Thị trường

Báo động tình trạng thiếu nhân lực tại doanh nghiệp cảng biển

DNVN - Theo báo cáo vừa được Hội đồng Tư vấn kỹ năng nghề ngành Logistics (LIRC) phát hành, nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp cảng biển của Việt Nam đối với khối điều khiển phương tiện thiết bị và khối khai thác, kỹ thuật, bốc xếp (lao động trực tiếp) luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, rất đáng báo động.

Doanh nghiệp sản xuất gặp khó trong đổi mới sáng tạo: Cách nào để tháo gỡ? / Nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu

Hai khối ngành thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Dựa trên đánh giá yêu cầu về kỹ năng cho nguồn nhân lực của ngành logistics, Hội đồng Tư vấn kỹ năng nghề ngành Logistics (LIRC) đã phát triển báo cáo Dự báo kỹ năng ngành cảng Việt Nam 2024-2028. Báo cáo này góp phần hiện thực hóa Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ thông qua chương trình Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills). Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (DVET) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh khu vực TP Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) hỗ trợ LIRC thực hiện.
Báo cáo chỉ ra rằng, nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp (DN) cảng biển của Việt Nam đối với khối điều khiển phương tiện thiết bị và khối khai thác, kỹ thuật, bốc xếp (lao động trực tiếp) luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

Thiếu trầm trọng nhân lực khối điều khiển phương tiện thiết bị và khối khai thác, kỹ thuật, bốc xếp (lao động trực tiếp) tại cảng.
Các vị trí đang thiếu hụt nhân sự đối với khối điều khiển phương tiện thiết bị gồm: cẩu quay, xe đầu kéo/xe tải, cẩu khung, các loại cẩu bờ khác. Còn khối khai thác, kỹ thuật, bốc xếp thiếu các vị trí giám định, sửa chữa, vệ sinh container; sửa chữa/bảo trì thiết bị xếp dỡ, container; sửa chữa cơ sở hạ tầng; lập kế hoạch; điều độ.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp cảng biển tại Việt Nam, từ năm 2024-2028 các khối nhân sự tại cảng biển sẽ có sự thay đổi mạnh về nhu cầu đặc biệt ở các cấp vận hành thiết bị, phương tiện và cấp khai thác, kỹ thuật trực tiếp tại cảng do tác động của các xu hướng công nghệ đáp ứng được nhiệm vụ phát triển kinh tế cảng biển tại Việt Nam.
Với khối vận hành thiết bị phương tiện kỹ thuật, theo kết quả khảo sát các vị trí nhân sự có dự báo thiếu hụt trong thời gian tới bao gồm: nhân viên vận hành xe tải, đầu kéo; nhân viên vận hành xe chụp; nhân viên vận hành cẩu quay; nhân viên vận hành cẩu khung; nhân viên vận hành xe nâng.
5 xu hướng tác động đến nhu cầu nhân sự
Nhóm nghiên cứu đánh giá, như một xu hướng hội nhập tất yếu với kết quả rõ ràng trong bảng khảo sát các cảng tại Việt Nam, 5 xu hướng phát triển ngành cảng trong giai đoạn 2024-2028 có tác động rõ rệt đến nhu cầu nhân sự ở cấp vận hành cảng bao gồm: cảng điện tử và cảng thông minh; thiết bị xếp dỡ tự hành; cảng xanh (sử dụng nhiên liệu sạch); robot và tự động hoá; trí tuệ nhân tạo (AI).
Đây là những xu hướng công nghệ xanh phù hợp với chiến lược hội nhập và phát triển của Chính phủ với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, trong đó nhiệm vụ phát triển hệ thống cảng biển là một nhiệm vụ quan trọng. Các xu hướng công nghệ trên sẽ tác động mạnh đến sự thay đổi nhu cầu nhân sự tại hệ thống cảng biển Việt Nam trong tương lai.
Kết quả khảo sát cho thấy sự tương quan giữa các xu hướng phát triển cảng biển trong thời gian tới đều liên quan đến số hoá, tự động hoá và công nghệ, đặc biệt trong các phương tiện thiết bị vận hành tại cảng. Các xu hướng này đã và đang diễn ra nhanh chóng và đòi hỏi nguồn nhân lực phải được đào tạo trình độ, kỹ năng phù hợp, đặc biệt là nguồn nhân lực tại các cảng địa phương.
Các doanh nghiệp ngành cảng coi trọng tuyển dụng nhân sự có tính kỷ luật cao, là “công dân của tổ chức”. Ngoài ra, các thái độ và khả năng khác cũng có mức nhu cầu ưu tiên cao ở cả khối vận hành phương tiện, thiết bị và khối khai thác, kỹ thuật và bốc xếp là khả năng ứng xử tốt với khách hàng; khả năng năng thích nghi và làm việc độc lập cường độ cao; khả năng làm việc phối hợp nhóm; khả năng quan sát, phán đoán, đánh giá tình huống và xử lý vấn đề.
Thúc đẩy gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp
Từ kết quả nghiên cứu trên, LIRC kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước xem xét đưa nội dung về đào tạo, đào tạo lại, đào tạo kỹ năng về cảng và cảng biển vào chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thể chế hóa mô hình gắn kết doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực thông qua Hội đồng kỹ năng nghề.
Địa phương cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp được đăng ký đào tạo các ngành, nghề về cảng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đối với nhà trường - các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: cần xác định những vị trí công việc mà doanh nghiệp hiện nay đang có nhu cầu tuyển dụng lao động ở mức cao làm cơ sở cho việc xây dựng đề án mở mã ngành đào tạo và cập nhật các mã ngành đào tạo hiện có nhằm đáp ứng những thay đổi của môi trường làm việc.
Cần chủ động thúc đẩy việc gắn kết trong đào tạo với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận công việc thực tiễn phù hợp với ngành/nghề được đào tạo và tham gia học kỳ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nên chủ động hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Từ đó làm cơ sở giúp cơ quan quản lý Nhà nước điều chỉnh các chính sách, chỉ tiêu và các chuẩn đào tạo liên quan cũng như giúp các trường điều chỉnh chương trình đào tạo bảo đảm chất lượng đầu ra của đào tạo gần với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và xu hướng phát triển của ngành.
Theo LIRC, việc doanh nghiệp tham gia sâu vào các hoạt động đào tạo giúp doanh nghiệp chủ động giải quyết bài toán thiếu hụt lao động cho hoạt động sản xuất và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm