Tuyên Quang: Nhiều HTX, tổ hợp tác tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi trâu
Quảng Ninh: HTX liên kết sản xuất an toàn tạo điểm tựa cho nông dân / Hà Giang chú trọng phát triển HTX
Năm 2019, đàn trâu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đạt khoảng 104.000 con, giảm khoảng 7.000 con so với năm 2018. Tuy số lượng giảm nhưng nghề chăn nuôi trâu hiện nay đang có chiều hướng chuyển dịch sang sản xuất hàng hóa, nhiều gia trại, trang trại chăn nuôi trâu quy mô từ 10 con trở lên đang có xu hướng tăng, số hộ nuôi lẻ tẻ manh mún, không đầu tư chuồng trại giảm dần.
Phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa
Để xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm trâu giống, thịt trâu Tuyên Quang thành ngành hàng cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Lâm Bình xây dựng và phát triển Đề án chăn nuôi trâu hàng hóa theo chuỗi liên kết trên địa bàn, giai đoạn 2019 - 2025.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện giám định bình tuyển đàn trâu đực giống và đàn trâu cái nền đủ tiêu chuẩn để sản xuất giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Hàng năm, phối giống cho 3.000 con trâu cái bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Thông qua chính sách này đã có 3.299 hộ được vay vốn, hỗ trợ lãi suất để đầu tư mua 6.892 con trâu giống thực hiện xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại thâm canh kết hợp trồng cỏ với chế biến thức ăn thô xanh.
Đối với liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng hỗ trợ thành lập và xây dựng mô hình HTX, THT chăn nuôi trâu, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi và giết mổ; hình thành các kênh tiêu thụ cho sản phẩm trâu giống, thịt trâu có truy xuất nguồn gốc, phát triển thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Theo đó, HTX Tiến Thành, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) đã cung ứng trên 1.000 con trâu thịt, bò thịt nuôi vỗ béo cho các xã thuộc huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn và Trại giam Quyết Tiến. HTX ký kết hợp đồng mua bán các loại thức ăn tinh với các hộ dân trong và ngoài địa phương; liên kết chặt với cán bộ thú y trong việc theo dõi, đánh giá vật nuôi từ khi bắt đầu nuôi đến khi xuất bán.
Mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò thịt an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm được các HTX triển khai thực hiện dưới sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Triển khai thực hiện mô hình, HTX đã cam kết chính sách cung ứng con giống trâu, bò, việc giao nhận con giống qua cân điện tử đảm bảo độ chính xác cao; thức ăn chăn nuôi đầu vào và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm trâu, bò sau thời gian chăn nuôi vỗ béo.
Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm
Anh Bàn Tiến Quốc, Tổ trưởng THT chăn nuôi trâu tại thôn Nà Khé, xã Bình An (Lâm Bình) chia sẻ: THTcó 5 thành viên với số lượng đàn trên 30 con. Hiện nay, THTđã tìm được đối tác là HTX Liên Hiệp (TP Tuyên Quang), ngoài cung ứng thức ăn tinh để các thành viên chăn nuôi trâu, HTX còn thực hiện thu mua, chế biến sản phẩm thịt trâu khô. Có đầu ra ổn định, bà con rất yên tâm đầu tư chăn nuôi.
Bà Bùi Thị Thu Lan, Giám đốc HTX Liên Hiệp khẳng định: HTX đang liên kết với HTX công nghệ cao Tiến Thành, tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi và chế biến trâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Những năm trước, người nuôi trâu luôn bị thương lái ép giá thịt trâu tươi có thời điểm giảm còn 150.000 - 160.000 đồng/kg thì nay sản phẩm thịt trâu của HTX được bán rộng rãi tại thị trường Hà Nội, Vĩnh Phúc với giá 800 nghìn đồng/kg thịt trâu sấy và 250 nghìn đồng/kg thịt trâu tươi.
Thực hiện bình tuyển, ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, liên kết phát triển chăn nuôi theo chuỗi, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cũng đã quy hoạch diện tích đất trồng cỏ; thực hiện chiến lược, chương trình phòng, khống chế và thanh toán dịch bệnh nguy hiểm trên đàn trâu…
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình mang lại, nhiều HTX, THT, hộ dân đã triển khai thực hiện. Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) cho biết: HTX đã xây dựng mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo với 26 hộ tham gia. Đến nay, HTX đã xuất bán 6 lứa với 197 con trâu thịt, 10 con bò, trừ chi phí thu lãi bình quân 1 con trâu từ 3 - 7 triệu đồng, bò từ 2 - 5 triệu đồng. Hiện, HTX đang tiếp tục nuôi lứa tiếp theo với 240 con trâu và 40 con bò. Sau thời gian thực hiện mô hình, nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá trong xã như: hộ ông Bùi Văn Vượng, bà Đinh Thị Thu...
Với những cố gắng, nỗ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang và sự tham gia tích cực của các HTX, THT, nghề chăn nuôi trâu tại tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều thay đổi tích cực, chuyển dần từ số lượng sang chất lượng, chăn nuôi chuyên nghiệp, tăng giá trị cho sản phẩm. Nhờ đó mà nhiều hộ gia đình thoát nghèo, kinh tế dần khá giả, bộ mặt nông thôn ngày càng được thay đổi tích cực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kê khai sai thuế, Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 D2D bị phạt hơn 865 triệu đồng
Ra mắt liên minh đổi mới đối tác AI tạo sinh
Đà Nẵng: Liên tiếp xử phạt bán hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng tại quận du lịch trọng điểm
Nền tảng ngân hàng số cho doanh nghiệp
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông
Chăn nuôi trâu theo hướng sản xuất hàng hóa là cách làm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con