Thị trường

Bắc Ninh: Hiệu quả từ chăn nuôi sinh học

Nhờ chú trọng sản xuất an toàn sinh học, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang có những bước phát triển mạnh mẽ, mở ra hướng phát triển bền vững cho người nông dân trên địa bàn.

Nhập khẩu thịt gà không phải nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước / Dồm Cang, Sơn La: Lực đẩy nông thôn mới từ chăn nuôi an toàn

Các mô hình điểm ra đời

Năm 2015, sau khi được tham dự lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi theo hướng sinh học do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Thành tổ chức, ông Nguyễn Văn Oai (xã Song Liễu) đã vay vốn đầu tư phát triển mô hình nuôi cá kết hợp gà Ai Cập đẻ trứng với quy mô 2.000 con.

Bắc Ninh đang gặt hái nhiều thành công từ chăn nuôi sinh thái

Bắc Ninh đang gặt hái nhiều thành công từ chăn nuôi sinh thái

Nhờ nắm vững kỹ thuật, sản xuất đúng quy trình, đến nay, mô hình chăn nuôi của ông Oai trở thành một trong những điển hình về chăn nuôi sạch, hiệu quả trên địa bàn xã Song Liễu. Hiện, với 1 mẫu ao nuôi cá, 300 m2 chuồng nuôi gà đẻ trứng, mỗi năm ông Oai thu về trên dưới 300 triệu đồng.

Ngoài việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học phục vụ quá trình chăn nuôi, hàng tuần ông đều sử dụng vôi bột, hóa chất vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường.

Theo ông Oai, quy trình chăn nuôi sinh học giúp năng suất, hiệu quả chăn nuôi tăng 30 – 50% so với hình thức chăn nuôi truyền thống. Đơn cử, việc tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh trang trại sạch sẽ giúp sức đề kháng của vật nuôi được nâng lên, giảm khả năng bị dịch bệnh…

Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cũng giúp các hộ chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ an toàn nguồn đất, nguồn nước, qua đó, đảm bảo đời sống, sức khỏe cho người sản xuất và các hộ lân cận.

 

Tương tự, nhờ sản xuất theo hướng an toàn sinh học, mô hình trang trại chăn nuôi của gia đình bà Vũ Thị Đông (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành) cũng cho lợi nhuận kinh tế cao, đồng thời, giải hết bài toán ô nhiễm môi trường.

Nhiều năm qua, bà Đông đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu EM vào nhiều công đoạn trong quy trình chăn nuôi, tự tạo nguồn thức ăn có chất lượng. Đồng thời, sử dụng chế phẩm EM trộn với mùn cưa và một số thành phần khác để tạo thành đệm lót sinh học cho khu chuồng chăn nuôi, hạn chế tối đa lượng chất thải đưa ra môi trường.

“Nhờ sản xuất sạch, nhà tôi đang phát huy hiệu quả khu trang trại gần 2 ha, gồm ao cá, khu nuôi lợn hơn 100 con, hàng nghìn con gà. Sản phẩm sạch giúp thị trường tiêu thụ luôn ổn định, doanh thu từ trang trại nhà tôi đạt trên dưới 1 tỷ đồng/năm” bà Đông phấn khởi nói.

Chăn nuôi sinh thái mang lại lợi ích kép về kinh tế, môi trường

Chăn nuôi sinh thái mang lại lợi ích kép về kinh tế, môi trường

 

Sức lan tỏa mạnh mẽ

Hiệu quả kép về kinh tế, môi trường sinh thái giúp các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Số liệu thống kê cho thấy toàn tỉnh hiện có 90 trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT, trong đó có 44 trang trại ứng dụng công nghệ cao (chuồng kín, máng ăn, uống tự động), 10 trang trại, gia trại được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả các mô hình chăn nuôi và dần đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, các ban ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nhiều chính sách nhằm khuyến khích các địa phương thực hiện phương thức chăn nuôi an toàn sinh học.

Ông Vũ Thái Ninh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh, cho hay: “Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học mang lại hiệu quả cao về kinh tế, bảo đảm tốt vấn đề môi trường. Đây sẽ tiếp tiếp là hướng đầu tư phát triển của tỉnh trong những năm tới”.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm