Thị trường

Bắc Kạn: Cô gái khởi nghiệp với nấm

Nhận thấy nấm là sản phẩm có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao, sạch, có thể lựa chọn sử dụng trong bữa ăn hàng ngày, chị Lường Hợp Giang (thôn Nà Nghịu, xã Lục Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) đã tìm hiểu về các loại nấm rồi quyết tâm khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp này.

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Thái Nguyên với tấm bằng loại ưu, chị Giang đã xin làm nhân viên y tế học đường ở một trường tiểu học. Lúc đó, những đồng lương hàng tháng đủ để chị giúp được một phần cho gia đình. Nhưng sau khi lập gia đình, cuộc sống cơm áo gạo tiền, việc học hành con cái và các khoản chi phí khác phát sinh khiến Giang nhận ra rằng cần phải làm một công việc gì đó ra tấm, ra món do mình đứng chủ.

Cái duyên ngẫu nhiên

Một lần thầy hiệu trưởng của trường đưa cho Giang văn bản nghiên cứu tuyên truyền nâng cao dinh dưỡng cho học sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, trong đó có việc lựa chọn và sử dụng sản phẩm nâng cao giá trị dinh dưỡng. Qua các tài liệu, chị nhận thấy nấm chính là sản phẩm có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao, sạch, có thể lựa chọn sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Từ đó, chị bắt đầu tìm hiểu về các loại nấm rồi quyết tâm khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp này.

Cất công đi đến các trung tâm có tiếng về trồng nấm ở khu vực miền Bắc để học hỏi, đồng thời tham gia học một khóa học trồng nấm tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, chị Giang bắt đầu đưa vào trồng thử giống nấm Hoàng Đế với 3.000 bịch lấy từ tỉnh Thái Bình.

Giống nấm phát triển tốt, tuy nhiên nấm làm ra lại khó bán vì thời điểm đó người dân vẫn còn lạ lẫm với món ăn này. Bài toán đưa sản phẩm làm ra đến thị trường tiêu thụ tương đối gian nan, chị tiếp tục hành trình đi chào hàng ở các chợ, nhà hàng, quán ăn, quảng cáo trên mạng xã hội (facebook), thậm chí có những lúc ế ẩm, nấm còn phải đổ đi.

Năm 2017, chị Giang tiếp tục trồng 3.000 bịch nấm sò, do kinh nghiệm kỹ thuật chưa nhiều, nên những mẻ nấm phát triển kém, năng suất thấp. Rút kinh nghiệm từ các mẻ nấm trước, tháng 5/2018 chị đã chuẩn bị cơ sở vật chất và làm ra những mẻ nấm rơm đầu tiên tương đối thành công. Nhờ chịu khó phát triển thị trường qua nhiều kênh, các loại nấm làm ra đã có một lượng khách hàng ổn định. Từ đó chị lại càng quyết tâm hơn để tiến tới mở rộng quy mô.

Chị Giang kiểm tra nấm sò trắng

Thành lập HTX

Trong một lần xã mở 1 lớp tập huấn về HTX do Chi cục Nông nghiệp và PTNT tỉnh tổ chức, chị Giang đã được mời tham gia tập huấn và nhận thấy những ưu việt khi tham gia HTX. Chị hạ quyết tâm thành lập HTX và vận động các thành viên trong xã cũng tham gia.

Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành liên quan, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang đã được thành lập với 9 thành viên. Nhằm mở rộng quy mô, chị Giang đã phải xoay sở, đầu tư vốn lên đến gần 1 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất.

Hiện tại, xưởng nấm của HTX có quy mô 1.500 m2, gồm văn phòng, nhà xử lý nguyên liệu, khu vực sản xuất, khu nuôi trồng. Vụ nấm đầu tiên, HTX cấy được 3 vạn bịch nấm sò, gấp 10 lần với với thời điểm năm ngoái.

Sản phẩm bán ra số lượng khá lớn với giá thành 11.000 - 18.000 đồng/bịch. Mỗi ngày, HTX bán được hơn 1 tạ nấm sò tươi với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg, đồng thời giải quyết việc làm cho trên 10 lao động địa phương.

Chị Giang cho biết: “Làm nấm là nghề mới trong tỉnh, sản phẩm chủ yếu tận dụng từ các phụ phẩm như rơm rạ, mùn cưa… nguyên liệu mà ở quanh vùng có rất nhiều, thậm chí sau thời vụ bà con còn đốt bỏ đi thì tại sao mình không sử dụng, mua lại”.

Đến nay, HTX đã xây dựng được quy trình, công thức sản xuất chuẩn để áp dụng, có thể sản xuất được các mẻ, lô sản xuất ổn định và nhận được sự phản hồi tích cực từ khách hàng nhiều nơi. Thời gian tới, HTX sẽ tự chủ động sản xuất giống nấm, đưa vào trồng thêm các loại giống như linh chi, mộc nhĩ, nấm hương để quanh năm HTX đều có nấm bán.

Theo Hoàng Lê/Thời báo Kinh doanh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo