị trường trong thời gian tới”, chuyên gia VDSC khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo